Đồng Vọng

16:05, 28/04/2010

                                                                    Truyện ngắn: Huyền Minh

“Mây ơi hãy ngưng tụ lại để tạo thành mưa đi… Cao nguyên đá khô khát cả mùa đông rồi!”. Hình như câu này Huyền đã nguyện cầu suốt cả mùa xuân! Ùng oàng…ùng oàng… cô chợt tỉnh giấc bởi những tiếng nổ của sấm, của chớp... Ban đầu chỉ là lộp độp, lộp độp… rồi ào ào…rào rào… Cơn mưa đầu hạ bất chợt reo vui! Huyền mở tung cánh cửa, hương vị của mưa thật dễ chịu, cô hít hà mùi vị của cỏ cây, đất đá đang lan tỏa trong mưa, lòng chợt nao nao nhung nhớ…Hùng đang ở đâu?...


Ngày mai là mồng 10 tháng 3, Huyền sẽ về quê hương Đất Tổ để đi hội Đền Hùng. Là người Việt, có ai không biết sự tích bánh chưng, bánh dầy, chuyện chàng Lang Liêu nhờ tài khéo léo của vợ, sự hiền lành đức độ của bản thân mà được vua cha chọn làm người kế vị, truyền ngôi cho, lại còn chọn hai thứ bánh do vợ chồng Lang Liêu sáng chế ra để hàng năm tế lễ tiên tổ... Nhưng khi nghe Hùng kể năm nào mẹ anh cũng gói bánh vào đúng dịp mồng 10, ngoài bánh chưng, bánh dầy, mẹ còn làm cả bánh tẻ và bánh giò để thắp hương thì Huyền thấy rất lạ. Bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho trời đất thì Huyền biết nhưng bánh tẻ, bánh giò hai thứ bánh được làm bằng gạo tẻ, thứ gạo mà con dân đất Việt ngày nào cũng ăn, chỉ khác là được xay thành bột rồi lọc kỹ trong ang… tượng trưng cho lòng mẹ, tình cha. Nó luôn được dùng để biếu cha già, mẹ yếu thì bây giờ nghe anh kể Huyền mới biết. Cô ao ước có một ngày được đi lễ hội, cùng anh xay bột để làm bánh tẻ, bánh giò...

 

Nhà văn Đỗ Hàn đã từng kể về sự kế vị của Lang Liêu gặp rất nhiều trắc trở... với muôn vàn lý do nào là mẹ của Lang Liêu thân phận thấp hèn, nào là Lang Đà là con chính ngôi, luôn tìm cách phá... Nhưng Lang Liêu vẫn được vua cha quyết chí nhường ngôi vì chàng đã tìm ra phương cách trồng lúa nước. (Người dân Văn Lang trước đó vốn dĩ chỉ biết săn bắt, gieo tỉa và hái lượm). Mỗi lần được nghỉ phép về quê thăm bà, Hùng giúp bà cấy lúa rất giỏi, quê hương Huyền lại toàn đá xám, quanh năm khô hạn, ngô mọc trong hốc đá cũng muôn nỗi nhọc nhằn. Chẳng biết tại sao Hùng lại yêu miền cao núi đá của Huyền, chọn nơi đây để gắn cuộc đời trai trẻ, trụ bám vì sự bình yên của mỗi bếp lửa, mái nhà...Mỗi khi xuống bản, anh cũng hút thuốc lào với người già, động viên trẻ con tới lớp, cùng mọi người tra ngô trong hốc đá rất khéo... anh hay cười và bảo vì đơn giản anh là con cháu của Lang Liêu…thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

 

Nếu cứ theo logic câu chuyện của Hùng thì Huyền và Hùng là cháu chắt chút chít… Lang Liêu cả. Cái thủa mẹ Âu cơ đưa 50 người con lên núi, Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển thì chúng mình chả là đồng tộc, đồng bào còn gì? Huyền thắc mắc: Sao anh không xuất thân trên núi hay dưới biển mà lại ở miền trung du? Anh cười và bảo: Thế em không biết người con trưởng của Âu Cơ chính là Hùng Vương, người đã truyền ngôi cho Lang Liêu từng thống lĩnh hầu hết các bộ lạc, lên ngôi vua và chọn khu vực hòa lưu của ba con sông là sông Lô, sông Đà và sông Cái dựng nghiệp nên bây giờ ta mới có quê hương Đất Tổ và một thành phố thơ mộng bên ngã ba sông…vì thế quê anh chẳng ở miền trung du đồi cọ thì ở đâu?

 

Ngày mai là mồng 10 tháng 3, vậy mà Hùng vẫn chưa về. Cũng chẳng tin cho Huyền nửa chữ. Huyền mong mà không nỡ trách. Cảnh sát hình sự vẫn thế mà. Tỉ mẩn viết tên anh và cô lên lòng bàn tay mình… thường ngày Hùng hay nheo mắt trêu cô: Tên viết tắt của hai đứa mình giống nhau nhỉ? Huyền cười: Nếu thật giống nhau y trang thì em là chiếc bóng của anh!

 

Huyền mỉm cười nhớ lại câu chuyện cách đây đã ba năm…

Chuyến xe khách đi vùng cao đã trở thành định mệnh, anh nhường chỗ cho cô, cả hai rất kiệm lời. Chợt điện thoại của cô rung lên: Tin nhắn của cô bạn thân:

-          Đi công tác một mình hay cùng anh nào?

-          Một mình, buồn muốn chết.

-          Thế thì gây sự với người bên cạnh ấy

-          Không dám đâu! Họ là cảnh sát đấy.

Người bạn đường giật mình:

-          Sao em biết anh là cảnh sát

Cô bóp bụng chẳng dám cười. Lúc anh rút ví trả tiền xe, cô chợt nhìn thấy chiếc thẻ.

 

Chuyến xe ấy cũng đặc biệt, đường vùng cao, lái xe vì giúp bạn nên quay vào đường núi mấy chục cây số để đón người và mặc nhiên chở theo cả hành khách. Trời bắt đầu tối, nhưng chẳng thấy ai bực tức hay sốt ruột. Hình như mọi người đã quen kiểu giúp đỡ nhau như thế.

Ngày mai là 20 tháng 10 anh chợt hỏi:

- Theo em, đấu tranh cho sự bình quyền của phụ nữ trong một gia đình có nên không?

Huyền hơi bất ngờ và lúng túng. Hiểu thế nào cho đúng nhỉ?

Mìnhchẳng muốn đấu tranh, chỉ thích mình luôn là phái yếu để khi phải mang vác nặng có một cánh tay rắn chắc nào đó đưa ra giúp mình, Những ngày lễ tình yêu, mồng 8 tháng 3 thì được nhận hoa. Khi cuộc đời đau khổ có thể dựa vào bờ vai tin cậy mà…khóc thoải mái. Nói tóm lại phụ nữ là dẻ xương sườn của nam giới mà.

 

Hình như có một lần toạ đàm về ngày phụ nữ Việt Nam Huyền đã ba hoa như thế. Thấy cô im lặng, Anh cười, nụ cười sáng cả gương mặt mà không nói gì thêm.

Khi xe tới bến, anh cho cô số điện thoại, Đây là lần đầu tiên Huyền cho người lạ số phôn.Anh cho cô biết tên mình cả nơi công tác, còn Huyền ngần ngại…cả tên đểanh ghi vào điện thoại cũng…không. Anh cười độ lượng và viết vào danh bạ hai từ:“Cô bé”. Huyền ngượng ngùng:

-          Vâng! nếu có duyên sẽ gặp lại!

 

Cô bạn thân - đồng nghiệp bảo:

Chúng mình liên hoan mừng ngày phụ nữ nhé. Mình sẽ mời Đaptanhang (biệt hiệu của cậu bạn thân trong nhóm) đi cùng, cậu ấy cũng có bạn đấy, đi uống trà cho vui! Huyền sững người, bạn của Đaptanhang chính là anh!

Đaptanhang bảo:

- Uống nước xong, bạn mình còn muốn đi tìm cô bé nào đó. Thật là kỳ, cô bé không địa chỉ, không tên tuổi, chỉ lần theo một số điện thoại mà cũng nhớ và tin người ta. Thời buổi @, nay dùng sim này, mai sim khác, khi mạng này, lúc mạng kia…biết đâu mà lần.

Anh đứng lên ra vẻ trịnh trọng:

- Chúng mình quả là có duyên. Mình tìm được cô bé ấy rồi!

 

Lại tới mồng 8/3 vẫn cô bạn thân hỏi: Đã nhận được lời chúc của hắn chưa?. lòng Huyền cứ man mác…

 

Buổi tối ngồi viết, Huyền nhận được một nụ hồng trên message cùng lời nhắn: “Tặng cô bé”. Anh vẫn thích gọi Huyền như thủa mới quen.Buổi toạ đàm về ngày 8/3 cô hái được bông hoa có nội dung: Bạn quan niệm thế nào là yêu?

 

Đúng là người ta không thể tính đếm: Ta cho tình yêu đi và đã nhận được gì?Yêu khiến lòng người ấm áp, chỉ cần nghĩ tới người đó thôita cũng có cảm giác hạnh phúc rồi. Với Huyền yêu có nghĩa là được trao tặng.

 

Lòng cô da diết nhớ anh. Chỉ cần nghĩ tớibước chân cần mẫn trên đá núi để đi phá án, khi thì một vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, lúc lại một vụ trộm bò, vụ có dính líu đến cái chết trắng, giết người, cướp của…là lòng Huyền quặn thắt… cô không thể đòi hỏi anh về thăm cô mỗi tháng… chứ đừng mong mỗi tuần hay mỗi ngày. Khi mong nhớ, Huyền thường cặm cụi ngồi đan, cho dù bây giờ người ta chỉ thích Model, hàng hiệu và quên có chiếc kim đan tồn tại trên đời. Huyền vẫn đan và viết, gửi tình yêu, nỗi nhớ vào từng con chữ, từng mũi len nhỏ. Chưa bao giờ cô đòi hỏi anh phải mua quà tặng…Nhưng cô cảm nhận món quà lớn nhất của cô là vào giờ khắc giữa năm cũ và mới, anh ào về…nắm tay Huyền đi trong mưa xuân lấp phất… Thị xã nhỏ chợt đáng yêu, thân thiết biết bao lần… Vượt qua cầu Thanh niên nơi các đôi hò hẹn…Anh kéo bàn tay lạnh giá của cô, ủ vào vùng ngực ấm của mình, mỉm cười và khe khẽ hát! Huyền không thể định lượng được niềm hạnh phúc anh trao cô lúc đó!

Cô bạn thân lại mắng: “Đúng là yêu một người thì yêu luôn cả tòa thành”!

 

Mèo Vạc mù mịt mưa... Những cơn mưa dai dẳng trên núi rừng Sơn Vĩ, Hùng cùng đồng đội và các chiến sĩ biên phòng đi phá án, anh không dám tắm bằng xà phòng thơm hay sữa tắm vì hễ có mùi lạ là bọ chó lại nhảy vào đốt. Huyền bảo, mình ở mãi vùng cao mà chẳng thấy con bọ chó nào? Hùng lại cười: Đây là lão Lương ám bám theo anh đấy. Ông Lương ám là ai? Huyền thắc mắc…

 

Tương truyền: Hàng năm vua Hùng tế lễ tổ tiên tại núi Nghĩa Lĩnh, nhưng các bộ lạc chưa quy phục họ Hùng lại cứ đúng dịp đó nổi lên chống phá, lấn đất. Vì muốn thu phục nhân tâm, mở mang bờ cõi, vua Hùng đã mang theo những người tâm phúc ra đi vào mùa xuân nọ. Năm ấy người dân Văn Lang được tự do chọn chủ tế. Lại nhà văn đỗ Hàn đã viết thế này: “ Mẹ Âu Cơ nhân từ và phúc đức có ngờ đâu đó chính là đất tốt cho mầm mống của một âm mưu. Lương ám tức tốc tung quân về bộ lạc của mình, hối thúc dân lành nộp ngọc ngà, châu báu, vàng bạc… số của cải đó ông ta lập tức biếu xén các Lạc Hầu, Lạc Tướng, Tộc trưởng, có ai ngờ trong gói quà nào cũng có phong bao hậu hĩnh. Người trung thực thì ý nhị gửi trả, người ngờ nghệch (hay cố tình ngờ nghệch) thì im lặng coi như chuyện… tình cảm. Tiền vàng thì ai mà chẳng quý!”. Tài đức của Lương ám tự dưng được lan truyền… Lẽ tất nhiên là Lương ám được chọn làm chủ tế. Nhưng Lương ám không lường trước được việc thần linh đã cho 101 con voi do đấng thiêng tạo ra để giúp vua Hùng cùng lời nguyền: “Dù là thần hay nhân ở đất này nếu có lòng phản trắc thì xin trời chu đất diệt, phanh thây xé xác giữa hoàng thiên”. Thế lực do Lương ám chủ sự định tranh đoạt ngôi vị khi được làm chủ tế ở kinh đô đã bị thần linh trừng trị. 99 con voi thần phủ phục hôm tế lễ đã biến thành 99 quả đồi hướng về núi Nghĩa Lĩnh. Cặp voi bị chết khi giao chiến đã được vua Hùng rửa oan bằng cách xin cha trời, mẹ đất hãy đổ những giọt nước thần tưới lên vết thương cho cặp voi trung nghĩa được mát mẻ…Còn Lương ám thì biết thành thứ trùng có thể là vắt, bọ chó chuyên thích hút máu người.

 

Bà của Hùng bảo đêm mồng 10 tháng 3 thường có “Mưa rửa đền”. Đây là ngày lễ trong lành, nên những hạt mưa cũng nhất định là mưa trong lành tưới mát vạn vật. Nhà văn Đỗ Hàn cũng giải thích: Đền ở đây là đền bù, đền đáp – Một sự cải chính của bề trên… Hùng còn hứa, sẽ mua tặng cô cuốn “Bức huyết thư” trong đó có câu chuyện “Mưa rửa đền” mà anh đã kể.

 

Trời rạng sáng, cơn mưa ngớt đã từ lâu, có tiếng chim hót ríu ran trên vòm cây trước nhà. Phố huyện huyên náo bởi tiếng người í ới gọi nhau ra xe để về xuôi.

Cô sẽ về dự lễ thay anh vì lời dặn đã ngấm trong máu của con dân Đất Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”!

 

Hà Giang, tháng 3 năm 2010


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ”
HGĐT- Tối 25.3, tại Quảng trường 26.3, Tỉnh Đoàn đã tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng 79 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề “Giai điệu tuổi trẻ”.
27/03/2010
Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng huyện Hoàng Su Phì lần thứ 7
HGĐT- Vừa qua,BCH Huyện đoàn Hoàng Su Phì phối hợp với Trung tâm Văn hoá thể thao & du lịch huyện tổ chức Hội thi Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng lần thứ 7 năm 2010.
26/03/2010
Huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ hội xuống đồng mở đầu cho phong trào sản xuất năm 2010
HGĐT- Sáng 22.2, huyện Hoàng Su Phì tổ chức lễ Hội xuống đồng, mở đầu cho phong trào sản xuất nông - lâm nghiệp trong năm 2010. Lễ hội được tổ chức tại thôn Nắm ản, xã Tụ Nhân.
26/02/2010
Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh tham gia Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ VII
HGĐT- Từ ngày 13 đến 18.4, Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh ta đã tham dự Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ VII, tại tỉnh Phú Thọ.
23/04/2010