Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2553

16:55, 08/05/2009

HGĐT- Sáng 7.5 (tức 13.4 âm lịch), tại sân Trung tâm Hội chợ - Triển lãm (đường 19/5- TXHG), T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật Đản- Phật lịch 2553, dương lịch 2009.



 
 Đông đảo tăng ni, phật tử tham gia nghi lễ “tắm phật” tại Đại lễ Phật đản.

Đến dự có đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh; Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư GHPGVN, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ Phật Đản tỉnh Hà Giang; Thượng toạ Thích Thanh Đạt, Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự T.Ư GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam; Đại đứcThích Minh Sơn, Phó Ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản; đông đảo tăng ni, phật tử trong toàn tỉnh về dự.


Đại lễ Phật Đản là một ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Phật giáo, nhằm ghi nhớ ngày Đức Phật Thích ca Mâu ni ra đời. Hàng năm vào ngày Rằm tháng Tư, tức ngày 15.4 âm lịch, Đại lễ Phật Đản được giới Phật giáo tổ chức long trọng để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn- là người khai sáng, là ông tổ của đạo Phật. Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Bản Sư là sự kiện quan trọng của mỗi phật tử, đó cũng là cơ duyên để mỗi người khẳng định sự trong sáng của giáo lý Đức Phật và sự đóng góp của Phật giáo trong hơn 2.500 năm qua đối với nhân loại. Ngày Phật Đản là một trong 3 ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật (lễ Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo). Đây cũng là một hoạt động sinh hoạt Phật giáo mang tính ổn định của Hội Phật giáo từ T.Ư đến các địa phương. Trong ngày Đại Lễ, đã diễn ra nghi lễ “tắm Phật” mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc: dựa theo hình thức tắm tượng Như Lai để nhằm đến mục tiêu quan trọng hơn là gột rửa bản thân đạt đến thanh tịnh. Lễ “tắm Phật” cũng đi sâu vào hoạt động tín ngưỡng cộng đồng, nhất là ở các vùng quê. Tục lệ này ngày nay vẫn được người Thái Lan rất quý trọng trong Lễ hội tạt nước vào người khác như lời cầu mong cho mọi người gội sạch được phiền não, thâm tâm được mát mẻ, an vui, an lành, thanh sạch. Trong ngày kỷ niệm Thánh Đản, nhiều người đã cầu nguyện cho gia đình, cho mình giảm thiểu những biểu hiện của tham, sân, si vốn là nguồn gốc của bạo lực, chiến tranh, suy thoái đạo đức của con người, hoàn thành công tác Phật sự, làm tốt đạo, đẹp đời. Được biết, hàng năm Đại lễ Phật Đản được T.Ư GHPGVN, Tỉnh hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức, diễn ra từ ngày 8.4-15.4 (âm lịch). Đây là Đại lễ Phật Đản lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh ta…


Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN- Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, gửi tặng tăng ni, phật tử trong và ngoài nước. Theo bức thông điệp, Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ GHPGVN đã cầu chúc cho toàn thể Chư Tôn phẩm, tăng ni, phật tử trong và ngoài nước thân tâm thường an lạc, Phật sự viên thành, tất cả vì sựnghiêm minh của đạo pháp và thịnh vượng của dân tộc.


Trước đó, tối 6.5, nhiều tiết mục văn nghệ do các đại đức, sinh viên trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) biểu diễn, ca ngợi Phật giáo, ca ngợi Đảng, quê hương đất nước đem lại ấn tượng trong lòng các tăng ni, phật tử. Nhân dịp này, các vị Thượng toạ, Đại đức cùng các tăng ni, phật tử đã dâng vòng hoa, thắp hương viếng Nghĩa trang các anh hùng liệt sỹ thị xã Hà Giang.


Đăng Vũ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh: Triển lãm ảnh tư liệu “55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”
HGĐT- Hướng tới Kỷ niệm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xây dựng bộ ảnh triển lãm “55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (7.5.1954 - 2009), nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
29/04/2009
Bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của người Pố Y ở tỉnh ta
HGĐT- Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc ít người là một trong những vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. ởtỉnh ta, vấn đề này lại càng được quan tâm hơn bởi lẽ bảo tồn các giá trị văn hoá trên cơ sở kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.
27/04/2009
Phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở xã Hồ Thầu
HGĐT- Hồ Thầu là xã thuộc phía Nam của Hoàng Su Phì, có 374 hộ với 1.946 nhân khẩu, thuộc 5 dân tộc anh em sinh sống, bao gồm Mông, Nùng, Dao, Mường. Toàn xã hiện có trên 5 ngàn ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 521 ha đất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp và các loại đất khác.
27/04/2009
Nhiều phim kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong số những phim mà Cục Điện ảnh chọn chiếu phục vụ công chúng nhân những ngày lễ lớn sắp tới, có ít nhất ba bộ phim mới vừa “ra lò”.
24/04/2009