Một lần xuống phiên chợ Yên Minh

17:09, 30/05/2011

HGĐT- Lên cao nguyên đá, có những điểm đến không nên bỏ qua, đó là các phiên chợ vùng cao. Một trong số đó là phiên chợ huyên Yên Minh, hãy đến để cảm nhận hơi thở của cuộc sống vùng cao, và dễ dàng được hoà nhập vào không khí dân giã, nhưng đầy sắc mầu của đời sống người dân cao nguyên.


 
 Xuống chợ bằng “ngựa sắt”, bà con vùng cao thực hiện tốt Quy định đội mũ bảo hiểm.

Giữa phố núi đang vươn mình trên Cao nguyên đá mênh mông, chợ huyện Yên Minh nhộn nhịp tụ họp mỗi tuần một lần vào ngày Chủ nhật. Vì thế, ngày chợ như trở thành ngày hội. Trong sương sớm tinh mơ của đất trời, người, ngựa và cả những chú “ngựa sắt chạy bằng xăng A92” đã rộn ràng về chợ. Phố huyện vui hẳn lên trong mầu sắc sặc sỡ của trang phục phái nữ, niềm vui hiện rõ trên nét mặt của những đứa trẻ trên bản được “đặc cách” theo chân mẹ xuống chơi chợ.


Vào chợ, dù chẳng thể hiểu được rất nhiều thứ tiếng của đồng bào, nhưng không khó để người mua, kẻ bán hiểu nhau và cũng bởi bà con không mấy khi bán thách hay mặc cả - một nét đặc trưng của vùng cao. Mọi người đến đây ngoài trao đổi hàng hoá còn để giao lưu, hò hẹn nữa. Vì thế, người ta mang đến chợ những giá trị của cuộc sống lao động đầy vất vả trên một vùng đất đầy khó khăn với các mặt hàng nông, lâm, thổ sản, nông cụ sản xuất, đồ ăn, thức uống truyền thống.. Vượt bao chặng đường núi để đến chợ, người đến mua hàng, người đến chơi chợ tấp nập. Tại đây, tôi gặp một anh bạn người Mông khá thân thiện tên là Vàng Chá Vư. Vư ở xã Mậu Long, đi với hai người bạn mang theo mấy cây khèn đến phiên chợ này, vừa đến cổng chợ đã bán được 3 chiếc cho khách du lịch, mỗi chiếc giá tới 300 ngàn đồng, số còn lại, họ đeo vào nách và từ từ đi xem chợ. Vư bảo, không bán hết để lại thổi chơi cũng được, vào chợ tìm thêm anh em uống với nhau chén rượu là vui rồi. Nói xong, Vư bảo theo mình đi, “thít chụp ẻ” (thích chụp ảnh) ai thì mình nói cho mà chụp...


Ở một góc chợ, đám đông những chàng trai Mông thích chơi chim mi túm tụm xem và bàn tán về các chú chim mới bẫy được. Vư nói, mang chim xuống chơi đấy mà, được giá nó cũng bán thôi, vùng này lắm chim mi lắm. Người Mông giỏi bẫy chim, bẫy được con đẹp, hót hay bán được tiền triệu đấy, đủ tiền mua thịt cho vợ con ăn cả tuần. Nhưng cũng có người chỉ mang chim mi xuống chơi chợ thôi, không bao giờ bán cả. Thích xem thì cứ lại xem đi, không mua cũng không sao mà, nhưng đừng chê nhé, Vư nói.


Phía cuối chợ, là nơi những người mang “gà cắp nách”, lợn, chó, dê... tụ họp. Những chú lợn choai ở trên bản khoẻ chạy như lợn rừng là vậy, nhưng khi được buộc chéo dây qua bụng xách xuống chợ cứ ụt ịt hiền khô. Có những người đem cả đàn lợn con xuống chợ bán, chúng được buộc túm lại thành một túm lúc nhúc, khi sợ người lạ, chúng cứ quấn vào chân chủ. Gần như không có việc người Mông, người Dao, người Tày...cầm chiếc cân tại góc chợ gia súc này, người ta mua, bán gà, lợn bằng cách ước lượng từng con rồi trả giá. Vư nói, đặc sản quê mình đấy, lợn, gà nuôi bằng ngô, rau thôi, nó lớn chậm nên ngon lắm, trên núi có nhà nuôi được nhiều, lợn, gà chạy quanh nhà.


Ở khu hàng quần áo vải vóc, sáng rực lên mầu trang phục của chị em các dân tộc. Tôi rủ Vư đến xem, Vư cười thẹn và bảo, mình không đến đâu, có vợ con rồi, chỉ nhìn từ xa thôi, lại gần có người thấy về mách vợ, lần sau không được xuống chợ một mình đâu, cứ đến đi, “nó thít chụp ẻ” lắm. Quả thật vậy, các bà, các chị em cũng rất thích chụp ảnh, mới đầu còn e dè, chụp một hai kiểu, cho xem hình trên máy ảnh số sáng choang, chắc là ưng cái bụng lắm nên cho chụp ảnh rất tự nhiên, mỗi lần chụp xong vài kiểu là lại xúm vào quanh chiếc máy ảnh cười khoái chá.


Cũng giống như bao phiên chợ vùng cao, chợ huyện Yên Minh cũng vậy, đàn ông, đàn bà, trai gái đến chợ không uống một ít rượu là cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó rồi. Cái tư duy của con người ta ở đâu cũng vậy, để bù đắp những vất vả của cuộc sống, người ta thường tạo ra những thứ xúc tác như rượu để giúp cho tâm hồn được lâng lâng, bay bổng, quên đi những mệt nhọc sau quá trình lao động. Người Cao nguyên đá cũng vậy, bà con xuống chợ, sau khi trao đổi hàng hoá thì lại rủ bạn bè, anh em thủ thỉ, tâm tình, nâng với nhau một hai chén rượu. Đến hàng rượu, đa phần là rượu ngô do người Mông làm ra, rót một chút ra nắp can nếm thử, không mua không sao, nhưng hãy cẩn thận, nếm hết các hàng rượu bạn sẽ lăn ra say đấy.


Nắng xế trưa, chợ vẫn đông, có những cô gái mặt đỏ au chắc vì ngấm men rượu, cười hé ra chiếc răng bọc vàng óng ánh làm duyên. Vư uống với bạn vui quá cũng hơi ngà ngà, khoe với tôi, trước đây mình uống rượu ở chợ mới lấy được vợ đấy. Nói rồi, Vư cầm cây khèn lên thổi, chất men đã khiến người đàn ông Mông này mạnh dạn hơn, tiếng khèn rất khoẻ làm cho cái nắng giữa phiên chợ dịu hẳn đi. Năm nay tiết trời bớt khô hạn, nhiều địa phương trong huyện đỡ gặp khó khăn hơn năm trước, xã Mậu Long quê của Vư cũng vậy. Vư nói, mong cho thời tiết luôn thuận lợi, để những phiên chợ sau người sẽ đông hơn, có thêm nhiều người bạn hơn. Lúc ấy nhớ lại lên “chụp ẻ” và uống rượu với mình nhá...


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn nghệ - thể thao chào mừng thành công Ngày bầu cử
HGĐT- Tối 29.5, tại Quảng trường 26.3 (TPHG) đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, nhằm chào mừng thành công ngày bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tới dự có lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa TT&DL, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh, Thanh tra Nhà nước và Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
30/05/2011
“Hoa hồng nào cũng... có gai” (!)
HGĐT- ... Tôi vốn sinh ra là “Bồng hồng thứ 7” trong một gia đình nông dân quê ở vùng “chiêm khê”... An Đông- Quỳnh Phụ – Thái Bình. Từ khi sinh ra vốn không được may mắn như nhiều người con gái khác vì cha tôi mất sớm.
30/05/2011
Lại gặp anh
Trên đỉnh Trường Sơn lộng gió ngànTôi gặp anh dáng đứng hiên ngangSúng khoác trên vai nụ cười chiến thắngBộ đội Cụ Hồ- anh Giải phóng quân
30/05/2011
Người đại biểu
Anh là người đại biểuCon em của nhân dân
30/05/2011