Lễ hội cúng thần rừng của người dân tộc Pu Péo xã Sủng Cháng (Yên Minh)

09:20, 30/06/2009

HGĐT - Ngày 28.6, tại thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (Yên Minh), Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Minh tổ chức Lễ hội cúng rừng của người dân tộc Pu Péo.


Đây là lễ hội đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ của người Pu Péo, là sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: Thần núi, thần sông, thần suối, thần rừng và thần cây. Đã tạo ra sắc thái văn hoá riêng trong đời sống cộng đồng, không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên, hoà mình vào thiên nhiên, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là bạn, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng và đã trở thành ý thức chung của cộng đồng người Pu Péo, được thể hiện ở từng gia đình, làng bản, nhờ đó mà rừng đã sinh thuỷ phục vụ đời sống, sản xuất, cải tạo môi trường sinh thái, có giá trị to lới đối với cuộc sống của nhân dân.


Tại lễ hội, nghệ nhân dân gian đã tổ chức sắm lễ và cúng thần rừng tại khu vực rừng thiêng, có cây to nhất; cầu mong thần rừng chấp nhận và phù hộ cho nhân dân các dân tộc được mạnh khoẻ, con cái học hành siêng năng, tiến bộ, khí hậu thuận hoà, cây cối tốt tươi, mùa vàng bội thu; lúa, ngô đầy nhà, trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng, đẩy lùi cái ác, đẩy lùi mọi bệnh tật, ốm đau; tạ ơn thần rừng đã che chở, phù hộ cho nhân dân trong năm qua và hứa sẽ vận động dân làng, con cháu tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.


Sau phần lễ là phần hội, đại diện các thôn bản trong xã Sủng Cháng đã thành lập đội, tham gia tranh tài các môn thể thao truyền thống như: Hát dân ca, đánh yến, đánh sảng, đẩy gậy, kéo co.


Trong thời gian một ngày hoạt động sôi nổi, Ban tổ chức đã trao giải cho các diễn viên, vận động viên tham gia thi đấu các môn thể dục, thể thao và các làn điệu dân ca.


Từ yếu tố tâm linh đến cuộc sống sinh hoạt, lễ cúng thần rừng là một hoạt động bảo vệ rừng có tính cộng đồng chặt chẽ và đem lại hiệu quả thiết thực ở vùng cao. Mỗi khu rừng được người dân giữ gìn, chăm sóc vừa mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng làng bản, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mang tính bền vững./. 


 


Văn Bính

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trên mỗi mặt cột mốc
Chu Minh Huệ
30/06/2009
“Sóng” núi
(Tặng Đài PT-TH tỉnh nhân dịp khánh thành Cột phát Núi Cấm!)
30/06/2009
Thương nhớ vùng cao
Đặng Quang Vượng
30/06/2009
Đừng ngộ nhận văn hóa dân tộc!
Rất nhiều phong tục tập quán, lối sống của các dân tộc thiểu số được biết đến như những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm say đắm lòng người. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta đã và đang hiểu sai lệch về những giá trị này, thậm chí còn quy kết là lạc hậu, ấu trĩ, mê tín dị đoan. Chính tư duy theo kiểu nông cạn, một cực, giáo điều đã dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề.
30/06/2009