Hy vọng vào sự khởi sắc trong hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

07:57, 30/07/2009

HGĐT- Trước thực trạng công tác lý luận, phê bình (LL,PB) văn học, nghệ thuật (VH,NT) đang có chiều hướng giảm sút ở nước ta hiện nay (cả cấp độ T.Ư và địa phương), việc Hội đồng LL,PB VHNT T.Ư tổ chức lớp tập huấn về công tác này cho các cán bộ là những người đang làm công tác quản lý và hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, VHNT của các tỉnh, thành phố phía Bắc được đánh giá rất cao và coi đây là một động thái tích cực, kịp thời, có trách nhiệm của Hội đồng nhằm chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác LL,PB VHNT trong thời gian tới.


(Được biết, sau lớp tập huấn ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, Hội đồng còn mở các lớp tiếp theo ở miền Trung và phía Nam). Chúng tôi rất hoan nghênh việc làm này của Hội đồng và hy vọng sau các lớp tập huấn, công tác LL,PB VHNT ở nước ta sẽ có sự khởi sắc với những chuyển động tích cực, đưa công tác LL,PB VHNT vươn lên xứng tầm với nhiệm vụ đang đặt ra hiện nay, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị mới ban hành.

 

Vẫn biết rằng, những lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày (với thời gian chỉ có một tuần) là chưa đủ và không thể kỳ vọng vào một sự “đột phá”, “bùng nổ” của hoạt động LL,PB VHNT (vì để làm được điều này đòi hỏi phải có một lộ trình đầy đủ và bài bản), song ít nhiều nó đã tạo ra một “cú huých” và “chất xúc tác” cho sự chuyển biến mới trong công tác LL,PB VHNT – một lĩnh vực hết sức quan trọng, phức tạp, khó khăn và nhạy cảm.

 

Qua nghe 6 chuyên đề do các thầy là những GS, PGS – TS hàng đầu về lĩnh vực tư tưởng, văn hoá và VHNT truyền giảng, cùng các buổi thảo luận, trao đổi trực tiếp với các thầy và những hoạt động ngoại khoá khác, chúng tôi – những học viên của lớp tập huấn – nhận thấy rằng: Những nội dung trình bày ở các chuyên đề rất sát với tình hình thực tế đang diễn ra; nó rất thiết thực và bổ ích đối với công tác LL,PB VHNT hiện nay. Trong số những nội dung chuyên đề được tiếp thu tại lớp, tôi tâm đắc nhất các vấn đề liên quan trực tiếp đến tình hình LL,PB VHNT ở nước ta hiện nay (trong chuyên đề V của GS –TS Trần Đình Sử và chuyên đề VI của PGS -TS Phan Trọng Thưởng). Đó là, sự đổi mới cần thiết trong công tác LL,PB VHNT, mà trước hết là đổi mới về nhận thức và cách tiếp cận vấn đề, tiếp cận tác phẩm…Trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến tình trạng thiếu chuẩn, lệch chuẩn, loạn chuẩn… trong hoạt động LL,PB VHNT đã và đang diễn ra trong những năm gần đây. Chính sự thiếu đi một “bộ quy chuẩn” với những tiêu chí cơ bản của công tác LL,PB VHNT đã dẫn đến tình trạng các hoạt động LL,PB VHNT bị lệch chuẩn, loạn chuẩn… và giảm sút một cách đáng lo ngại như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một điều, trong VHNT nói chung và trong công tác LL,PB VHNT nói riêng, mọi vấn đề đặt ra chỉ là tương đối và có nhiều cách tiếp cận, cảm thụ, đánh giá khác nhau và mang đậm dấu ấn chủ quan của người tham gia – nghĩa là không thể (và không nên) có một “bộ tiêu chí” mang tính áp đặt, “đóng khung” và bất biến. Nhưng việc xác định một “bộ quy chuẩn” trong đó có những tiêu chí cơ bản, nhất quán và chung nhất (mang tính chất định hướng) theo đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng; phù hợp với chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH; phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và công tác tư tưởng hiện nay, cũng như những vấn đề trọng tâm mà Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đề ra đối với VHNT là hết sức cần thiết, bởi nếu không có “bộ quy chuẩn” với những tiêu chí cơ bản được xác định, thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn… nhưđã nêu ở trên.

 

Có ý kiến cho rằng, tác phẩm VHNT không thể “định lượng” mà chỉ có thể “định tính” – tức là khi đánh giá tác phẩm không thể “cân đong đo đếm”, mà chỉ có thể tiếp cận và cảm thụ được theo suy nghĩ chủ quan của người làm công tác LL,PB, vì vậy không cần thiết phải có “bộ quy chuẩn”. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng nhận thức như vậy là phiến diện, bởi nếu không có “bộ quy chuẩn”, trong đó bao hàm các tiêu chí cơ bản, thì người làm công tác LL,PB VHNT biết dựa vào đâu để đánh giá và phê bình tác phẩm? Tất yếu khi ấy sẽ dẫn đến tình trạng chủ quan của người viết phê bình, và đó là một trong những lý do khiến cho không ít người làm công tác LL,PB bị mất phương hướng, thậm chílệch lạc; đôi khi đó còn là cơ hội để cho một số người làm công tác phê bình thiếu bản lĩnh dễ sa vào tình trạng lợi dụng phê bình để làm những việc “ngoài phê bình”! Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc tranh cãi gần đây trên lĩnh vực LL,PB VHNT mà báo chí đã nêu. Và điều ấy ắt sẽ dẫn đến hậu quả tiếp theo là lệch chuẩn và loạn chuẩn khiến cho công tác LL,PB VHNT không phát triển được. Đây thực sự là một nguy cơ đối với sự phát triển VHNT, bởi lẽ hoạt động LL,PB tuy đi sau hoạt động sáng tác nhưng nó có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc “soi sáng” (định hướng) cho sáng tác; phát hiện, chăm sóc, nuôi dưỡng những tài năng VHNT và hướng dẫn thẩm mỹ cho công chúng thưởng thức…

                                                                Hạ Long, ngày 1.6.2009


Nguyễn Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ
HGĐT - Là đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL, với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, xây dựng các chương trình ca múa nhạc nhằm biểu diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội và đồng bào, chiến sĩ trong tỉnh… Với mục tiêu hướng về cơ sở, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân cũng như các nhiệm vụ chính trị của
30/06/2009
Lễ hội cúng thần rừng của người dân tộc Pu Péo xã Sủng Cháng (Yên Minh)
HGĐT - Ngày 28.6, tại thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (Yên Minh), Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Minh tổ chức Lễ hội cúng rừng của người dân tộc Pu Péo.
30/06/2009
Trên mỗi mặt cột mốc
Chu Minh Huệ
30/06/2009
“Sóng” núi
(Tặng Đài PT-TH tỉnh nhân dịp khánh thành Cột phát Núi Cấm!)
30/06/2009