“Hoa hồng nào cũng... có gai” (!)

17:01, 30/05/2011

HGĐT- ... Tôi vốn sinh ra là “Bồng hồng thứ 7” trong một gia đình nông dân quê ở vùng “chiêm khê”... An Đông- Quỳnh Phụ – Thái Bình. Từ khi sinh ra vốn không được may mắn như nhiều người con gái khác vì cha tôi mất sớm.


Cả nhà 7 chị em gái nương nhờ vào đôi vai khô của mẹ qua năm tháng dãi dầu gió sương trên thửa ruộng HTX không đủ ăn. Tình thế bắt buộc tôi phải dời quê lên Tuyên Quang theo chị vừa làm, vừa học, chị em đùm bọc nhau để kiếm sống. Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày tháng gian nan. Nhớ lại những buổi đi học, buổi theo chị đi kiếm miếng cơm độn sắn... vất vả lắm. Thế rồi cuộc đời tựa như cái bánh xe lăn cứ lăn đi, qua lại. Học hết PTTH, theo một người bà con giúp đỡ tôi lên xã Nà Chì (Xín Mần) năm 1986 làm thợ may mặc của HTX mua bán. Có công ăn, việc làm được coi là ổn định, tình yêu ùa đến, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra mình đón nhận tình yêu, chờ đón tiếng khóc chào đời của một sinh linh nhỏ bé là thiên thần của cuộc đời mới. Hạnh phúc nhỏ nhoi đến, hưởng thụ chưa cảm nhận hết thì thời cuộc lại bắt đầu thay đổi, năm 1989-1990 tôi chuyển sang làm ở Công ty thương nghiệp huyện Xín Mần. Giai đoạn này được xem là nhiều biến động nhất trong cuộc đời tôi từ khi trưởng thành. Thương nghiệp “được mùa” cũng là câu cửa miệng và cũng là “mất mùa” khi nền kinh tế bao cấp triền miên chuyển sang tự hạch toán kinh doanh. Đi liền đó là giai đoạn khó khăn, khủng hoảng của kinh tế đất nước, cộng vào là sự tạm lắng lặng của chiến sự biên giới... Tất tật thứ đó, biến động đó khi lắng xuống, khi bùng lên va đập vào cuộc sống thường ngày không của riêng ai, đó là giai đoạn 1992-1999.


Dừng lại giây lát với lời tâm tình trên chị Nguyễn Thị Lan Dung, Giám đốc Công ty TNHH Gia Long (Xín Mần) loay xoay trên tay chiếc cốc nửa muốn uống, nửa như không. Trong giai đoạn được coi là “lịch sử” của sự chuyển giao nền kinh tế, cũng như sự trầm lắng của lịch sử bản thân, tôi cũng đã được chứng kiến thời kỳ hậu kinh tế bao cấp lúc học ở trường, đó là lúc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Kinh tế, xã hội trầm kha trong sự yếu kém những năm 1986-1990. Giai đoạn ấy có mấy người bạn đồng niên tuổi tôi được xếp là may mắn vớ được “vợ vàng” làm ở thương nghiệp cũng bắt đầu... chán vì lịch sử sang trang gọi là từ lấy vội vàng. Tôi thêm vào câu chuyện để chị Dung đỡ mủi lòng. Kể tiếp với tôi chị Lan Dung cho biết: Khổ chẳng đã của quá trình chuyển đổi giao thời tôi đành “mất tiền – mua thất nghiệp” vào năm 1999. (Tức xin nghỉ tự túc nhưng vẫn phải xoay tiền nộp bảo hiểm xã hội). Chị Dung kể: Lúc sinh ra ai đó đã nói tuổi tôi số tử vi cầm tinh “con gà”, tức sinh năm 1969. Mà đã là gà thì phải bới mới có ăn (cười). Hơn nữa, tuổi thơ của tôi là cả quá trình vật lộn nên cái khó, khổ đã làm cho tôi như cố rướn mình lên để sống. Năm 2000 tôi thành lập doanh nghiệp. Cái tên Gia Long lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, anh Đàm Văn Bông gợi ý, tặng cho và đến nay tôi rất tự hào về giai thoại vua Gia Long về đỉnh 2000 ở Bản Díu (Xín Mần) như vừa hư, lại vừa rất thực, và doanh nghiệp tôi cũng từ giai thoại đó mà vượt gió sóng, thời gian, vươn lên đến ngày hôm nay.


Nhìn lại quá trình thành lập Công ty TNHH Gia Long của chị Lan Dung tôi được biết: Những năm đầu thành lập cũng là lúc tỉnh Hà Giang nở rộ thời xây dựng hạ tầng cơ sở hay còn lại là giai đoạn phát triển “Đại công trường”. Công ty thành lập lúc đầu chỉ có 3 thành viên sáng lập và ngay lập tức làn sóng đầu tư “Đại công trường” đã ùa ập một loạt các công trình xây dựng giúp doanh nghiệp phát tài. Giai đoạn đó là giai đoạn nhà nhà, doanh nghiệp, công ty lao vào làm xây dựng. Công ty Gia Long cũng tập trung vào xây dựng cơ bản, làm đường, xây nhà, xây khách sạn rồi mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh thương mại tổng hợp, du lịch sinh thái, chế biến các sản phẩm nông nghiệp... Thịnh vượng chưa được bao lâu thì cơn bão “cơ chế” lại tiếp tục ập xuống đầu người chủ doanh nghiệp được ví là “Bông hồng thứ 7”, đấy là lúc giãn hoãn hàng loạt công trình xây dựng của tỉnh sau giai đoạn hậu “Đại công trường”. Chị Dung chậm rãi: Vốn đầu tư vào rất nhiều công trình không quyết toán được: Rồi vốn cấp mới không có, công trình không còn, cộng vào đó là vốn vay từ Ngân hàng ngày một “lãi mẹ, đẻ lãi con” đổ vào đầu Công ty. Đi kèm vốn cắt, vốn chậm thanh toán, đầu tư giảm là luc khách sạn, nhà hàng cũng... ế khách. Mọi việc chế biến, kinh doanh chững lại và tưởng như tất tật con đường ra vào (vốn) đều bị đóng kín? Thở dài, chị Dung cho hay: Chưa hết anh ạ, lúc đó khó khăn chồng chất cũng là lúc gia đình nhỏ, nơi hạnh phúc hiếm hoi ấy vừa mới lớn cũng là lúc nó bất đầu “tan rã”. Chồng bỏ, một nách 2 con nhỏ, lại vừa phải lo cho 29 cán bộ, nhân viên của Công ty, nợ Ngân hàng 3 năm không kiếm ra một đồng lãi để trả v.v.. Quả thật, là người ngoài cuộc tôi càng nghe càng thấy sợ, sợ vì con đường dài hut hút, tối om và nếu không nghị lực, hẳn không lối thoát. Chị Dung bảo với tôi rằng: Nhiều lúc sống không nổi, chết cũng không xong. Thế rồi cuộc sống của 2 đứa trẻ, cộng thêm 2 đứa con nuôi không cha, không mẹ nữa là 4 đứa con đã níu kéo đôi vai gầy của chị trong suốt quá trình chìm nổi theo cơ chế, theo thương trường. May thay, từ khi thành lập doanh nghiệp đến khi làm ăn lúc thịnh, lúc suy chị luôn giữ chữ “Tín” và cái tâm trong sáng, chân thành. Ai đó đã từng nhận xét... “Đi từ trái tim, sẽ đến trái tim” và điều đó theo quy luật nhân quả tất yếu. Chị đã được các cấp lãnh đạo, các bạn chung tay giúp để vượt qua. Lúc khó khăn nhất chị Dung đã từng gọi 29 cộng sự của mình đến để chia sẻ “nếu” thì tự đi, chị không giữ và không thể giữ họ lại nhưng may thay, không ai bỏ đi, mà sự đoàn kết, sự chia sẻ lại như siết chặt lại của các tập thể nhỏ, biến dần cái nội lực, cái năng lực nội tại của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp được phát huy. Cả tập thể xúm lại, không nhận lương, không đòi hỏi, thậm chí bỏ tiền nhà, tiền vay anh em họ hàng lại để cùng chị vượt khó. Từ chỗ vay lãi 9 tỷ bạc, 3 năm không trả được lại 1,9 tỷ đồng; nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ mà doanh nghiệp đã vượt qua. Cả 4 đứa con (2 đứa con nuôi, 2 đứa con đẻ) cũng dần lớn khôn.

Chị Tải Thị Liên, quê ở Bản Ngò vì bố mẹ mất sớm, gia đình nghèo đã được chị Dung nhận về làm con từ năm 2000 đến nay đã tở thành mẹ của 2 đứa con nhỏ tâm sự: Từ ngày được làm con mẹ Dung chưa thấy mẹ Dung đối xử gì khác so với con mẹ Dung đẻ ra. Từ nuôi ăn, cho học, cho việc làm và cả cưới chồng cho nữa đều một tay mẹ Dung chăm lo.


Giờ đây cái gia đình nhỏ của chị các con đều phụ giúp mẹ Dung trong mọi việc của doanh nghiệp. Thật là “giỏ nhà ai...” tôi cứ nghĩ mẹ con họ là một “đại gia đình” trong gia đình doanh nghiệp sống có trước, có sau. Riêng cậu con trai nuôi thứ 2 của chị Dung là Vàng Văn Pao, quê ở Ngán Chiên có hoàn cảnh khá đặc biệt đã xin mẹ Dung được lấy vơ, sinh con rồi trở về xã vì còn phải gánh vác cho các em bởi cha mẹ không còn. Pao đã từng tâm sự: Từ trước tới giờ Pao nhờ mẹ Dung. Còn từ giờ về sau Pao phải lo cho các em ở quê còn vất vả. Công nuôi dạy khôn lớn của mẹ Dung cậu sẽ cho con cháu ghi lại để “sống Tết – chết giỗ”. Thật là cảm động, tình cảm trên làm tôi ứa nước mắt. Và đúng là ở đời người ta sống với nhau bằng cái tâm trái tim để chinh phục các trái tim của thế giới, trong nhân gian. Còn tiền bạc trong người có tâm chỉ là phương tiện giúp cho họ kết nối trái tim nhân loại mà thôi. Chị Dung cho rằng, tôi sống cốt mong sao cho giàu tình, giàu nghĩa, còn tiền bạc với tôi nó không phải là mục tiêu hàng đầu, có lẽ thế mà tôi nhận được tất cả.


Vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 Công ty đã nhận được nhiều việc làm, có thu nhập, trả song 9 tỷ đồng tiền nợ gốc và gần 2 tỷ đồng tiền nợ lãi. Bước sang năm 2010, trả xong các khoản nợ, thu hút thêm gần 150 lao động vào làm việc thường xuyên với doanh nghiệp. Lần theo bản thành tích, doanh thu trong vài năm gần đây cho thấy: Năm 2008, doanh thu 17 tỷ đồng, năm 2009 là 20.000 tỷ đồng, năm 2010 là 25 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 là 30 tỷ đồng. Lợi nhuận trên doanh thu bình quân tăng từ 2,9% năm 2008 lên trên 4,4% vào năm 2010. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng từ 2,5 triệu đồng lên gần 4 triệu đồng/người/tháng. Trong vòng gần 3 năm nay, Công ty đã đóng góp mỗi năm từ 250-350 triệu đồng để giúp đồng bào trong huyện xóa nhà tạm hoặc phát triển sản xuất; kinh doanh đa ngành, đa nghề, lấy lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội để mở mang thêm các lĩnh vực: du lịch sinh thái, chế biến dong giềng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang làm cho uy tín của doanh nghiệp lên cao. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung đã nhận được rất nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, bộ, ngành. Đặc biệt, nhân dịp 8.3.2011, vinh dự lại đến với chị, với doanh nghiệp sau 10 năm thành lập, được Hội doanh nghiệp Việt Nam trao tặng “1 trong 100” doanh nhân nữ tiêu biểu Toàn quốc Cúp Bồng hồng vàng. Khi được hỏi nhận Cúp vàng chị có cảm nhận gì? Tôi nhận được từ chị nụ cười tươi, tự hào và câu trả lời tự thấy bản thân phải nỗ lực hơn nữa vì doanh nghiệp, vì Xín Mần ngày một phát triển. Còn với tôi thì quả thật “bông hồng nào cũng... có gai” và gần như cái gai đó càng ngày càng nhọn và sắc sảo để Hoa hồng thắm mãi.


NGUYỄN HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lại gặp anh
Trên đỉnh Trường Sơn lộng gió ngànTôi gặp anh dáng đứng hiên ngangSúng khoác trên vai nụ cười chiến thắngBộ đội Cụ Hồ- anh Giải phóng quân
30/05/2011
Người đại biểu
Anh là người đại biểuCon em của nhân dân
30/05/2011
Nghe con hát
Nghe con hát mẹ thấy rất hayLời của con như gió hè thoảng bayNhư mây về ấp núiGiọng của con Tựa nước suối ban mai đỉnh non vời vợiNgọt ngào như hương hoa say.Con hátMẹ thấy thật hay
30/05/2011
Nghĩ suy trong Ngày bầu cử
Ngày bầu cử rộn mầu cờ sắc hoaBừng thức dậy lương tâm và trách nhiệmTa trong cộng đồng như hạt muối hòa trong biểnHạt muối dẫu nhỏ nhoi vẫn mang vị mặn cuộc đời.
30/05/2011