Đá mồ côi
HGĐT- Trên Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn, điệp trùng, mênh mông đá, tự bao đời vẻ bề ngoài của nó nhìn như rất tĩnh lặng, huyền bí, nhưng khi lọt vào giữa vùng đá xám, lần theo những nương đá, những vạt ngô xanh trải miên man, đá không còn lạnh lùng nữa.
Xứ đá
|
Ẩn chứa trên CNĐ là một sức sống mãnh liệt của vạn vật và những điều thật thú vị chỉ có ở vùng đá. Theo thống kê khoa học, CNĐ có đến hàng chục loại đá, nhưng mọi người ít khi biết đến một loại đá với tên gọi rất đặc biệt là “đá mồ côi”. Đối với người dân sống trên CNĐ, để trụ vững trong cuộc mưu sinh, chiến đấu với đá, làm bạn với đá là những điều mà từng người phải biết. Cuộc sống trên CNĐ tuy vô cùng vất vả, song nó cũng hàm chứa đầy thú vị.
Lên vùng cao vào mùa mưa, bất ngờ một tảng đá to đùng lăn từ trên núi xuống, kéo theo nó là một loạt các hòn đá mẹ, đá con. Đá thi nhau lăn xuống đường chặn lối đi lại, có không ít người dân không may đã dính thương vì đá mồ côi lăn phải. Tìm hiểu kỹ thì thấy, do phong hoá trên các triền núi đá, đặc biệt là những nơi có nhiều đất một chút, nắng mưa xói mòn có thể là từ đời này qua đời khác, khiến đá chồi lên. Khi đất dưới chân lũa hết, dần hình thành nên những hòn đá, những trụ đá hở chân đứng trơ vơ. Khi điểm tựa không còn chắc, những hòn đá ấy chẳng khác một người không còn nơi bấu víu và đôi khi chỉ cần một chấn động nhỏ, một cơn gió lay nhẹ đá cũng tự nhiên buông mình lăn xuống dưới.
Suốt theo dải đường Hạnh Phúc (Quốc lộ 4C) từ Quản Bạ qua Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, có những điểm thường xuất hiện đá mồ côi. Vì thế vào mùa mưa, trên dải đường này không ít lần bị ách tắc vì đá mồ côi kéo xuống chặn đường. Đặc biệt là những đoạn đường qua Cán Tỷ hay đoạn đường qua đỉnh Mã Pì Lèng. Khi đi qua đây, ta có thể thấy mặt đường có rất nhiều vết rỗ, thủng, đó là do đá mồ côi lăn bổ thẳng xuống đường tạo ra. Có những năm mùa mưa, tại khu vực Cán Tỷ, đá mồi côi kéo nhau lăn xuống cả một quãng đường dài đến cả trăm mét. Đá mồi côi không chỉ lăn xuống đường, ở những diện tích canh tác trên núi đá, người dân nghèo cũng nhiều lần phải mất trắng vì đá mồ côi lăn xuống lấp kín cả một vùng trồng trọt.
Theo một số kinh nghiệm của người dân vùng cao, khi thấy đá mồ côi lăn từ trên cao xuống thẳng vào chỗ mình thì nên đứng yên, vì đá lăn xuống sẽ vướng vào các hòn khác làm trệch hướng và không bao giờ rơi thẳng. Nếu có vách đá dựng đứng, thì nên áp người vào vách để tránh dính đá rơi xuống... Đi trên vùng cao, đặc biệt là vào mùa mưa cũng cần cảnh giác với những đoạn đường thường hay có đá lở, đôi lúc cũng cần phải lắng nghe tiếng đá lăn từ phía trên để có phương án phòng, tránh bị đá lăn phải.
Theo quy luật tự nhiên, vạn vật đều có sự dịch chuyển và biến hoá. Với con người cũng cho thấy ưu điểm là sự thích nghi được với nhiều điều kiện sống khác nhau để dịch chuyển theo quy luật. Vì thế, cho dù phải phải dẫm lên đá để sống và sẵn sàng “chiến đấu với đá” như người dân ở Cao nguyên đá Đồng Văn quê tôi thì cuộc sống vẫn cứ sinh sôi nảy nở. Đá là môi trường rèn luyện cho mỗi người dân nơi đây bản lĩnh sinh tồn, sự bền bỉ cho đến cứng rắn trong mỗi hoàn cảnh. Ở những nơi đá mồ côi lăn xuống, người dân lại cần cù nhặt dọn từng mảng để chấp thành những bờ rào đá quanh nương rất gọn, đẹp. Các làng bản vẫn quây quần ấm cúng, điều đó chứng tỏ cuộc sống khi có sự cố kết cộng đồng, có khát vọng sống thì sẽ bền chặt và sinh tồn. Ngược lại, khi thiếu sự vun đắp nền tảng, đứng một mình như đá mồ côi, sẽ bị lăn xuống vực bất cứ khi nào.
Ý kiến bạn đọc