Nâng cao vai trò quản lý nhằm thúc đẩy báo chí phát triển
HGĐT- Cùng với sự phát triển không ngừng của báo chí cả nước nói chung, những năm qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển, đổi mới cả về nội dung, hình thức, đội ngũ những người làm báo có bước phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, các ấn phẩm báo chí được nâng cao, hấp dẫn bạn đọc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 3 cơ quan báo chí: Báo Hà Giang, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Giang; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tạp chí Văn nghệ - Hội Văn học - nghệ thuật; 1 Đặc san Nghề báo - Hội Nhà báo tỉnh; 8 bản tin; 3 trang website; 1 cơ quan thường trú Báo T.Ư là phân xã Thông tấn xã ViệtNam. Ngoài ra còn có hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình tại 11 huyện, thị xã...
Hoạt động báo chí thực sự là lực lượng xung kích trong việc bám sát sự chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, nhà nước, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực tiễn của đời sống xã hội, tích cực tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; tuyên truyền hiệu quả về các giải pháp phát triển kinh tế, ngăn chặn suy giảm. Hoạt động báo chí đóng góp quan trọng trong tuyên truyền về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác; thường xuyên tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước và con người Hà Giang nơi cực Bắc Tổ quốc với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hoạt động báo chí thực sự là kênh thông tin đại chúng, thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, thông qua hoạt động báo chí đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Cùng với sự phát triển của hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí cũng được nâng lên một bước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông – cơ quan quản lý báo chí, xuất bản cấp tỉnh bước đầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm này.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, trong những năm qua đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án như: Quy hoạch mạng lưới báo chí ở địa phương giai đoạn (2001 – 2005); (2005 – 2010) và giai đoạn (2010 – 2020); tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt thi nâng ngạch cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt cấp thẻ nhà báo; tham mưu việc ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng thời Sở Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp danh sách các nhà báo có đủ điều kiện đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, đổi thẻ nhà báo năm 2009; tuyên truyền Luật Báo chí, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 và các văn bản dưới luật; thường xuyên kiểm tra, đọc lưu chiểu báo chí, theo dõi kiểm tra cập nhật thông tin đối với các trang Báo Hà Giang điện tử, trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, tránh trùng lặp về tôn chỉ và mục đích; thường xuyên theo dõi kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, trong tình hình mới với xu thế hội nhập và phát triển đang đặt ra cho hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí không ít khó khăn, thử thách. Trong hoạt động báo chí tính chiến đấu, tính dự báo, tính phản biện xã hội, định hướng dư luận xã hội và sự hấp dẫn của báo chí chưa cao. Công nghệ in báo lạc hậu, chất lượng in chưa đẹp, ảnh hưởng đến chất lượng tờ báo; nhiều bản tin xuất bản thường kỳ, số lượng phát hành thấp, hiệu quả thông tin chưa cao, kinh phí đóng góp cho ngân sách thông qua hoạt động báo chí còn thấp. Trong hoạt động quản lý nhà nước về báo chí còn gặp nhiều khó khăn hạn chế: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thực tiễn phát triển của hoạt động báo chí; đội ngũ làm công tác quản lý báo chí còn thiếu và yếu, chưa nắm bắt kịp thời ở trình độ quản lý trong tình hình mới; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác theo dõi quản lý còn thiếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên làm công tác quản lý báo chí ở địa phương chưa thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lãnh đạo định hướng thông tin báo chí với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý báo chí, nhằm thúc đẩy cho hoạt động báo chí phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, thời gian tới cần tập trung:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 41-TB/TW ngày 11.10.2006; Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 21.11.2006 của Thủ tướng Chính phủ, về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và đội ngũ làm công tác quản lý báo chí.
- Tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành những văn bản quản lý, điều hành các hoạt động báo chí, xuất bản phù hợp với các quy định chung của Đảng, Nhà nước.
- Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý báo chí, hoạt động báo chí.
- Tăng cường sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh trong công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp tổ chức giao ban báo chí hàng tháng, hàng quý giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan báo chí.
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí xuất bản theo đúng Luật Báo chí, Luật Xuất bản.
- Đối với người đứng đầu cơ quan báo chí phải thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình đã được cơ quan chủ quản báo chí giao trách nhiệm và thực hiện đúng theo quy định tại Điều 13 Luật Báo chí, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999.
Ý kiến bạn đọc