Huyện Bắc Quang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
HGĐT- Bắc Quang là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có tổng diện tích tự nhiên là 109.880 ha với 23 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã được Chính phủ xếp loại vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 227 thôn, bản, tổ dân phố với 25.724 hộ và 104.670 nhân khẩu, bao gồm 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,8%.
Năm 2009 toàn huyện có 198 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu Làng Văn hóa và có tới 96% tổng số hộ trong huyện đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Trong đó huyện đã chú chú trọng việc xây dựng làng văn hóa gắn với mô hình xây dựng làng văn hóa dân tộc điển hình, làng văn hóa du lịch và xây dựng mô hình nông thôn mới.
Nhưng cũng phải khẳng định rằng, trong quá trình phát triển, huyện Bắc Quang cũng phải chịu những tác động ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của nền văn hóa bản địa. Những vốn di sản văn hóa vật thể như những ngôi nhà sàn, có xu thế bị thay thế bởi các mẫu cấu trúc của các ngôi nhà hiện đại; các bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là các bộ trang phục nam dân tộc Tày, Nùng ít được các nam dân tộc mặc thường xuyên; những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số dần ít được chú ý; các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như rèn, đúc các công cụ sản xuất, các sản phẩm thêu đan, dệt dần cũng bị mai một để thay thế vào đó là các sản phẩm tương tự có sẵn ngoài thị trường. Về văn hóa tinh thần, nhiều giá trị văn hóa dân gian đang có nguy cơ mai một dần theo thời gian, như nội dung một số lễ hội truyền thống, một số lễ thức đặc thù như Lễ mừng lúa mới của dân tộc La Chí, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lễ hội Cầu trăng của dân tộc Ngạn, Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày... cùng những bài ca nghi lễ cúng tế mang đậm màu sắc tín ngưỡng, những làn điệu dân ca hát ru, điệu then, yếu, cọi của dân tộc Tày, làn điệu Pao dung của tộc Dao cùng các điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ truyền thống như khèn, sáo, tiêu hay các bộ chiêng, trống, nào hác, thanh la... cũng ít được cộng đồng quan tâm gìn giữ,chế tác và sử dụng. Trước những nguy cơ có thể mất đi những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, huyện Bắc Quang đã xác định việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa theo chủ đề chung của đất nước “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi phải có sự thống nhất và quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Năm 2005, huyện Bắc Quang đã tổ chức khảo sát đánh giá tổng thể di sản văn hóa cổ truyền một số dân tộc trên địa bàn huyện, qua đó đã hoàn chỉnh 22 hồ sơ của 12 dân tộc và nắm bắt được thực tế về vốn di sản văn hóa trên địa bàn huyện nhà. Các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã xây dựng một số mô hình hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ dân gian, các cuộc thi “Làng vui chơi – Làng ca hát”,Hội thi các làn điệu dân ca dân gian của các tộc người trên địa bàn. Sưu tầm, khai thác, nâng cao và giúp các nghệ nhân thể hiện các thể loại hát then, đàn tính của dân tộc Tày; Múa tín ngưỡng (múa chuông, múa cấp sắc) của dân tộc Dao; Múa lộn chán của dân tộc Ngạn có điều kiện tham gia biểu diễn tại hội diễn các cấp. Nhờ chú trọng triển khai thực hiện các biện pháp nhằm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Bắc Quang đã dần hình thành được trên địa bàn huyện hệ thống các đội văn nghệ dân gian, phục dựng thành công Lễ hội Cầu trăng của dân tộc Ngạn tại xã Vô Điếm; tổ chức thành công Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam; phục dựng thành công Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày tại Bắc Quang trong dịp tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch huyện; triển khai xây dựng mỗi xã một nhà sàn văn hóa, khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống như nghề dệt vải tại xã Kim Ngọc, Tân Quang; vận động việc mặc trang phục dân tộc trong các trường học đối với các em học sinh là người dân tộc thiểu số. Tu bổ tôn tạomột số di tích lịch sử văn hóa, trong đó Khu di tích lịch sử văn hóa Thác Vệ – Bằng Hành đã được xếp hạng Di tích Quốc gia, 3 di tích văn hóa tín ngưỡng gồm Đền Chúa bà - thị trấn Vĩnh Tuy; Đình bia đá - thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh phúc; Đền thờ Trần Hưng Đạo, thôn Tân Tiến, xã Tân Quang đang được huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh để đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân... Ngoài ra, còn có một số Lễ hộiđược cộng đồng tự tổ chức thường xuyên ở cơ sở như Lễ Cúng cơm mới của dân tộc La chí; các lễ đặc thù như cấp sắc, lễ cưới của người dân tộc Dao tiền xã Hùng An, Dao áo dài xã Việt Hồng, Tân Thành, Đông Thành...
Trên cơ sở chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Bắc Quang đã cùng một lúc vừa thực hiện tốt công tác tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa thực hiện thắng lợi chương trình phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng dân tộc miền núi, nhờ đó đời sống bà con các dân tộc trên địa bàn huyện ngày một nâng cao, mọi người càng tin tưởng vào con đường của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Ý kiến bạn đọc