Rượu ngô, đặc sản của Cao nguyên đá
HGĐT- Rượu ngô của Hà Giang được biết đến như là rượu của người dân tộc Mông. Rượu được nấu từ thứ ngô bản địa của Cao nguyên đá cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô và đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống không bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao, trung bình khoảng từ25 - 30 độ.
Trong cơ chế thị trường, rượu ở nhiều nơi đã dần bị thương mại hóa và cũng vì thế mà bản sắc của mỗi loại rượu cũng dần một phôi phai. Ví như ở Bắc Ninh hay Hà Nội, người ta đã nghĩ ra cách chế ra một thứ rượu mang lại lợi nhuận hơn là vì sự phục vụ khách hàng. Vì thế, khi uống thứ rượu đó nếu hơi quá chén thì thực khách sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn và nhức đầu, có người thậm chí bị ngộ độc... đó chính là thứ rượu cồn rất có hại cho sức khỏe.
Đến với cao nguyên đá, một trong những thứ lôi cuốn nhất với tôi đó là thưởng thức rượu ngô. Có đi mới cảm nhận và thấu hết những giá trị của cuộc sống, chứng kiến một quá trình làm rượu ngô của đồng bào mới thấy hết những giá trị của một chén rượu ngô. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, nếu sống trên một vùng đất với 3/4 là đá thì bạn sẽ làm được gì!? Thế mà người Mông ở đây đã làm nên những điều kỳ tích, họ gùi từng gùi đất đổ vào các hốc đá rồi tra từng hạt ngô vào đó. Đến với cao nguyên vào thời điểm hết vụ ngô thì mắt bạn sẽ bị hoa lên vì cơ man nào là đá, đá sám xịt khi mùa đông về. Nhưng mùa xuân - hạ, những hạt ngô bắt đầu biết ơn những người lao động miệt mài để trổ lên những nương ngô, núi ngô xanh bạt ngàn che lấp mầu đá sám lạnh lùng.
Độ hơn 4 tháng, giống ngô địa phương bắt đầu chắc hạt, lâu hơn so với ngô lai. Người phụ nữ lại địu quẩy tấu lên nương gùi những quẩy tấu nhồi chật ních và cao ngất những bắp ngô vàng ươm về nhà. Việc khai hoang, trồng, chăm sóc buộc những người lao động phải hàng ngày, hàng tháng đổ mồ hôi và phải cực nhọc trên lưng núi những hôm mưa, nắng... Khi thu hoạch, việc mang ngô về nhà cũng không kém phần cực nhọc, nương ngô của người Mông thường cách nhà đến 3 - 4 km. Vì thế, cái lưng, đôi vai, đôi chân của họ trở nên khỏe khoắn và dẻo dai một cách lạ thường để gùi một quẩy tấu chừng 30 - 40kg đi phăng phăng vượt đèo dốc, đá nhọn về nhà.
Cực nhọc là vậy, nhưng người Mông Cao nguyên đá cũng không quên dành cho mình những giây phút được thả mình thư giãn. Và thế là việc nấu rượu ngô trở thành một thú vui không chỉ của đàn ông mà cả đàn bà, thanh niên cũng rất thích thú. Những hạt ngô không sử dụng hết được các gia đình dành để nấu rượu. Vào các làng bản, hầu như gia đình nào cũng biết nấu rượu ngô và trong các gia đình bao giờ cũng có dăm ba lít, thậm chí cả vài chum rượu ngô vừa để thưởng thức dần, vừa để đãi khách quý khi cần. Công đoạn nấu rượu ngô cũng không phức tạp, nhưng để nấu được một chum rượu ngô ngon thì không phải ai cũng làm được. Vì vậy, vào các làng bản hỏi rượu nhà nào ngon là bạn sẽ được giới thiệu một gia đình nào đó. Có lẽ việc vất vả nhất để nấu được nồi rượu ngô đó là việc đi lấy nước và củi, bởi Cao nguyên đá hầu như lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu nước, còn chuyện kiếm củi trên vùng đá thì cũng không mấy dễ dàng.
Người Mông Cao nguyên đá trọng tình, mến khách, cả cuộc đời gắn với đá núi, ít chịu ảnh hưởng của những tiêu cực thị trường. Với truyền thống và bản sắc văn hóa được bảo lưu khá tốt, vì thế giao lưu với bên ngoài, người Mông thường rất trọng chữ tín. Đã tin nhau thì không tiếc gì, còn khi đã mất lòng thì khó lấy lại. Vì lẽ đó nên rượu ngô của người Môngkhi thành hàng hóa thì cũng luôn giữ được chữ tín. Rượu ngô được sản xuất ra ít mang lợi nhuận mà chỉ mang tính chất bán rượu đỡ cồng kềnh hơn bán ngô, và bán rượu thì được giao lưu với nhiều người, nhiều bè bạn hơn mà thôi. Hiện nay, với sự thơm ngon và chất lượng của rượu ngô, nhiều thương lái đã tìm đến các làng bản để đặt làm rượu mang xuống các thị trấn, thị xã và về xuôi kinh doanh. Hầu như tất cả các quán trong toàn tỉnh Hà Giang đều có rượu ngô bên cạnh các thứ rượu khác, và rượu ngô là thứ rượu được tiêu thụ nhiều hơn các loại rượu khác. Điểm qua ở thị xã Hà Giang cũng đã tìm thấy 3 hay 4 đại lý rượu ngô vùng cao.
Sau những ngày vất vả, ngày Tết, ngày Lễ, đặc biệt là ngày chợ, người Mông thường háo hức rủ nhau xuống chợ. Quan sát chợ phiên của Cao nguyên đá, bạn sẽ thấy không phải thứ gì khác mà chính là rượu ngô mới là thứ níu chân đàn ông, đàn bà, trai gái, già trẻ ở lại chợ cho đến xế chiều. Người ta cùng quây quần bên những gùi rượu, bàn rượu để dốc bầu tâm sự, rất tình cảm. Chỉ có người vùng cao mới vậy, không phải là họ có thời gian rỗi rãi mà bản thân họ rất trọng tình, trọng chữ tín và rượu ngô chính là cầu nối tình cảm giữa những người dân chân tình ấy. Trong bất cứ phiên chợ nào trên Cao nguyên đá cũng có 1 đến 2 dãy bán rượu ngô và bạn cứ việc đi nếm thử các can rượu cho đến say và mua lấy một can về làm quà.
Rượu ngô không chỉ là thức uống bình thường nữa, nó được sinh ra từ cuộc sống lao động vất vả, mang trong mình giá trị tinh thần và tiếp thêm sức sống cho cuộc sống ở một nơi khắc nghiệt như Cao nguyên đá Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc