Xây dựng Làng Văn hoá ở huyện Mèo Vạc

16:38, 17/03/2010

HGĐT- Những năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Mèo Vạc, trong đó có phong trào “Xây dựng làng văn hoá” là nội dung nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Phong trào này đã đem lại những kết quả thiết thực, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… Thông qua phong trào, góp phần phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, bước đầu hình thành nếp sống văn hoá nông thôn mới.


Với 16 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, đã hình thành nên những nét văn hoá hết sức độc đáo của miền đá Mèo Vạc. Tiêu biểu nhất là truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và sự cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn của vùng đất đầy khắc nghiệt này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện, hơn 10 năm qua toàn huyện đã tiến hành khảo sát và ra mắt nhiều làng văn hoá. Trong đó có 30 làng văn hoá đạt cấp tỉnh, 119 làng đạt cấp huỵên và 4 làng văn hoá du lịch cộng đồng… Thông qua việc xây dựng làng văn hoá, các ngành, các đoàn thể đã vận động nhân dân di chuyển trên 5.200 chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Các địa phương cũng đã thành lập được hàng chục đội văn nghệ quần chúng…


Với sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền và ngành Văn hoá, đã chỉ đạo và hướng dẫn cho 199/199 xóm bản dựa trên cơ sở những quy ước đã có trong các dân tộc, làng, bản để xây dựng quy ước, hương ước văn hoá phù hợp với phong tục, tập quán từng dân tộc, từng vùng khác nhau. Từ những hương ước, quy ước đó là cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.


Thông qua phong trào xây dựng làng văn hoá, từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã vận động người dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn được 169,2km, đồng thời nâng cấp 19 tuyến với 53,6km đường dân sinh thành đường ô tô. Qua đó, đến nay 199/199 xóm bản trong huyện đã có đường dân sinh đến trung tâm các xóm, bản. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thúc đẩy phát triển KT – XH, tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc. Bên cạnh đó, công tác XĐGN ở các thôn xóm cũng được đẩy mạnh. Qua các chương trình, dự án như Chương trình 120, 134, 135 của Nhà nước… cùng với phong trào giúp nhau xoá đói, giảm nghèo đã từng bước thúc đẩy cuộc sống của đồng bào, hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 65% năm 2005 giảm xuống còn 45% năm 2009, đến nay số hộ khá, giàu đã chiếm 9,15%. Từ năm 2006 đến nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước và người dân giúp nhau, hàng ngàn hộ nghèo trong huyện được xoá nhà tạm.


Nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn các giá trị truyền thống, huyện đã tích cực chỉ đạo, vận động cộng đồng các dân tộc phát huy, khôi phục một số nghề truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu của người dân, vừa thúc đẩy phát triển du lịch. Qua đó, đã có 4 hợp tác xã, làng nghề truyền thống như may mặc, sản xuất công cụ lao động, hương, giấy bản được khôi phục, phát triển… Kết hợp với phát triển du lịch, hiện nay huyện đã ra mắt được 4 làng văn hoá du lịch cộng đồng gồm làng văn hoá du lịch của các dân tộc Mông, Lô Lô, Dao và Giấy. Các làng văn hoá du lịch không chỉ góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống mà còn nâng cao nhận thức của người dân với việc bảo tồn bản sắc văn hoá của cha ông để lại.


Với sự đa dạng về dân tộc, đã hình thành nên vùng đất có nhiều lễ, hội cùng với một kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian hết sức phong phú. Đến nay, toàn huyện có 145 đội văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng. Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động tổ chức biểu diễn văn hoá, văn nghệ quần chúng nhằm từng bước nâng cao hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân, đồng thời giữ gìn và bảo lưu các giá trị ấy trước xu thế phát triển với nhiều sự tác động của cơ chế thị trường hiện nay.


Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện về công tác xây dựng làng văn hoá, được biết, để phát huy và thúc đẩy phong trào này, huyện và các địa phương luôn chú trọng và đề cao vai trò của các già làng, trưởng bản, phát huy vai trò của những gương điển hình tiên tiến trong cộng đồng dân cư. Ngành Văn hoá hàng năm đều phối hợp với MTTQ huyện và các ban, ngành, đoàn thể trong việc phát động phong trào biểu dương người tốt việc tốt. Từ năm 1999 đến nay, chỉ tính riêng ở cấp huyện đã có được 12 hội nghị với 171 cá nhân tiên tiến, điển hình tiên tiến trong các phong trào, trong đó đặc biêt là phong trào xây dựng làng văn hoá được biểu dương, khen thưởng.


Mặc dù phong trào xây dựng làng văn hoá đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân và tạo động lực cho việc phát triển nhiều mục tiêu KT - XH. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khác nhau đã dẫn đến một số hạn chế đòi hỏi các cấp, ngành trong huyện cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tới như công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nơi còn chưa tốt, tỷ lệ tăng dân số còn cao; việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được với yêu cầu hoạt động…


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Ông Ké” Tân Trào
Tháng Năm, những ngày ở Tân TràoCó một người dáng gầy, cao caoThường mặc áo chàm, chân đi dép lốpVầng trán cao, đôi mắt sáng như sao
29/01/2010
Tết người Tày
HGĐT- Người Tày Nùng chúng tôi hầu như tháng nào cũng có Tết. Nhưng Tết tháng Giêng là Tết to nhất. Tết anh cả. Tết khởi đầu trong năm. Các con cháu cầu chúc ông bà sống lâu, ăn ngon ngủ khỏe. Còn ông bà chúc con cái học hành điểm chín điểm mười. Láng giềng chúc nhau trong nhà đầy phè tiếng cười. Làng trên mường dưới không mắng chửi trâu bò ăn lá của nhau. Trong chuồng gà đẻ
29/01/2010
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Triển lãm ảnh tư liệu “80 năm Đảng cộng sản Việt Nam”
HGĐT- Nằm trong các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Canh Dần năm 2010, sáng 28.1, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Triển lãm ảnh tư liệu “80 năm Đảng cộng sản Việt Nam” 3.2.1930 - 2010. Đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, cắt băng khai trương triển lãm.
29/01/2010
Huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ hội xuống đồng mở đầu cho phong trào sản xuất năm 2010
HGĐT- Sáng 22.2, huyện Hoàng Su Phì tổ chức lễ Hội xuống đồng, mở đầu cho phong trào sản xuất nông - lâm nghiệp trong năm 2010. Lễ hội được tổ chức tại thôn Nắm ản, xã Tụ Nhân.
26/02/2010