Những vạt nắng rơi

09:33, 14/11/2008

Truyện ngắn: Yến Khanh


                                        (I)
         1. Chiều rồi, sương trên núi cũng đã tỉnh giấc, mệt mỏi lan theo từng làn gió, luồn vào từng gốc cây, hốc đá. Cái rét làm cho Say rùng mình, làm cho đôi chân cô tê dại. Không biết cô đã ngồi như thế bao lâu rồi. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, nghĩ đến mụ mẫm cả đầu. Đúng là cái đầu mình mụ mẫm thật rồi, sao mình lại đi vào con đường âm u ấy làm gì cơ chứ. Mình như là người đi lạc vào rừng gai rồi, càng gỡ ra thì lại càng vướng vào. Trời ơi! sao không về hả chồng. Đã bao nhiều mùa ngô rồi sao vẫn chưa thấy bóng dáng ở đâu. Càng ngày Say càng thấy lỗi lầm của mình lớn lên, nặng như tảng đá, lúc nào cũng như sắp đổ ụp xuống đầu cô. Quen người ấy làm gì, thương người ấy làm gì. Lúc nào buổi gặp đầu tiên của cô và Pù cũng như vừa hôm qua. Tại con đèo dốc , tại cái quẩy tấu ngô trĩu nặng trên vai hay tại làn gió mồ côi nơi đỉnh dốc mà hôm đó cô dừng bước bên cây sa mộc trăm tuổi. Để rồi cô chợt phát hiện ra lòng mình lay động khi nhìn vào mắt người ấy và khi người ấy chạm vào tay cô, để tóc cô vờn lên má thì cô thấy mình trôi bồng bềnh như sương…
 

2. Khúc củi như nghiến vào lưng cũng không giúp Pù thôi nhớ đến người con gái ấy. Đã bao lần Pù nhủ thầm đó là lá ngón đấy, không ăn được đâu, như thế là không thương người mình thương nhưng sao chỉ bước ra cửa, nhìn xuống bản, thấy dáng Say lầm lũi bước là Pù lại muốn vùng chạy xuống. Từ ngày gặp Say đến giờ Pù thôi không cùng trai gái trong bản đi chợ uống rượu, hát đối nữa. Chân vẫn bước mà đầu Pù như muốn nổ tung. Không được, không cần nữa, Pù hất tung khúc củi trên vai mặc cho nó lộc cộc lăn xuống núi. Vuốt mồ hôi bằng chiếc khăn quàng cổ, Pù đưa mắt tìm kiếm. Ai kia? Có phải Say không? Lòng Pù thảng thốt kêu lên. Say làm gì ở đó, ở cái nơi mà những người đàn bà không còn đường đi thì tìm đến để ăn lá ngón. Trời ơi, ta hại người rồi. Quên mình là ai, đang ở đâu, Pù lao đi như tên bắn. Trong đầu Pù bây giờ chỉ có hình ảnh đáng thương của Say mà thôi. Dằng nắm lá khỏi tay Say, Pù không biết làm gì hơn, anh nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ của Say đang run lên từng đợt. Người ở đây thương thế này sao có thể bỗng chốc hoá thành ma được. Không thể thế được, nếu có chết thì ta mới là kẻ đáng chết chứ sao lại là Say


          -Không, không được như vậy đâu- Say vội ôm chặt Pù vào lòng. Nước mắt Say hoà lẫn nước mắt Pù, mặn chát…

 

3. - Kia rồi! Chúng nó kia rồi- Những tiếng kêu làm hai người giật nảy mình, vội buông nhau ra. Một đoàn người từ dưới núi đang dầm dập chạy về phía họ. Người chạy đầu tiên là Seo Lử, anh trai của chồng thì phải. Anh ta dẫn những người kia đi đấu thế nhỉ? Ôi trời ơi! Sao lại thế này, chết mất thồi.


            -Chạy đi, nhanh lên- Say nói sắp sửa không thành tiếng rồi dứt khoát đẩy Pù đi. Anh ngơ ngác nhìn Say và như chợt hiểu ra liền vùng chạy ngược lên núi.

-Nó đâu? Mày giấu nó ở đâu rồi hả? –Seo Lử gầm lên.

-Kia, nó đang chạy về nhà đấy, đuổi theo mau lên.

Cả tốp người lại ào lên, đuổi theo bóng Pù đang nhấp nhô sau những tảng đá trên sườn núi.

-Tôi xin..xin anh tha cho…

Như người tỉnh mộng, Say liền ôm chặt lấy chân Seo Lử lắp bắp.

-Mày là đồ chó cái, đồ mất giá trị. Mày đã phản bội chồng mà, bôi nhọ dòng họ nhà tao. Mày cút ngay- Dằng tay Say ra khỏi chân mình, Seo Lử nhỏ bọt khinh bỉ trước khi chạy đuổi theo tốp người.

Tiếng chân chạy thình thịch như nện thẳng vào tim Say. Cô ôm ngực lảo đảo gục xuống…

 

4. Trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của buổi chiều mùa đông, Sình khoan khoái nhấp ngụm nước chè đặc sau khi dùng xong bữa thuốc phiện của mình. Ngẫm đến giờ Sình tự thấy hài lòng về cuộc đời mình. Bố anh là người giỏi tính toán làm ăn nên ngay từ nhỏ anh đã được cho ăn học với một ông thầy người Hán. Lớn lên với vốn chữ nghĩa kha khá, cộng với vẻ ngoài ưa nhìn, ăn nói lưu loát, Sình nghiễm nhiên trở thành thầy cãi cho cả cái vùng đất âm u, mù mịt này. Những vụ tranh cãi mà có tay anh động vào thì đâu ra đấy, vừa hợp lý lại vừa hợp tình. Người ta nể là thế mà quan trên cũng biết đến anh . Từ ngày bố mẹ mất, nhà chỉ có hai anh em khuay sớm quạnh quẽ. Mà quái, sao giờ này thằng Pù vẫn chưa về nhỉ? Hay là… Dạo này anh biết thằng Pù phải lòng con vợ thẳng Tủa dưới bản. Thằng Tủa đi lính cho Tây cũng được mấy năm rồi còn gì, chẳng biết sống chết thế nào. Con vợ thằng Tủa cũng là đứa có số phận chẳng ra gì. Về làm dâu nhà đó cũng chỉ bằng con trâu, con chó mà thôi. Nhà họ Thào chê rằng nó là đứa không biết đẻ. Anh biết thằng em mình lắm chứ, nó là người biết trên biết dưới. Trong bản, ngoài bản, ai cũng quý nó. Vậy mà… anh cũng nghĩ tìm cách giúp nó mà mãi không ra. Ngay đêm qua, cũng vì chuyện này mà Sình mất ngủ, trằn trọc mãi gần sáng mới chợp mắt được một lúc thì có tiếng chim lạ khắc khoải ngay khu rừng sau nhà. Anh chợt lạnh hết sống lưng, hình như sắp có chuyện gì ghê gớm sắp xảy ra mà không tài nào nắm bắt được…

-Anh, anh ơi! cứu em với- Thằng Pù mặt cắt không ra giọt máu thều thào không ra hơi. Theo tay thằng em, Sình biết ngay là chuyện gì. Không kịp nữa rồi, thôi đành vậy… Anh quay lại kéo tay thằng em đang rũ như tàu lá héo bên bếp, đẩy ra sân.

-Anh làm sao thế? Pù hỏi líu cả lưỡi.

-Xuống đi, cứ đi xuống núi đàng hoàng, đòi cho tao 3 đồng bạc trắng mà nhà nó nợ tao từ năm ngoái. Nếu bị đánh thì cố mà chịu, anh sẽ có cách.

Bị anh đẩy ra khỏi nhà, Pù ngơ ngác từ hỏi không biết anh trai mình định làm gì. Chẳng nhẽ hết đường sống rồi hay sao? Đến nước này có lẽ chỉ có mình chết đi mới mong nhà họ Thào tha cho Say mà thôi.

Đoàn người đằng đằng sát khí xông lên, Pù cố lấy giọng tự nhiên hỏi:

-Các anh đi đâu thế này?

Câu hỏi làm cho đoàn người đang muốn ăn tươi nuốt sống Pù chợt khựng lại.

-Tôi đang định xuống nhà để lấy 3 đồng bạc trắng mà năm ngoái các anh vay anh Sình nhà tôi làm ma cho ông cụ.

-Cái gì? Mày xuống để đòi tiền nhà tao á- Seo Lử gầm lên- Còn tao, tao đang lên để đòi mày trả lại danh dự cho dòng họ tao, em trai tao đây. Anh em đâu, đánh chết thằng này cho ta.

Lời chưa kịp dứt, gậy gộc, nắm tay, nắm chân đã thi nhau nện xuống người Pù. Anh chỉ kịp thấy đầu óc choáng váng, trước mắt chỉ toàn một màu đỏ rồi gục xuống…

Nhìn thằng em đi xuống núi mà lòng Sình run lên. Anh không dám chắc kế hoạch vừa loé lên trong đầu có cứu được thằng em không. Nhưng làm gì còn có cách nào khác. Tục lệ bao đời nay rồi, cướp vợ người khác chỉ có nước chết thôi. Không chết thì cũng tay trắng vì phải bồi thường cho người ta nào trâu, nào bò đến khi yên chuyện mới thôi…

Không còn thời gian nữa rồi, ngay dưới lưng núi kia thôi, bọn trai tráng nhà họ Thào đang đánh em trai Sình. Đúng rồi, chúng đã không tin lời em trai anh nói rồi. Chúng nó đang đánh vào xương, vào thịt của anh đây. Lũ khốn nạn! Rồi chúng mày sẽ biết tay tao. Chúng mày sẽ, sẽ…Sình nghiến chặt răng, con người như lồi ra khỏi mắt.

 

5. Hôm nay, nhà Lý trưởng Chúng Hoa nhộn nhịp kẻ ra người vào tấp nập. Trước sân, buộc đầy trâu, bò, lợn, gà và cả đám đàn ông nhà họ Thào. Chẳng là lý trưởng vừa cho người theo lệnh quan trên đi bắt người, tịch thu hết của cải nhà họ Thào vì tội giết người mới xảy ra tháng trước. Bên cạnh bếp, lý trưởng Chúng Hoa chậm rãi nhả khói thuốc lào, mắt nheo nheo. Cứ tưởng rằng chỉ là một vụ cãi vã thường tình giữa hai dòng họ, nào ngờ xảy ra cả chết chóc. Nhà họ Thào cũng ghê gớm thật, đánh người ta đến chết. Nghĩ đến gương mặt người thanh niên bị đánh chết hôm ấy làm ông thấy lạnh cả sống lưng. Hôm ấy nhà họ Thào có giải lên quan người thanh niên ấy, ông còn chưa kịp phân xử thì người thanh niên ấy đã chết.Mà không, từ lúc đem quân đi bắt đám trai tráng nhà họ Thào, ông đã cảm thấy không yên, người cứ chộn rộn thế nào ấy. Nhìn đám gia nhân tất bật chuẩn bị cơm chiều mà ông cứ dửng dưng như không. Bỗng ông giật bắn người:

-Tất cả ngồi im không tao bắn chết- Cùng với tiếng hô là một toán người bịt mặt, tay lăm lăm súng chắn ngang cửa. Cả gian nhà đầy người lặng phắc như bị đóng đinh.

-Thằng nào là lý trưởng Chúng Hoa?thằng bịt mặt to cao nhất quát lớn và nhìn xoáy vào ông.

-Tôi là Chúng ho..oa..

Ông chưa dứt lời thì tên vừa hỏi đã nã hai phát đạn vào ngực khiến ông ngã bật ra sau. Dồn hết sức lực, ông lao mình về phía cửa ngách…

-Đoàng, đoàng… !

Vừa chạm tay vào cửa, liên tiếp hai phát đạn khiến ông dúi dụi về phía trước…

Tất cả sự sự việc diễn ra trong chớp mắt. Bắn xong lý trưởng, bọn bịt mặt cũng biến mất vào bóng tối mịt mùng để lại sau lưng những tiếng thét hãi hùng…

 

Lý trưởng Chúng Hoa chết ngay tại chỗ bởi 4 phát đạn của bọn áo đen bịt mặt. Quan trên cho người về tra xét, chẳng mấy chốc đã biết được sự tình vụ việc giết lý trưởng Chúng Hoa. Sau khi nhận được đơn tố cáo củaSình về cái chết của em trai mình là do trai tráng nhà họ Thào gây ra. Quan trên đã ra lệnh cho lý trưởng Chúng Hoa cùng gia nhân đến bắt hết đàn ông nhà họ Thào lên quan xét hỏi và tịch thu hết tài sản của nhà họ Thào. Trong lúc quan quân hỗn loạn, Seo Lử đã nhanh chân chạy thoát. Vì nghĩ rằng quan trên ăn đút lót của nhà Vàng Vả Sình nên mới đến bắt bớ và tịch thu hết tài sản nhà mình, Seo Lử đã vượt qua biên giới, tìm thuê được một lũ đầu trộm đuôi cướp về giết lý trưởng Chúng Hoa.

Tai hoạ tiếp nối tai hoạ… hơn chục người đàn ông nhà họ Thào từ già tới trẻ bị giải lên quan trên, tống giam.

 

(II)

6. Mặc cho cái lưng đau như dần, bà Mẩy cố cắm cúi thêu nốt những đường chỉ cuối cùng trên tấm thắt lưng. ở cái tuổi ngoài 80 mà những đường thêu, nét chỉ của bà còn rõ ràng lắm, các cô, các chị còn thua xa. Chẳng vậy mà phiên chợ nào, những chiếc thắt lưng, cổ áo hay tấm vù giáo của bà làm đều được khách hàng tranh nhau mua. Người ta đặt bà làm nhiều lắm nhưng bà làm chả xuể. Nhất là dạo này, khi cái lưng của bà lúc nào cũng như có kim châm, đứng lên cũng không được mà ngồi xuống cũng không xong. Chắc là nó muốn được nằm mãi rồi đây…

-Bà ơi! cháu về rôi đây.

Đang định đứng dạy ra vườn loanh quanh môt lúc cho đỡ mỏi lưng rồi vềlàm tiếp, không ngờ thằng cháu ngoại lại về thăm bà. Rõ là chưa đến ngày nghỉ cơ mà, hay nó muốn lấy vợ nên về hỏi ý kiến bà. ý nghĩ ấy khiến bà thây vui vui. Lập cập bước ra hiên, bà hỏi như trách:

-Đang làm việc sao lại bỏ về thăm bà làm gì?

Không phải cháu bà về một mình mà còn có thêm một ông cụ nữa. Đỡ ông cụ vào nhà, pha nước mời bà và khách xong, thằng Hoà mới bảo:

-Đây là ông Sình đang nằm chữa bệnh trên bệnh viện huyện. Nhìn thấy cháu ông bảo chắc chắn là biết bà.Thế bà có nhận ra ông là ai không? Thôi bà ngồi nói chuyện với ông nhé. Cháu chạy sang nhà bà Chúa gặp thằng Páo có tí việc.

-Về nhanh còn ăn cơm nhé- Bà dặn với theo. Lúc này bà mới để ý ông cụ có vẻ bứt dứt không yên, nhìn mãi vào chén nước chè trên tay. Tai bà có hơi nghễnh ngãng chứ mắt bà còn tinh lắm.

-Ông đây là…
            - Có phải bà say đó không? Tôi Sình, anh trai thằng Phù đây mà


-Trời ơi! tai bà vừa nghe thấy gì vậy. Chuyện cũ xa xôi mịt mùng lắm rồi cơ mà sao lại dội về trịu nặng lồng ngực, mãi sau bà mới lắp bắp:

-Ông nói gì cơ?

-Tôi Sình đây, anh trai thằng Pù đây mà. Bà nhớ ra chưa?

Bà nhớ làm gì. Chẳng phải cuộc đời bà dài dằng dặc cũng chỉ vì những ngày tháng kinh hoàng đó sao. Những ký ức trước và saunhững ngày tháng kinh hoàng ấy hình như không tồn tại trong bà. Bà nhớ đến mụ mị cả đầu óc, có lúc tưởng như trong đầu trắng phau không có mảng ký ức nào, có lúc lại hiện về bùng nhùng… và hôm nay thì hiện về bằng xương bằng thịt đây.

-Sao ông biết tôi còn sống mà tìm? Bà hỏi mà chẳng dám nhìn- Tôi biết tội tôi rồi. Ông trời đầy đọa mãi nên chưa đi gặp tổ tiên được thôi.

-Bà đừng nói vậy. Tôi mới là người ông trời không cho nhắm mắt đây. Gặp được bà như thế này là tôi có thể nhắm mắt được rồi.

-Sao ông lại nói vậy?

-Nhìn thằng Hoà, tôi biết ông trời còn thương dòng họ nhà tôi rồi. Nó giống y thằng Pù phải không. Vậy nên tôi mới xin nó đưa tôi về gặp bà để nói câu chuyện.

-Có chuyện gì ông cứ nói.

-Lúc đầu tôi định mang theo đến chết nhưng mãi tôi không chết được nên chắc tôi nói ra thì mới chết được. Chuyện nhà họ Thào tan nát cũng do tôi một phần. Thằng Pù bị nhà họ Thào đánh đau quá. Lúc tôi đến nhà lý trưởng, nó đã sắp chết rồi. Nhưng mà nó chưa chết… ông Sình nức lên như trẻ con- Tôi đã giết nó… hừ.. hừ..

-Sao lại thế?-một cơn đau thắt ngực khiến bà Mẩy sây sẩm mặt mày- sao thế được…

-Tôi biết nó trước sau cũng chết. Mà nó không chết ngay thì tôi không thể kiện nhà họ Thào được thế nên.. thế nên tôi đã nhét vào miệng nó một cục thuốc phiện.

-Trời ơi! Bà Mẩy thấy tai mình ù ù như có gió lùa

-Tôi phải làm cho nó chết ngay thì mới báo thù cho nó được… Tôi cũng đã báo thù được cho nó. Cả đám đàn ông nhà họ Thào bị bắt giam, người thì chết trong tù, người được về thì cũng thân tàn ma dại. Không ai biết cả, quan trên cho người về đào cả xác nó lên để khám mà cũng không biết… nhưng ông trời có mắt… tôi chẳng được yên một ngày, lấy vợ mà chẳng có nổi một đứa con. Tôi đã tưởng dòng họ Vàng thế là hêt rồi. Ngày ấy, ai cũng bảo bà đã chết nhưng tôi thì không nghĩ vậy…

Tiếng ông Sình văng vẳng lúc xa lúc gần bên tai bà Mẩy. Bà đã trốn chạy, đã nhảy xuống vực cho chết đi mà không chết được. Bà được một gia đình cưu mang, chạy chữa… đến khi vết thường lành lặn, bà đã trốn đi đến tận vùng đất này với một cái bụng ngày một to. Đất mới, người mới, mọi người chẳng ai nỡ xua đuổi bà. Thời gian như nắng rơi, bây giờ bà đã có thằng cháu ngoại lớn ngổng, làm bác sĩ trên bệnh viện huyện… Nỗi đau mà cuộc đời bà phải gánh chịu tưởng đã được chôn chặt trong lòng vậy mà hôm nay ông già kỳ lạ xuất hiện và xới tung lên khiến lòng bà đau nhói…

-Bà ơi!

Tiếng thằng Hoà gọi váng ngoài sân khiến bà giật mình ngơ ngác, lập cập bước ra.

-Cháu về à?

-Bà sao vậy? Bà ốm à?-Thằng cháu vồn vã khi thấy trên trán bà lấm tấm mồ hôi.

Bà Mẩy ngồi rúm vào một góc ghế, mãi sau mới lên tiếng:

-Bà không sao, không sao đâu..

-Đúng là ông trời có mắt, ông trời có mắt…

Ông Sình nhắc đi nhắc lại như mất hồn. Bà Mẩy quay sang Hoà bảo:

-Cháu ngồi đây nói chuyện với ông Sình giúp bà. Bà đi nấu cơm, ăn rồi hãy về.

-Vâng, có gì bà cứ bảo cháu nhé.

 

7. Vừa nghe bà Chúa báo tin bà ngoại ốm mệt mấy hôm, Hoà liền tức tốc phóng xe về. Đường về bản dạo này đang sửa nên lổn nhổn toàn đá là đá. Đánh vật với con đường gần 3 tiếng đồng hồ Hoà mới về đến nhà. Ngôi nhà cũ kỹ, đất trình tường đã sẫm lại, trông lẻ loi và tội nghiệp như cuộc đời của bà vậy. Có được mỗi một người con gái là mẹ Hoà để nương tựa tuổi già thì lại mất ngay khi sinh Hoà. Chẳng bao lâu sau, bố Hoà đi bước nữa thế là Hoà sống với bà từ đó. Hoà lớn lên trên đôi tay gầy gò của bà, bằng những bắp ngô bà trồng, bằng từng ống nước bà địu. Thương bà, không như những đứa trẻ trong thôn, ngay từ nhỏ Hoà đã học rất chăm chỉ mặc dù đã không ít lần Hoà đã có ý định từ bỏ nhưng rồi nhìn dáng bà cần mẫn bên cửa thêu thùa để có tiền nuôi mình ăn học Hoà lại thôi. Học xong, ra trường, được Bệnh viện huyện nhận vào làm, Hoà đã mấy lần đón bà ra ở cùng để tiện chăm sóc nhưng bà không chịu. Bà bảo bà quen rồi, với lại đường đi cũng đỡ hơn, cuối tuần cháu về thăm bà là được, có việc gì bà sẽ nhắn ra…

Nhà cửa, vườn tược vắng hoe hoe, chẳng thấy bóng dáng bà đâu. Đẩy cánh cửa khép hờ bước vào, thấy bà nằm trên gường, Hoà vội vàng ngồi xuống gường:

-Sao bây giờ bà mới nhắn cháu về vậy. Bà nằm thế này được mấy hôm rồi.

-Bà chỉ hơi mệt thôi, không sao đâu.

-Bà đang sốt đây này- Hoà biết bà chẳng mệt như lời bà nói đâu. Nhìn sắc mặt bà Hoà biết bà ốm nặng lắm đây. Kỳ lạ là từ bé đến giờ Hoà thấy bà chẳng bao giờ uống thuốc. Làm bác sĩ rồi muốn đưa bà đi khám sức khoẻ bà cũng nhất định không đi.

Bà Mẩy để cháu đỡ ngồi dậy, nhấp nhấp ngụm nước rồi bảo:

-Bà nhắn cháu về là muốn nói với cháu một chuyện. Đúng là bà thấy mệt lắm rồi…

-Bà đừng nói lung tung nữa, cháu sẽ đưa bà ra bệnh viện, rồi bà sẽ khỏi.

-Cháu nghe bà nói, bà biết sức bà, không cần đi đâu cả.

-Thôi được rồi. Có chuyên gì bà nói cháu nghe đi- Hoà nói cho bà yên lòng.

-Cháu biết rồi đấy, bà cháu ta chẳng phải người ở đây, bà chẳng phải tên là Mẩy như mọi người vẫn gọi đâu…

Tiếng bà đều đều bên tai Hoà. Đã từ lâu, anh nghĩ đến điều này, nghĩ đến một ngày anh sẽ lý giải được ánh mắt sẫm buồn mỗi khi bà cười. Vậy mà, những gì anh đang nghe vẫn quá sức tưởng tượng …

Đợi cho bà thiu thiu ngủ, Hoà mới bước ra cửa. Ô hay, nắng hươm hươm vàng trải khắp lưng núi. Mọi vật lắng lại, dường như chỉ cần một tiếng động nhẹ cũng khiến gió đến, lùa mây mang nắng đi mất. ở cái vùng núi đá âm u nơi đây mà có một ngày nắng ráo thế này là hiếm lắm, mỗi năm chỉ có đến dăm bảy ngày, còn lại chỉ là những vạt nắng rơi. Hoà nhớ có lần bà bảo, niềm vui của phận đàn bà quê anh cũng như những vạt nắng rơi mà thôi, thoắt đến, thoắt đi…

 

                                                                  Hà Giang, ngày 4.7.2008


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khu du lịch sinh thái Nậm An - kết quả của sự đồng thuận
HGĐT- Thôn Nậm An, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang nằm trong khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Nậm Mu, với độ cao trên 1.000 m so với mặt biển. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, có mặt hồ rộng 18 ha vàkhu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như: Sến, Táu, Chò chỉ, Dổi, Ngọc am, nhiều loài thực vật quý hiếm
30/10/2008
Bắc Mê, em chót thành thiếu nữ
“Tay áo” lả đường “cua”
29/10/2008
Nghị quyết mới của đảng về xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật
HGĐT- Ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 23 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Đây là một nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với lĩnh vực này; là niềm động viên to lớn đối với các văn nghệ sĩ (VNS) và những người làm công tác quản lý VHNT của nước nhà,
29/10/2008
Rước tượng Phật vào chùa Sùng Khánh
HGĐT- Được sự nhất trí của UBND tỉnh Hà Giang, với sự giúp đỡ của các phật tử Hà Nội tặng 6 tượng Phật cho chùa Sùng Khánh, vừa qua, Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vị Xuyên phối hợp với UBND xã Đạo Đức tổ chức Lễ rước tượng Phật vào di tích lịch sử văn hóa chùa Sùng Khánh tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức.
24/10/2008