Cần bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống Lô Lô Chải ở Đồng Văn
HGĐT- Bảo tồn Làng Văn hoá (LVH) truyền thống của dân tộc ít người là một vấn đề đặt ra mang tính cấp bách với những nội dung cụ thể theo từng đặc điểm riêng của từng làng nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể trước xu thế hội nhập.
Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh ta xác định đây là vấn đề cần được quan tâm, xây dựng các dự án bảo tồn LVH truyền thống của các dân tộc ít người. Dự án bảo tồn LVH truyền thống Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) là một trong những dự án được đánh giá có tính khả thi cao, thành công được tỉnh ta triển khai trong thời gian qua.
Các nội dung được xác định bảo tồn trong dự án được xuất phát từ thực trạng đặc điểm nơi cư trú, dân tộc, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của người Lô Lô Chải. Mục tiêu tổng thể của dự án là bảo tồn LVH truyền thống làng Lô Lô Chải thành một địa chỉ mang đậm những giá trị về văn hoá phi vật thể của người Lô Lô, không chỉ nhằm bảo tồn lâu dài các giá trị văn hoá truyền thống của người Lô Lô mà còn góp phần vào việc quy hoạch và xây dựng làng Lô Lô Chải thành một làng du lịch dọc các tuyến biên giới phía Bắc, là điểm du lịch đặc sắc của Cao nguyên đá Đồng Văn, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân đang sinh sống tại ngôi làng này.Theo số liệu thống kê, làng Lô Lô Chải có trên 80 hộ với khoảng trên 400 nhân khẩu. Người Lô Lô Chải chủ yếu sống bằng nghề nông, trong đó trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu. Ngoài làm nông nghiệp, người Lô Lô còn làm một số nghề thủ công truyền thống như làm ngói máng, làm mộc, làm thêu chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình.
Làng Lô Lô Chải có một đội văn nghệ dân gian, đây là đội văn nghệ phục vụ bà con nhân nhân và thường xuyên tham gia vào các kỳ cuộc với huyện như: Ngày hội văn hoá, thể thao cấp huyện hoặc tham gia liên hoan văn nghệ theo cụm, xã do Trung tâm Văn hoá huyện tổ chức. Mặc dù sống ở vùngnúi cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian, những câu chuyện cổ vẫn được lưutruyền và phát huy từ thế hệ này tới thế hệ khác. Văn hoá phi vật thể của người Lô Lô Chải gồm có tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ thần thổ công, lễ tết, lễ hội cúng tổ tiên, cúng thần rừng, mừng lúa mới, nhà mới hay lễ tôn trưởng họ…Về văn hoá vật thể, người Lô Lô có nhà ở, trụ sở làng Lô Lô; về nhạc cụ truyền thống có trống đồng (trống cái và trống đực). Trống đồng được người Lô Lô coi là kỷ vật linh thiêng nhất của dân tộc mình, dùng để gõ nhịp cho các điệu múa dân gian và vào các dịp lễ hội của người Lô Lô như Lễ mừng lúa mới, nhà mới, cúng thần rừng. Tiếng trống đồng làm nên cho các điệu múa, âm hưởng của trống vang xa đi vào lòng người, thôi thúc mọi người khi đến làng Lô Lô đều hoà vào dòng người đang múa. Ngoài ra, người Lô Lô còn có nhạc cụ khác như: Kèn Pí Lè, bộ hơi, Nhị...
Bảo tồn làng văn hoá truyền thống Lô Lô Chải không chỉ đơn thuần là bảo vệ một LVH mà còn phục vụ phát triển du lịch, giữ vững an ninh Quốc gia, góp phần XĐGN trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn.
Ý kiến bạn đọc