Về Khau Vai

17:08, 22/04/2009

HGĐT- Có lẽ trong số các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân của cả nước thì Lễ hội chợ tình Khau Vai diễn ra muộn nhất. Nhưng không phải vì thế mà Lễ hội này giảm đi phần hấp dẫn và sức hút đối với du khách thập phương. Tình yêu bao giờ cũng là đề tài hấp dẫn nhất, vì thế Khau Vai năm nào cũng là địa điểm thu hút đông đảo mọi người, mọi lứa tuổi hướng về đây trong dịp 27.3 âm lịch.


 

 Tiếng khèn giữa phiên chợ.


Ý thức được việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, làm giàu thêm đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá gian khó, năm nay tỉnh và các địa phương trên cao nguyên đá nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo cho Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Mọi người không khỏi ngạc nhiên khi đến với Mèo Vạc trong những ngày cuối tháng 3 âm lịch. Trên các đường phố của thị trấn được trang hoàng rất đẹp, phố mới trên đà vươn mình, rợp trong sắc cờ, hoa và hệ thống băng zôn tuyên truyền, thế nên nhiều du khách đã nói rằng, không ngờ phố núi Mèo Vạc lại đẹp và thơ mộng đến vậy.


Sự chuẩn bị chu đáo cho Lễ hội được ghi nhận không chỉ từ cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn nghỉ cho đến việc tiếp đón các đoàn khách mà còn bởi cả sự thân thiện của người cao nguyên đá, thể hiện niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây khi Mèo Vạc cũng như Hà Giang là một trong những nơi hiếm hoi trong cả nước có Chợ tình. Mặc cho cơn mưa “vàng, mưa bạc” chút xuống vùng đất “khát” Mèo Vạc vào đêm diễn ra buổi khai mạc Lễ hội chợ tình và Hội chợ Thương mại Mèo Vạc, nhưng buổi Lễ vẫn được diễn ra hết sức trang trọng và đầy ý nghĩa. Năm nay, nhiều đoàn đại biểu của các tỉnh trong nước và đoàn đại biểu các huyện Phú Ninh và Na Pô của nước bạn Trung Hoa cũng đã có mặt cùng tham gia Lễ hội. Khâu an ninh cũng được đảm bảo cực kỳ tốt khi được tỉnh tăng cường đội Cảnh sát giao thông, đội 113 và phòng PC22 cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho Lễ hội. Vì thế, trong thời gian diễn ra Lễ hội và ngày chính Hội, mặc dù lượng khách đến Mèo Vạc cũng như về Chợ tình đông ngùn ngụt nhưng trật tự và sự quy củ vẫn được duy trì rất tốt.


Rút kinh nghiệm qua các năm, năm nay trong khu vực Lễ hội thuộc trung tâm xã Khau Vai, Ban tổ chức cũng đã có sự bố trí, sắp xếp các khu vực như khu kinh doanh, khu ẩm thực và khu vui chơi… để tránh lượng khách tập trung quá đông vào một địa điểm. Vấn đề giá cả trong khu vực Lễ hội cũng đã được Ban tổ chức quán triệt đến từng hộ kinh doanh nhằm tránh tình trạng tăng giá quá cao. Ban tổ chức cũng đã chu đáo trong việc bố trí những nơi nghỉ tạm cũng như những nơi vệ sinh cho du khách…


Từ khoảng 16h chiều ngày 26.3 âm lịch, Chợ tình bắt đầu “nóng” dần lên bởi người dân các xã Niêm Sơn, Niêm Tòong, Lũng Pù, Nậm Ban, Cán Chu Phìn… và nhiều nơi khác hồ hởi trong những bộ trang phục mới nhất hướng về Chợ tình. Rất nhiều phóng viên, nhà báo, những người hiếu kỳ, ham thích du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước cũng đã túc trực từ rất sớm để được chứng kiến hương vị của Chợ tình. Đến với Chợ tình, du khách còn được chiêm ngưỡng những rừng đá tai mèo trải dài hai ven đường từ thị trấn vào đến Khau Vai. Đá tai mèo vốn là đặc trưng của sự gian khó trên mảnh đất Mèo Vạc. Những rừng đá trải rộng thành sa mạc như muốn gợi lên hình ảnh lớp lớp các thế hệ người cao nguyên đá sinh thác trên mảnh đất biên cương quật cường.


Khoảng 18h, trời nhập nhoạng tối, từng đoàn người nô nức hướng về Chợ tình trong sắc mặt dạng rỡ. Cả một khu vực chợ nhanh chóng hẹp lại bởi lượng người cứ tăng lên từng phút. Có lẽ sau một năm trời làm lụng vất vả, hiếm có lúc nào mà trai gái, người già, người trẻ trên cao nguyên đá lại có một dịp để tụ hội như ở chốn chợ tình. Bởi vậy, có rất nhiều người đã khăn đùm, áo gói đi từ mờ sáng để kịp đến với Chợ tình. Vì thế, ngay khi đặt chân đến đây những ánh mắt của người già, người trẻ đều như muốn dõi tìm người quen hay một điều gì đó! Loáng thoáng cũng có những đôi trai gái trẻ đã tìm được nhau và thẹn thùng bên một góc chợ.


Chừng 19h tối, dường như trên các ngả đường mọi du khách đều hướng về Khau Vai. Trên các con đường, nối đuôi nhau là đủ các loại ô tô, xe máy mang biển số của nhiều tỉnh khác nhau vào Chợ tình, đa phần là các xe chở các cặp đôi nam nữ tình tứ. Các trai bản Mông, Tày, Giấy, Dao, chủ nhân chính của Chợ tình thì từng tốp, mỗi người một chiếc đèn pin men theo đường tắt háo hức xuống chợ. Lượng người đông dần, chen chúc khiến cho ta có cảm giác như sống núi Khau Vai trung tâm của xã muốn…gẫy xuống. Đúng là chỉ có tình yêu mới có thể lôi cuốn được nhiều người tụ hội như vậy.


Khau Vai không chỉ là của riêng Mèo Vạc nữa, trong những sắc xanh đỏ lập lòe của trang phục Mông, Dao, Giấy… ta còn có thể bắt gặp những bộ cánh của những người đẹp, những chàng trai quần bò, áo phông đến từ nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang... Thường ngày, nếu vào một làng, bản nào đó trên cao nguyên đá, ta rất khó được tiếp xúc với một sơn nữ, vì họ hay thẹn thùng và nhút nhát trước người lạ. Nhưng ở Chợ tình, các chàng trai thành phố thỏa sức được chụp ảnh, được trêu ghẹo các sơn nữ mà họ vẫn không hề e thẹn hay sợ sệt. Tại đây, chúng tôi đã gặp nhiều nhóm “phượt” chuyên du lịch bằng xe máy, trong đó có một nhóm “phượt” với 26 người ở Hà Nội đã đi từ nhiều ngày trước đến Hà Giang rồi lên đây. Một cô gái rất xinh đẹp của đoàn tên là Ngọc Tú cho biết, nghe nhiều bạn bè giới thiệu về Chợ tình cũng như cao nguyên đá, nhóm bạn yêu thích du lịch của Tú đã quyết tâm đến đây để được trực tiếp cảm nhận về con người và cảnh sắc của vùng cao Hà Giang. Đến với Chợ tình, chưa thực sự hiểu hết, nhưng được thấy cộng đồng các dân tộc cùng tụ hội ở đây cũng là điều tuyệt vời lắm rồi…


Đến với Chợ tình, một cặp tình nhân đến từ nước Pháp tâm sự với chúng tôi rằng: “Chợ tình Khau Vai ngoài những giá trị truyền thống riêng mà chỉ người địa phương mới có thể hiểu hết, nó cũng đang trở thành một địa điểm chung cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có trái tim đang thổn thức yêu”. ý nghĩa giao lưu giữa miền xuôi với miền ngược, giữa các dân tộc ở các vùng miền, quốc gia đang được thể hiện rõ nét. Câu chuyện xưa đầy xúc động về tình yêu bị ngăn cấm giữa chàng Ba và nàng út là người của 2 dân tộc khác nhau vẫn còn đó, nhưng hiện tại câu chuyện ấy đang là cầu nối cho sự giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt là cho tình yêu đôi lứa được tự do bay bổng.


Trước khi ra về vào nửa khuya, đoàn chúng tôi cũng đã kịp thắp những nén nhang cầu cho duyên số và hạnh phúc trước miếu Ông và miếu Bà. Trả lại không gian tự do cho những đôi tình nhân đang âu yếm hạnh phúc tại Chợ tình. Khau Vai nhìn từ đỉnh núi đá trên đường về nhập nhòa ánh điện như một dải thiên hà tình yêu giữa rừng núi Mèo Vạc. Hẹn gặp lại vào năm sau, mọi ngả đường rồi sẽ lại hướng về Khâu Vai.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sa mộc
INgọnLao lênNhư mũi tênĐón nắng, đón gióKiên cường trong giông tố.
30/03/2009
Con vào thăm nhà Bác ở Ba Đình
Con đi giữa mọi ngườitrang nghiêmvào thăm nhà BácCây trong vườn xanh một sắc mùa thuQua hơn 20 năm nay con đến đượcMột lối thân quen Bác vẫn đi về
30/03/2009
Tổ quốc nơi địa đầu
Đất nước rộng dàiTừ mũi Cà Mau
30/03/2009
Chiều mưa Phố Cổ
Giọt nắng ngày đông mưa Phố CổChợt ánh sao chiều thoáng vội quaNghiêng nghiêng Phố Cổ, làn mây bạcDưới mái hiên nhà tóc xoã bay
30/03/2009