Đừng ngộ nhận văn hóa dân tộc!
Rất nhiều phong tục tập quán, lối sống của các dân tộc thiểu số được biết đến như những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm say đắm lòng người. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta đã và đang hiểu sai lệch về những giá trị này, thậm chí còn quy kết là lạc hậu, ấu trĩ, mê tín dị đoan. Chính tư duy theo kiểu nông cạn, một cực, giáo điều đã dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề. Xin hãy nghe những lời tâm huyết đầy bức xúc từ chính họ
Ông Cư Hòa Vần (dân tộc Mông), nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:
Ông Cư Hòa Vần.
|
- Ông nghĩ sao trước những hiểu lầm đáng tiếc về một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số?
Người ta rất hay nói về chợ tình nhưng thực sự không có chợ tình. Những chợ Sapa, Khâu Vai... là chỗ diễn ra giao lưu văn hóa - thông tin - tình cảm. Người già đến đó để tâm tình, người trẻ chưa có vợ, có chồng thì coi đó là nơi, là dịp để tìm hiểu nhau. Còn một điểm rất nhân văn, như ở Khâu Vai: những người thời trẻ yêu nhau nhưng không lấy được nhau, đến chợ gặp lại nhau để tâm sự, hỏi thăm giờ sống ra sao, có hạnh phúc không, nếu hạnh phúc thì chúc mừng, nếu éo le thì an ủi nhau. Người chồng, người vợ của mình cũng thông cảm mà không ghen tị. Nhưng một số người lại cường điệu thêm, thêu dệt là ở chợ tình Sapa, đến đêm trai gái tự do yêu nhau, để du khách tò mò kéo tới xem. Hay ở Khâu Vai người ta đồn: đến đó người yêu cũ gặp nhau tha hồ kéo nhau đi, muốn làm gì thì làm... Điều đó hoàn toàn là bịa đặt. Giá trị văn hóa độc đáo của những phiên chợ như thế đã bị hiểu sai lệch hoàn toàn.
- Tác hại của những hiểu lầm này ra sao, thưa ông?
Nó tác động sai vào suy nghĩ, nhận thức của chúng ta. Thực ra người dân tộc thiểu số có nhiều tập quán, phong tục rất tốt đẹp. Như người Mông có lễ hội mùa xuân rất hay, mà chúng ta vẫn đọc là lễ hội Gầu tào. Nhưng có thời ta không hiểu, cho là lãng phí, mất trật tự và cấm, bây giờ đã khôi phục lại. Trong lao động sản xuất, mình cứ nghĩ đồng bào là lạc hậu, phải cầm tay chỉ việc. Nhưng thực ra phải nói đồng bào có rất nhiều kinh nghiệm quý. Vì ở hoàn cảnh, điều kiện hiểm trở như thế mà người ta vẫn làm ăn được, như trên núi đá Mèo Vạc, bảo người ta lạc hậu, nếu ta vào đó có khi chết đói trước. Bởi thế khi đến bất kể dân tộc nào cũng phải xem những cái hay là gì, những việc làm của họ có gì sáng tạo rồi kết hợp kiến thức của họ với khoa học để hướng dẫn họ trong sản xuất cũng như đời sống. Các nhà khoa học phương Tây hay dùng từ "kiến thức bản địa" chính là để trân trọng văn hóa tri thức của các dân tộc thiểu số.
Hát then.
|
- Và chúng ta cần sửa sai như thế nào?
Làm sao để mình hiểu được ý tốt, ý hay trong phong tục tập quán tốt đẹp của họ. Cũng đơn giản thôi, nhưng lại hơi khó vì đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải biết tiếng dân tộc, rồi hệ thống lại văn học dân gian của từng dân tộc. Tập hợp những phong tục tập quán của mỗi dân tộc, thấy cái gì không có lợi cho nòi giống dân tộc, cho sức khỏe, đoàn kết dân tộc thì loại bỏ. Còn cái tốt cần phát huy. Và loại bỏ, phát huy thế nào cũng phải bàn bạc để người ta phát huy chứ không phải để mình phát huy hộ người ta.
Nhà thơ Dương Thuấn (dân tộc Tày), Phó Trưởng Ban văn học Dân tộc Miền núi - Hội nhà văn Việt Nam
Nhà thơ Dương Thuấn.
|
- Theo ông, vì sao lại xảy ra tình trạng hiểu sai lệch hẳn về văn hóa dân tộc thiểu số đến như vậy?
Tôi không dám trách nhà trường vì các thầy cô chỉ dạy theo sách giáo khoa, giảng theo giáo trình, nhưng thực tế lắm khi chỉ là nhầm lẫn ngay từ những điều hết sức sơ đẳng, rất giản đơn. Chẳng hạn nhiều học sinh, sinh viên không phân biệt được đâu là Việt Bắc, đâu là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, dân tộc nào cư trú trên từng vùng núi đó. Thậm chí khá nhiều lần tôi nghe ở trên Đài truyền hình Việt Nam, phát thanh viên cứ nói địa danh các tỉnh Việt Bắc thành ở Tây Bắc. Như vậy là cả phát thanh viên và biên tập viên đều "chưa sạch nước cản". Hoặc khi nói về Lễ hội xuống đồng của người Tày ai cũng nghĩ rằng đó là một buổi sáng người ta xuống đồng mở hội cày. Đâu phải như vậy, tại sao người ta không nghĩ rằng nhà người Tày bao giờ cũng ở cao hơn ruộng và lễ hội mừng xuân năm mới thì mở ở dưới đồng, nên người ta phải xuống đồng đi hội, đi xem... Văn hóa là những giá trị tinh thần của một dân tộc, đã thuộc về các giá trị tinh thần thì cần phải có phương pháp tiếp cận để hiểu sâu sắc, tuyệt đối không nên ứng xử thô bạo hoặc hiểu văn hóa một cách thô thiển, nông cạn.
- Ông đánh giá thế nào về trình độ văn hóa của người dân tộc thiểu số hiện nay?
Tại sao người dân Thủ đô được coi là có văn hóa nhất mà đi xem triển lãm hoa lại bẻ nát hết hoa, một hành vi cực kỳ vô văn hóa. Điều đó nói lên rằng người dân thành thị chưa hẳn đã có trình độ, ý thức về văn hóa cao hơn người dân ở nông thôn và miền núi. Trong khi đó hàng ngày, chúng ta vẫn tuyên truyền "đem ánh sáng văn hóa miền xuôi lên khai hóa cho miền núi". Tôi không đồng tình với cách mà các nhà quản lý văn hóa đang làm hiện nay. Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đang trên đường dẫn đến chỗ chết, nhưng nó sẽ không chết mà nó đi theo con đường của nó, các nhà quản lý sẽ không thể hiểu nổi.
Chính tư duy theo kiểu một cực, giáo điều, ăn xổi, cạn nghĩ đã dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề. Đâu phải chỉ trùng tu làm hỏng các công trình văn hóa mà còn nhiều vấn đề khác cũng làm hỏng văn hóa. Tôi thấy các chính sách về văn hóa, giáo dục ở ta còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các chính sách về miền núi, vì sao con em dân tộc thiểu số nhiều nơi không biết tiếng Kinh mà lại bắt họ phải phổ cập một bộ sách giáo khoa, phải có những bộ sách riêng học về lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc họ chứ...
- Là một người dân tộc, chắc hẳn anh rất bức xúc?
Điều đó không có gì là ngạc nhiên cả. Lắm lúc nghe trên truyền hình, đọc trên sách báo người ta nói và viết sai về văn hóa của dân tộc mình thì cũng đành ngậm ngùi vậy thôi. Tâm lý của người dân tộc khi đã bị xúc phạm thường quay lưng đi hơn là nói lại... Tôi cũng giống như nhiều người dân tộc thiểu số khác là thấy trong nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu phương Tây họ hiểu đúng và trân trọng văn hóa dân tộc thiểu số hơn ta.
- Vậy muốn sửa sai, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Tại sao những lời chào, câu nói "cảm ơn" hay "tôi có thể giúp gì bạn không"... rất xa lạ với người Việt Nam mỗi khi gặp nhau ở những nơi công cộng, trong khi đó ở nhiều nước phương Tây, những từ đó luôn thường trực trên môi. Tôi cho rằng chúng ta cần phải biết tự phê phán những cái xấu và cái yếu kém của mình. Trong một cộng đồng quốc gia gồm nhiều dân tộc thì không nên lấy một dân tộc nào cụ thể để làm chuẩn, mà phải các dân tộc cùng song song phát triển. Đối với văn hóa là như vậy, phải xây dựng từ nội tại bên trong.
Ý kiến bạn đọc