Quê hương là nguồn mạch
Cao nguyên đá lại gọi em về...
Tiến sĩ giáo dục học, dịch giả Thụy Anh, một thành viên tích cực của nhóm thơ trẻ 360 gọi điện cho tôi: “Huyền Minh ơi! Cao nguyên đá lại gọi em về... Chị cùng lên chợ tình nhé!”. Đây là lần thứ ba Thụy Anh trở lại Hà Giang, dùng nhuận bút cùng cả nhóm hỗ trợ dê giống cho một số hộ nghèo tại xã Sủng Máng, tặng sách văn học cho một số điểm trường và đồn Biên phòng Lũng Cú, tặng quà cho các em học sinh nội trú dân nuôi.
“Dù kết quả chưa nhiều, nhưng cũng đã thắp lên một niềm tin, tình yêu của các thành viên trong nhóm thơ 3600 tại sân Văn Miếu năm 2009 đối với quê hương Hà Giang và với Huyền Minh chúng ta nhất trí cử Huyền Minh làm trưởng đại diện của nhóm và một số thành viên của ban văn trẻ để tiếp tục kết nối, duy trì các hoạt động nghiệp vụ cũng như hỗ trợ bà con trên cao nguyên đá”. Đó là ý kiến của nhà văn Phong Điệp, Trưởng ban biên tập Báo Văn nghệ trẻ và được các thành viên trong ban văn trẻ cũng như nhóm thơ 3600 đồng tình, nhất trí.
Phong Điệp đã hứa hẹn với tôi từ sân thơ trẻ năm 2009, rằng sẽ tới Hà Giang. Lấn bấn đến phiên chợ tình thứ ba mới dứt việc đi Hà Giang được. “Rình cả năm mới được cái chợ tình, chẳng biết nó ra làm sao, nên cứ phải vào về còn viết cái truyện tình núi...”. Cùng đi với chúng tôi còn có nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, hiện là thư ký tòa soạn tạp chí Văn hóa Quân sự. Từng là lính đảo Trường Sa không say sóng vậy mà lại gục ngã vì... say xe trước những cua đường khúc khuỷnh, quanh co của vùng cao Hà Giang. Thủy say cùng đường, nhưng vẫn cố thu vào đáy mắt phong cảnh hùng vĩ của núi non, gương mặt xanh mét vẫn nở nụ cười mãn nguyện lại còn sung sướng hát: “Hà Giang mến yêu của tôi!” khi đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng...
- Cái gì để con người có thể trụ bám, sống và yêu quí mảnh đất toàn đá này nhỉ?
Đó là thắc mắc của Lê Doãn Hoàng, thành viên này có rất nhiều năm là lưu học sinh tại Liên Bang Nga.
Xa quê ai cũng mang trong mình một tình yêu đau đáu, cũng có những dòng ký thẳm sâu, nó nuôi dưỡng tâm hồn con người ta lớn lên. Giống như Doãn Hoàng, anh không định cư tại Nga hay một nước Đông Âu nào đó, mà lại trở về Việt
Chúng tôi ngồi trên đỉnh Mã Pì Lèng, Nhà văn Phong Điệp vẽ ra một viễn cảnh không xa... nơi đây sẽ là điểm du lịch mạo hiểm, sườn đá trắng dựng đứng thách thức kia sẽ là điểm chinh phục của các nhà leo núi không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới, phía dưới sâu là dòng Nho quế thơm tho... hẳn vị phù xa nơi đầu nguồn này đã góp phong vị cho gió núi Hà Giang, góp cho đất mỡ màu để ngô nếp vùng cao dẻo ngọt, bát mèn mén thật bùi và làm lên tình yêu của chợ tình Khau Vai ngây ngất như “Men rượu tìm Môi”...
- Lần sau nhé! Nhóm 3600 sẽ cùng leo núi, đi cáp treo xuống dòng Nho Quế để tự múc nước nguồn từ đất mẹ... Sẽ có rất nhiều dê núi được nuôi ở dưới chân núi kia, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản cao nguyên từ dê, từ cá, từ ngô, từ tam giác mạch và hoa bạc hà. Sẽ có nhiều loại thảo dược được trồng... có thể là tam thất? Tam thất mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuấn Anh, phu quân của Phong Điệp bổ sung ý tưởng.
Tôi khoe rằng, không lâu nữa Công viên địa chất toàn cầu sẽ trở thành xứ sở của đào phai. Tỉnh đã có kế hoạch và bắt tay trồng đào rồi...người dân không thể biến cả xứ sở đá thành xứ sở đào. Sẽ phải quy hoạch vùng trồng đào, tạo điểm nhấn du lịch. Du khách sẽ thật háo hức khi biết vượt qua bao trái núi, bao cua đường trong hành trình dọc cao nguyên là đến một rừng đào phai để có thể thưởng thức các lễ hội của người Mông hay người Lô Lô... đắm mình trong không gian văn hóa riêng có của vùng quê cực bắc Tổ quốc.
- Người dân sẽ biết tận dụng sản phẩm đá để làm đồ lưu niệm bán cho khách thập phương... Thụy Anh và tôi ao ước như thế.
- Đá nhiều thế này cơ mà! Tha hồ sáng tạo cột cờ Lũng Cú; núi đôi Quản Bạ... cũng có thể là hình các thiếu nữ vùng cao với nhiều sắc áo dân tộc sẽ được chế tác từ đá. Những chiếc ví, chiếc túi, được làm thủ công từ cây lanh. Những bộ quần áo dân tộc sẽ được bày bán nhiều hơn.
Đúng là làm đồ lưu niệm là tốt, nhưng không thể phá bỏ những mỏn đá tai mèo! Đá tai mèo mang linh hồn quê đá, làm lên sự kỳ vĩ của mảnh đất này!
Say sưa trong sự tưởng tượng... nhưng chúng tôi không thể không thấy một thực tế đang diễn ra: Làm cách gì để người dân vùng cao giàu lên? Tiền đề của sự phát triển là Công viên địa chất toàn cầu, quản lý, hoạch định và khai thác thế nào cho hiệu quả mà vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, hùng vĩ của đất trời Hà Giang, quả là vấn đề không dễ... Từ khi có Công viên địa chất toàn cầu , rất nhiều đoàn khách đã đến Hà Giang, ai cũng có mong ước được lên Lũng Cú, cúi chào chóp chiếc nón trên đỉnh đầu Tổ quốc, nghiêm trang chào quốc kỳ trên đỉnh núi Rồng... cơ quan ban ngành nào cũng có khách ở trung ương, ở các tỉnh bạn lên. Hà Giang vốn thịnh tình, yêu quí bè bạn... Nhưng cứ lên thăm, rồi về (cơ quan nào cũng cử cán bộ làm hướng đạo viên)... phí du lịch hầu như còn bỏ ngỏ... khách tự lên, tự về... người dân vùng cao vẫn chưa thể tự làm dịch vụ du lịch, chưa có phương cách nào thu hút khách, để khách có thể vui vẻ, thích thú chi tiền vào những hoạt động du lịch, hay được đắm mình trong không gian văn hóa vùng cao...
Tất cả vẫn đang là một bài toán khó cần nhiều phương pháp giải để Hà Giang vững bước đi lên từ chính nội lực của mình.
Người dân Hà Giang, sống, kiên trì trụ bám, gìn giữ từng km đường biên, mốc giới đã là anh hùng rồi. Bởi cuộc sống nơi đâycòn nhiều vất vả. Chúng ta lên thăm, có thể thích thú vì sự kỳ vĩ của tạo hóa, được thưởng không khí trong lành suốt cuộc hành trình, ăn món rau cải cũng thấy ngon và yên tâm đó là rau sạch, nhưng nếu cho các bạn ở lại, vì mảnh đất này mà sống và làm việc bằng tình yêu và trách nhiệm, chắc cũng không nhiều người làm được điều đó
Đồng nghiệp quanh tôi.
Từ rất nhiều vùng quê xa xôi, những cán bộ trẻ, có tri thức mang cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với Hà Giang, coi Hà Giang là quê hương thứ hai của mình.
Bước chân các đồng nghiệp của tôi, những nhà báo, các văn nghệ sỹ dù công tác tại Báo Đảng; Đài Phát thanh - truyền hình, hay Tạp chí Văn nghệ Hà Giang đều cần mẫn tới nhiều vùng miền, thôn bản của mười huyện và khu vực thành phố để phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại cơ sở. không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng có mặt nơi lũ quét vừa đi qua, có mặt ở nơi vùng biên, mốc giới, góp tiếng nói vì sự bình yên của mỗi nếp nhà. Kịp thời phát hiện và nêu những gương sáng trong phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt biểu dương gương người tốt, việc tốt.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Bé, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm Phó tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Giang là một điển hình về tấm gương tận tụy với nghề. Ngay từ thời còn làm ở Báo Hà Giang, anh đã tham gia nhiều lớp giảng nghiệp vụ cho mạng lưới cộng tác viên của Báo Đảng tại hầu khắp các huyện, thị xã. Xông xáo vào những nơi vùng sâu, vùng xa... phát hiện nhiều vấn đề của cuộc sống, nhiều gương điển hình tiên tiến...anh là cây bút có khả năng tác nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Với hội Văn học nghệ thuật, anh là hội viên có nhiều thành tựu trong sáng tác, đoạt rất nhiều giải thưởng và có nhiều đầu sách được bạn đọc yêu mến... có tác phẩm được trích để giảng dạy trong bậc Tiểu học. Về Hội công tác, đảm nhiệm cương vị phó Chủ tịch Hội, anh luôn chú trọng công tác bồi dưỡng các tài năng văn học trẻ... Điều để chúng tôi khâm phục ở anh chính là ý chí vươn lên là nghị lực phi thường khi chống chọi lại bệnh tật. Dù ở hoàn cảnh nào, anh vẫn hài hước, mang cả cái đầu hói của mình ra tự trào...để vui sống!
Những nhà báo công tác tại văn phòng hội như: Thạch Công Thịnh; Dương Thanh Hiền; Chu Thị Minh Huệ... đều nhiệt huyết với nghề, họ đều có quê gốc ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng đã chọn Hà Giang làm nơi sinh nghiệp, yêu và cống hiến cho Hà Giang nhiều tác phẩm VHNT có giá trị và đoạt nhiều giải thưởng.
Chúng tôi, đội ngũ những người làm báo, viết văn hay hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đều yêu tận cùng từng hốc đá, đường biên...yêu từng nhành cúc dại, yêu cả sự lam lũ nhọc nhằn trên đá. Ai cũng mơ ước từ mỗi bức ảnh, mỗi bài thơ, bài báo, mỗi truyện ngắn, tản văn sẽ góp tiếng nói cho quê hương đến với bầu bạn xa gần... khoe với cả thế giới một Hà giang kỳ vĩ, nên thơ song rất anh hùng trong cuộc sống, lao động và chiến đấu để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc! Người Hà Giang giống như viên đá tảng trầm mặc...ưa nói ít, làm nhiều... Và chúng tôi, những nhà Báo sống và viết là một lẽ tự nhiên, như cây có cội, nước có nguồn! Và quê hương chính là nguồn mạch!
Ý kiến bạn đọc