Hoa hướng dương

15:26, 15/06/2009

                                                        Truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé
HGĐT- Nó có tên hẳn hoi. Nhưng từ khi đi tù về người làng cứ gọi nó là thằng tù. Nó về ở với cụ Lọ. Bà cụ Lọ là người cô đơn,sống bằng nghề trồng hoa hướng dương để bán hạt. Hai con người đơn độc chẳng có họ hàng gì nhưng gắn bó với nhau như hai người thân thiết vì cùng cảnh ngộ. Họ đều đói nghèo và bị mọi người xa lánh. Người ta xa lánh thằng tù thì dễ hiểu, nhưng xa lánh cụ Lọ chỉ vì cụ cưu mang thằng tù. Hai con người lặng lẽ sống.


Thằng tù lúc nào cũng cắt tóc trọc lốc trông rất gớm ghiếc. Chẳng bao giờ thấy nó cười. Cũng chẳng thấy nó khóc. Gặp những điều khủng khiếp như cảnh đâm chém nhau chết chóc nó cũng dửng dưng không hề xúc động. Nó đi đến đâu là người ta đều xì xào, kháo nhau và đưa mắt nhìn nhau ý muốn bảo: Hãy tránh xa nó ra. Họ coi nó như một kẻ bị cùi, bị hủi!

 

Kể từ khi nó ở tù về chẳng ai hỏi han, trò chuyện với nó. Nó đến ở với cụ Lọ. Cụ đón nó như đón đứa con lầm lạc trở về. Nó kể với cụ: Khi giám thị trại giam gọi nó lên đưa quyết định ra tù, nó xin ở lại trại. Giám thị hỏi, nó bảo chẳng biết về đâu. Nhưng trại giam cũng không có quyền cho nó ở lại vì nó đã được tự do. Cuối cùng thì nó quyết định trở về làng và được cụ Lọ đón nhận.

*

**

Mẹ nó chết từ khi nó mới tám tuổi. Bố nó sang làng bên lấy vợ. Người dì ghẻ không cho nó theo bố. Nó ở với người cô ruột. Người cô bị tàn tật liệt một chân nên ở một mình. Từ khi về ở với người cô, nó bỏ học. Nó sống lầm lũi như một cái bóng. Hàng ngày, nó vào rừng lấy củi về bán lấy tiền phụ đỡ cho cô. Cô nó thì lặc lè đi kiếm cỏ kiếm rau về nuôi lợn, nuôi cá. Cuộc sống của hai cô cháu tuy vất vả nhưng cũng tạm ổn. Nhưng thật bất hạnh cho nó. Cô nó bị ngã xuống ao chết. Nó như người mất hồn, chiều nào cũng ra bờ ao ngồi hàng giờ.


Sau lần giỗ đầu cô nó, nó bỏ làng ra đi. Mấy năm sau nó đột ngột trở về. Lúc này nó đã là một thanh niên khoẻ mạnh và bặm trợn. Nhiều người không còn nhận ra nó.


Về làng được một vài ngày thì nó bị công an đến bắt đi. Dân làng chẳng ai biết vì sao nó bị bắt đi tù. Nhưng cụ Lọ thì biết. Ngày nó ở tù, cụ Lọ là người duy nhất đến thăm nó. Nó đã nói cho cụ biết nhưng lại dặn cụ là đừng kể với ai.

*

**
Ở tù về, đất đai nhà cửa của cô nó bị người ta thu hồi vào công quỹ. Nó chẳng biết đòi và cũng chẳng có ý định đòi lại.


Thời gian ở tù nó học được nghề mộc. Hàng ngày nó vào rừng chặt gỗ về thuê người xẻ để đóng đồ hàng ngang bán. Đồ nó đóng rất đẹp và rẻ nhưng khổ nỗi dân làng ngại nó chẳng ai mua. Các vị chức sắc ở làng lại “cấm vận” không cho người làng khác vào mua. Nó đành phải chặt nứa đóng bè chở về xuôi bán.

Chở hàng về xuôi cũng đầy nỗi gian truân. Qua các trạm quản lý đường sông nó phải “làm luật”. Vậy mà nó vẫn bị chèn ép, vẫn bị gây khó dễ.

 
“Con giun xéo mãi cũng quằn”, nó nổi xung lên. Và thế là chuyến xuôi hàng vừa rồi nó bị tịch thu toàn bộ. Khốn nỗi chuyến hàng đó lại là chuyến lớn nhất, nó dồn gầnnhư hết vốn liếng vào đó. Vậy là trắng tay! Nó ngao ngán trở về.

        
Về đến nhà nó hết hồn vì thấy cụ Lọ nằm bẹp ở một góc nhà. Người cụ còng queo, héo hắt như cái bị rách. Nó vội chạy đi tìm thuốc thang cho cụ. Cụ Lọ từ chối uống thuốc. Cụ bảo nó:

- Cứ kệ cho bà chết. Bà chết sướng hơn. Bà già rồi, sống chỉ khổ thêm cho cháu!

Nghe cụ nói nó khóc - lần đầu tiên từ khi đi tù về nó khóc – Nó nói với cụ Lọ.

- Không! Bà không thể chết. Trên đời này cháu chỉ còn bà là người thân thiết. Bà mà chết thì cháu ở với ai?

Đôi mắt mờ đục của cụ Lọ nhoà đi khi nó nói. Nhưng cụ vẫn không ăn không uống. Mấy ngày sau thì cụ qua đời. Nó lặng lẽ đóng một cái áo quan thật tốt cho cụ. Trên nắp áo quan nó chạm một bông hoa hướng dương rất đẹp.


Nghe tin cụ Lọ mất, người làng kéo đến lo làm ma và đưa tiễn cụ khá đông. Chẳng biết họ đến vì “nghĩa tử là nghĩa tận” hay là vì cái gì khác nhưng làm nó ấm lòng.


Một tuần liền kể từ khi cụ Lọ qua đời ngày nào nó cũng ra mộ đắp điếm, trồng hướng dương và thắp hương trò chuyện với bà. Nó thấy cụ Lọ khoẻ mạnh tươi cười từ dưới đất bay lên giơ tay đón nó. Nó nhào đến và ngã sóng xoài trên mộ. Bà cụ Lọ cứ lùi dần, lùi dần và mất hút.

Nó lững thững trở về nhà lòng buồn rười rượi. Đang lê từng bước chân nặng nề chậm chạp bỗng nó giật mình vì tiếng la thất thanh: “Cháy nhà, bà con ơi! Cháy nhà!”.

 


Tiếng kẻng, tiếng bước chân dồn dập vội vã cùng những tiếng hô hoán gọi nhau náo loạn cả một góc làng.


Như chợt tỉnh cơn mê, nó vội lao về nơi có ngôi nhà đang cháy. Đập vào mắt nó đầu tiên là hình ảnh một người đàn bà đang vật vã kêu khóc. Đôi tay bà ta chới với chỉ về ngôi nhà đang cháy. Từ trong ngôi nhà ấy có tiếng khóc của trẻ con vọng ra. Tiếng khóc đầy hoảng loạn lẫn trong tiếng nổ bôm bốp của tre nứa và tiếng lửa cháy rần dật.

 
Người đàn bà hét lên:


- Con tôi. Trời ơi! Cứu lấy con tôi! Nó vẫn còn trong ấy. Đấy, tiếng nó khóc đấy!


Người đàn bà đổ vật xuống ngất lịm. Mọi người hốt hoảng, ngơ ngác nhìn vào. Nhưng không một ai, không một ai dám nhào vào cứu đứa trẻ đang chồm chồm gào thét giữa xung quanh là lửa.


- Tránh ra! Tránh ra!

Hoá ra là nó - thằng tù - Nó vạch một đường giữa mọi người và lao như một mũi tên vào trong ngôi nhà đang cháy. Nó ôm em bé chạy ra. Vấp phải ngưỡng cửa nó ngã sóng xoài. Một đụn lửa từ mái tranh đang cháy rơi xuống. Nó xoay mình đè lên em bé che chở cho em. Và nó vùng dậy chạy. Lửa cháy khắp mình nó. Đặt em bé vào tay một người, nó lăn tròn ra đất. Ngọn lửa tắt. Nó quằn quại một lúc thì lịm đi.

 

Mọi người vẫn chưa kịp định thần, vẫn ngơ ngác nhìn nhau. Tiếng một ai đó nói to:


- Cho anh ấy đi viện. Mau lên!

 

Một buổi sáng đẹp trời. Nó cùng em bé được nó cứu sống ra viếng mộ cụ Lọ. Từ ngôi mộ đã xanh cỏ một bông hoa hướng dươngúừng sững vươn mình về phía mặt trời, xoè nở.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Rượu ngô, đặc sản của Cao nguyên đá
HGĐT- Rượu ngô của Hà Giang được biết đến như là rượu của người dân tộc Mông. Rượu được nấu từ thứ ngô bản địa của Cao nguyên đá cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô và đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống không bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao, trung bình khoảng từ25 - 30 độ.
29/05/2009
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT - Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi địa đầu Tổ quốc, là nơi có địa hình hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, nơi đây còn tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất, tự nhiên vô cùng đặc sắc cần được gìn giữ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai.
20/05/2009
Về quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”
Ông Phùng Văn Quán bồi hồi giở chiếc túi vải được thiết kế riêng để bọc cây gậy gỗ. Hơn 40 năm trước, cây gậy nhỏ bé ấy đã cùng ông vượt dãy Trường Sơn, và từ những cây gậy trên quê hương ông mà bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời, góp phần làm nên những huyền thoại trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh…
20/05/2009
Thị xã Hà Giang tổ chức Liên hoan văn nghệ-thể thao
HGĐT- Chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 7 đến 10.5.2009, UBND thị xã Hà Giang đã tổ chức thành công liên hoan văn nghệ-thể thao năm 2009.
12/05/2009