Về quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”

08:52, 20/05/2009

Ông Phùng Văn Quán bồi hồi giở chiếc túi vải được thiết kế riêng để bọc cây gậy gỗ. Hơn 40 năm trước, cây gậy nhỏ bé ấy đã cùng ông vượt dãy Trường Sơn, và từ những cây gậy trên quê hương ông mà bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời, góp phần làm nên những huyền thoại trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh…


Trên cây gậy gỗ, dòng chữ “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được khắc sâu bằng dao găm vẫn vẹn nguyên như ngày nào, vẹn nguyên như hồi ức của người lính già về những gian nan khi vượt dãy Trường Sơn hơn 40 năm trước.

Ông Phùng Văn Quán nhớ lại: “Người làng Hoà Xá tham gia Binh đoàn 559 nhiều lắm, có đến hơn trăm người. Chúng tôi là quân bổ sung vào chiến trường B, hành quân suốt đường Trường Sơn, đến binh trạm nào cũng gặp người làng. Khi mấy anh em người làng Hoà Xá gồm tôi, Đỗ Tít và Lưu Quốc Long đến Binh trạm 34 thì có người làng được về phép. Các anh ấy hỏi chúng tôi có cái gì gửi về cho quê hương không? Chẳng có gì gửi về quê, ba anh em gửi ba cây gậy mà chúng tôi đã chống suốt một chặng đường dài để báo tin cho gia đình rằng mình đã vào đến chiến trường. Chẳng ngờ, sau này mấy cây gậy của chúng tôi lại được nhiều người biết đến như thế”.

                 
                        Ông Phùng Văn Quán lưu giữ cẩn thận
                                  chiếc gậy Trường Sơn
 
Ít lâu sau khi nhờ người chuyển gậy Trường Sơn về quê, tình cờ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Quán thấy có ca sỹ hát bài “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Dù chiếc radio bắt sóng kém, nghe đoạn được, đoạn không, nhưng ông Quán cũng nhận ra bài hát đó nói về quê hương mình và hình như chiếc gậy kỷ niệm của mình đã về đến quê hương…

Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn…” đó là những câu mở đầu của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” - bài hát một thời đã góp phần động viên tinh thần bao lớp thanh niên chân cứng đá mềm vượt đường Trường Sơn cứu nước, để làm nên huyền thoại đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh. Trong bản thảo của bài hát này, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết “Tặng thanh niên Hoà Xá – Hà Tây và các bạn sắp lên đường làm nhiệm vụ”.

                    
                            Bản nhạc “Chiếc gậy Trường Sơn”
                                    của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
 
Bởi lẽ, cảm hứng sáng tác bài “Chiếc gậy Trường Sơn” có được sau khi nhạc sỹ chứng kiến phong trào cách mạng và chứng kiến câu chuyện về chiếc gậy Trường Sơn ở Hoà Xá (nay thuộc huyện Ứng Hoà, Hà Nội) khi ông về đây công tác năm 1967. Cũng chính nhờ bài hát này, những cây gậy Trường Sơn ở Hoà Xá trở nên nổi tiếng.

Mấy chục năm trôi qua, ba người trai làng Hoà Xá với ba cây gậy nổi tiếng, giờ chỉ còn lại mình ông Phùng Văn Quán, hai người bạn chiến đấu khi xưa, một hy sinh ở Quảng Trị, một ra đi sau nhiều cơn bạo bệnh bởi những di chứng nhiều năm ở chiến trường. Điều ông mừng nhất là người đồng đội Đỗ Tít có lúc tưởng không tìm thấy hài cốt, nhưng năm 2005, thi hài của liệt sỹ Đỗ Tít đã được long trọng an táng tại quê nhà. Liệt sỹ Đỗ Tít chỉ là một trong 137 người con Hoà Xá hy sinh trong các thời kỳ cách mạng.

Năm 1973, ngay khi cuộc chiến đấu thống nhất đất nước vẫn đang diễn ra, đảng bộ và nhân dân Hoà Xá đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Hoà Xá là mảnh đất anh hùng, bởi thế, bên cạnh những chiếc gậy của ba người lính Phùng Văn Quán, Đỗ Tít, Lưu Quốc Long, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” còn bắt nguồn từ chính phong trào cách mạng nơi đây.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, người dân Hoà Xá có sáng kiến thành lập những đơn vị quân đội dự bị để khi Tổ quốc gọi, thanh niên Hoà Xá sẵn sàng. Tất cả nam thanh niên từ 17-18 tuổi trở lên của Hoà Xá đều tình nguyện tham gia rèn luyện trong những điều kiện khắc nghiệt tương tự như những cuộc hành quân vượt dãy Trường Sơn. Mỗi thanh niên mang trên vai một sọt hay một tải gạch nặng khoảng 20-25 kg, đêm đến, hàng đoàn thanh niên tập luyện hành quân. Có những đêm, thanh niên Hoà Xá tập hành quân đến 10-20 km. Hoà Xá gần con sông Đáy, và những người trai Hoà Xá, tập vượt sông ngay trong những đêm giá rét.

Trong lúc luyện tập, những người trai làng đã phải dùng đến gậy  để vượt những địa hình khó khăn, và ba chiếc gậy của những người anh ở chiến trường gửi về vào lúc phong trào luyện tập sôi nổi nhất càng khiến dấu ấn của những chiếc gậy Trường Sơn in đậm trong tâm trí người Hoà Xá. Bởi thế, mỗi khi có đợt tuyển quân, các cụ già trong làng lại tặng mỗi người con Hoà Xá một “chiếc gậy quê hương” thay cho lời nhắn nhủ giữ trọn tấm lòng thủy chung son sắt với dân, với Đảng. Những hình ảnh này, được nhạc sỹ Phạm Tuyên đưa vào nguyên vẹn trong lời hát: “Trường Sơn ơi, ta đã lên đường với gậy quê hương. Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình, khi gậy mòn dốc núi vẫn luôn giữ tấm lòng son…”.

               

                  Những nét khắc trên chiếc gậy thể hiện quyết tâm
    của ông Phùng Văn Quán khi chiến đấu ở đường Trường Sơn.
 
Trên quê hương của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” giờ đây đã có Bảo tàng Quê hương chiếc gậy Trường Sơn, với hàng trăm hiện vật về một thời máu lửa. Đó là những chiếc mũ rơm chống mảnh bom đạn, là những khung cửi chị em Hoà Xá dệt màn khi xưa phục vụ cho bộ đội, nhân dân những năm kháng chiến, là những tấm hình về các cụ “bạch đầu quân” hăng hái đan sọt, vót gậy phục vụ thanh niên luyện tập...

Ở gian giữa của bảo tàng, là bức tượng cô gái hậu phương trao chiếc gậy cho người chiến sỹ khi lên đường, và đặc biệt, bản viết tay bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sỹ Phạm Tuyên được treo ở vị trí trang trọng. Mảnh đất một thời hừng hực khí thế chiến đấu chống giặc ngoại xâm khi xưa nay trở thành một “trường học” về truyền thống cách mạng, những dấu ấn lịch sử được giữ gìn cẩn thận và mỗi người dân đều có thể trở thành “hướng dẫn viên” mỗi khi ai đó hỏi về chiếc gậy Trường Sơn.

Mấy chục năm đã qua, giờ đây, cây gậy của liệt sĩ Đỗ Tít được tỉnh đội Hà Tây (cũ) lưu giữ, cây gậy của ông Lưu Quốc Long được Quân khu 3 xin làm vật lưu niệm, chỉ còn cây gậy do của ông Phùng Văn Quán còn lưu lại địa phương. Tròn năm mươi năm kể từ ngày mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, giống như con đường này, những chiếc gậy giúp những người chiến sỹ vượt qua dốc cao đèo thẳm cũng đã thành huyền thoại. Làm nên những huyền thoại ấy, có những người con quê hương Hoà Xá, có bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”…


nhandan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh: Triển lãm ảnh tư liệu “55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”
HGĐT- Hướng tới Kỷ niệm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xây dựng bộ ảnh triển lãm “55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (7.5.1954 - 2009), nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
29/04/2009
Phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở xã Hồ Thầu
HGĐT- Hồ Thầu là xã thuộc phía Nam của Hoàng Su Phì, có 374 hộ với 1.946 nhân khẩu, thuộc 5 dân tộc anh em sinh sống, bao gồm Mông, Nùng, Dao, Mường. Toàn xã hiện có trên 5 ngàn ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 521 ha đất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp và các loại đất khác.
27/04/2009
Bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của người Pố Y ở tỉnh ta
HGĐT- Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc ít người là một trong những vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. ởtỉnh ta, vấn đề này lại càng được quan tâm hơn bởi lẽ bảo tồn các giá trị văn hoá trên cơ sở kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.
27/04/2009
Nhiều phim kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong số những phim mà Cục Điện ảnh chọn chiếu phục vụ công chúng nhân những ngày lễ lớn sắp tới, có ít nhất ba bộ phim mới vừa “ra lò”.
24/04/2009