Nước lần

17:28, 28/04/2010

HGĐT- Có một điều khiến tôi khá thú vị khi chuyển đến nơi ở mới đó là được sử dụng nước không mất tiền. Chả là khu dân cư này khá xa trung tâm thị xã nên được hưởng lợi từ một công trình cấp nước thuộc nguồn vốn 135 của Chính phủ đầu tư. Nước được lấy từ đầu nguồn con suối, chảy vào bể lắng rồi theo đường ống về khu dân cư.


Nhà tôi nằm ở gần cuối đường ống nước. Mỗi tháng mỗi hộ chỉ phải đóng vài nghìn tiền trông nom, bảo vệ nguồn nước. Mặc dù, nhà ít người, nếu có dùng nước máy thì tiền cũng chẳng là bao nhưng thời buổi “gạo châu củi quế” này, tiết kiệm được đồng nào cũng là mừng rồi. Nhưng niềm vui của tôi chả được bao lâu. Nói là đường ốngnước chung, chạy qua nhà nào thì bắt lấy một đường vào nhà mình nhưng mỗi khi tôi ra vặn cho nước chảy vào bể thì loáng một cái đã thấy có người đến khoá lại. Người thì bảo đang giặt dở, người thì nói họ vừa lấy được có tí, rồi thì dùng nước cũng phải biết nhìn nhau chứ..v.v. Sáng sớm lấy không được, chiều về lấy cũng không xong, tối khuya mới ra vặn vòi chắc mẩm là sáng hôm sau bể sẽ có nước vậy mà sáng ra bể vẫn trống không. Tình trạng này kéo dài hàng tuần liền khiến tôi không biết đâu mà lần. Dù sao mình cũng là người mới đến, không thể đôi co với bất cứ ai, những nếu cứ thế này, không có nước dùng thì cũng không xong. Đang bấn lên vì nước thì hai bác cạnh nhà sang chơi. Đúng là được lời như cởi tấm lòng, tôi liền giãi bày hết nỗi ấm ức của mình. Nghe chưa hết câu chuyện bác trai đã nhiệt tình đứng dậy đi xem bể nước nhà tôi. Ngắm nghía một hồi bác bảo:


-Một phần tại cái van tự động này đây. Nước đã ít, lên đến đây chắc lại bị tắc nên mới chảy bé tí thế này. Để tôi thử tháo cái van này ra nhé?


-Vâng, bác giúp cháu xem nước về có mạnh hơn không, chứ cứ đà này thì gay to.


Hì hục một hồi, bác trai mới tháo được cái van tự động ra. Đúng là một phần tại cái van thật. Van tháo ra, nước chảy về mạnh hơn hẳn. Vừa lau tay, bác vừa bảo tôi:


- Không sao rồi. Nước chảy thế này thì lấy vài lần là đầy bể thôi. Chị mới về không biết đó thôi, năm nay nhằm đúng tiết trời hạn nên nước trên nguồn cũng ít, nếu chị mở van cho nước chảy vào bể nhà chị thì mấy nhà phía dưới coi như cạn luôn nên mọi người mới hay chạy lên khoá van nhà chị là vì lẽ đó. Cũng đừng lấy đó bực mình làm gì, nhà mình có bể ngầm, chị cứ đợi muộn một chút rồi mở lấy nước vào là được thôi.


Bác gái đứng bên tham gia:

-Nước lần nên cũng thất thường lắm. Mùa khô thì hạn mà mùa mưa thì nước về nhiều lại đục nên tốt nhất chị nên xây lấy một cái bể mà hứng nước mưa. Nhà chị có mái tôn chống nóng tốt quá còn gì. Khi có mưa, cứ để mưa một lúc cho mái tôn thật sạch rồi mới lấy vào bể. Nước trời vừa sạch vừa ngọt nước, chị cứ thử mà xem.


-Vâng, chắc là cháu cũng phải tính đến phương án đó thật.

Giải quyết được vấn đề nước khiến tôi nhẹ cả người. Đúng là lúc này tôi mới thấm thía câu nói “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa tắt đèn có nhau”. Cũng chính vì suy nghĩ này mà từ đấy mỗi lần thấy mọi người lên khoá van nước của nhà mình lại tôi cũng chả lấy đó làm khó chịu mà còn tranh thủ hỏi han làm quen. Chỉ là những câu như “Bác lấy nước ạ”, “Nhà mình có đủ nước dùng không?”, “Nước mùa này hiếm chị nhỉ”… dần dần tôi cũng biết được khối người xung quanh.


Những ngày nắng nóng, khô hạn vẫn tiếp tục, nhiều gia đình đã phải đi gánh nước. Nhà tôi may mắn ở vị trí tương đối thấp nên nước vẫn có thể về được nhưng nhìn mọi người phải xếp thùng hứng nước, tôi cũng không nỡ vặn nước về nhà mình. Chỉ những khi thật cần thiết tôi mới lấy nhưng cũng cẩn thận nhìn trước nhìn sau, nếu không có ai đang hứng nước thì mới vặn van cho nước chảy về nhà mình.


Thực ra cả một thời gian dài quen dùng nước máy nên tôi cũng không mấy quan tâm đến vấn đề nước nôi vì nghĩ rằng dùng bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu nhưng đúng là từ khi chuyển nhà vào đây, chứng kiến mọi người cùng chung nhau dùng một nguồn nước ít ỏi, tự dưng tôi thấy bản thân mình phải có trách nhiệm trong việc tiết kiệm nước. Nếu như trước đây, dù ít nhiều, quần áo thay ra đều vứt ngay vào máy giặt thì nay tôi tự giặt bằng tay vừa sạch lại và tiết kiệm nước. Trước đây, ngày nào con gái tôi cũng đòi tắm bồn thì nay tôi giao ước một tuần mới được tắm bồn một lần. Trước đây, nước chảy từ máy lọc nước ra đều bỏ đi thì giờ được tôi hứng để dành tưới rau ngoài vườn… Chỉ bằng những việc này thôi mà nhà tôi tiết kiệm được khối nước. Tôi biết được điều này vì trước đây, ngày nào tôi cũng thấy máy bơm nước (lắp van bơm tự động) chạy rè rè thì nay phải 3 đến 4 ngày mới thấy nó lên tiếng.


Mới giữa tháng 4 mà trời đã nắng như mùa hè. Thấy tôi dắt xe đi làm, chị hàng xóm đang lúi húi lấy nước ngẩng lên bảo:

-Cô có lấy nước không, nếu lấy để tí tôi vặn van cho.

-Vâng ạ. Lát chị giúp em nhé!


Phóng xe đến cơ quan mà trong lòng tôi cứ thấy vui vui. Đúng là cái nguồn nước lần này đã khiến tôi lo lắng, chỉ sợ vì nó mà mất đi tình làng nghĩa xóm thế mà giờ, nhờ nó, tôi thấy mình trở nên gần gũi, thân tình hơn với mọi người. Vì thế nên hỏi vì sao mà tôi không vui cho được!


Hùng Hiền

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Vọng
Truyện ngắn: Huyền Minh“Mây ơi hãy ngưng tụ lại để tạo thành mưa đi… Cao nguyên đá khô khát cả mùa đông rồi!”. Hình như câu này Huyền đã nguyện cầu suốt cả mùa xuân! Ùng oàng…ùng oàng… cô chợt tỉnh giấc bởi những tiếng nổ của sấm, của chớp... Ban đầu chỉ là lộp độp, lộp độp… rồi ào ào…rào rào… Cơn mưa đầu hạ bất chợt reo vui! Huyền mở tung cánh cửa, hương vị của mưa thật dễ
28/04/2010
Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ”
HGĐT- Tối 25.3, tại Quảng trường 26.3, Tỉnh Đoàn đã tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng 79 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề “Giai điệu tuổi trẻ”.
27/03/2010
Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng huyện Hoàng Su Phì lần thứ 7
HGĐT- Vừa qua,BCH Huyện đoàn Hoàng Su Phì phối hợp với Trung tâm Văn hoá thể thao & du lịch huyện tổ chức Hội thi Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng lần thứ 7 năm 2010.
26/03/2010
Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh tham gia Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ VII
HGĐT- Từ ngày 13 đến 18.4, Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh ta đã tham dự Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ VII, tại tỉnh Phú Thọ.
23/04/2010