Người Cờ Lao ở Hà Giang

08:36, 17/11/2008

HGĐT- Cờ Lao là một trong những dân tộc có số dân ít nhất nước ta. Tính đến ngày 1.4.1999, người Cờ Lao ở nước ta có 1.865 người, trong đó sinh sống ở Hà Giang là 1.822 người.


Dân tộc Cờ Lao cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao Xanh và cờ Lao Trắng phân bố ở Đồng Văn, Mèo Vạclại sống dựa chủ yếu vào nương định canh núi đá.

Theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay thì người Cờ Lao ở Việt Nam có quan hệ với dân tộc Ngật Lão ở Văn Sơn (Trung Quốc). Căn cứ vào gia phả của một số dòng họ thì người Cờ Lao có mặt ở Hà Giang khoảng 120 đến 250 năm cách ngày nay.

 

Cũng như các dân tộc khác, người Cờ Lao cư trú thành từng thôn bản. Mỗi thôn có khoảng 15- 20 gia đình. Các ngôi nhà thường được thưng bằng gỗ hoặc trình bằng đất, lợp ngói âm dương, không chái. Phía sau của gian giữa là nơi thờ cúng, phía trước là chỗ ăn cơm. Trên bàn thờ, người ta đặt các bát hương thờ tổ tiên từ đời thứ 3 hoặc thứ 4. Hàng năm, khi mổ lợn ăn tết họ đều lấy các mảnh xương hàm treo lên đó.

 

Dù cư trú ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc thì nguồn sống chính của người Cờ Lao vẫn chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm Cờ Lao Đỏ thì canh tác lúa nước, trồng chè, còn nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng thì trồng ngô và chăn nuôi. Quanh nhà, người ta thường quây những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau xanh…

 

Đến các làng bản người Cờ Lao hôm nay, nếu chỉ bắt gặp đàn ông của dân tộc này thì ta cũng không phân biệt được nét riêng qua trang phục vì đa phần họ mặc giống các dân tộc khác như quần đen, áo xẻ ngực, 4 túi… Riêng trang phục nữ giới thì dù có thay đổi ít nhiều song vẫn còn giữ được nét riêng của mình. Nhiều người cho rằng trước đây, phụ nữ Cờ Lao mặc váy song thực tế hiện nay thì đa số phụ nữ Cờ Lao mặc quần, kết hợp với áo dài. áo của phụ nữ Cờ Lao là loại áo dài xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Đặc biệt, trong ngày cưới, chú rể bắt buộc mặc áo dài xanh như kiểu áo nữ và cuốn một tấm khăn đỏ qua người, cô dâu thì búi tócngược lên đỉnh đầu…

 

Người Cờ Lao rất tôn trong hôn nhân tốt đẹp, một vợ một chồng. Dù là cha mẹ gả hay tự nguyện lấy nhau thì các gia đình Cờ Lao rất ít khi bỏ nhau. Với gia đình hôn nhân bền chặt, các gia đình người Cờ Lao sống cùng nhau nhiều thế hệ. Con cái sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường xã hội mà ở đó các phong tục, tập quán được quy định chặt chẽ. Nhờ đó, những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được gìn giữ từ đời này sang đời khác.

 

Nói về tôn giáo của người Cờ Lao cũng có điểm khác biệt. Họ cho rằng chỉ có người, các loại gia súc và lúa, ngô mới có linh hồn. Mỗi người có 3 linh hồn. Sức khoẻ của con người tuỳ thuộc vào sự mạnh yếu của linh hồn. Khi linh hồn rời khỏi thể xác cũng có nghĩa là con người ta chết đi. Người Cờ Lao cũng tin rằng để linh hồn đến được với tổ tiên thì người ta không chỉ làm đám tang chôn cất mà còn phải tổ chức lễ ma khô sau đó.

 

Người cờ Lao được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tuy nhiên do địa bàn cư trú khác nhau mà ngôn ngữ của các nhóm Cờ Lao đã hình thành những phương ngữ khá phức tạp. Do sinh sống gần gũi với nhau nên tiếng nói của nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắngđã hoà vào nhau. Trái lại, nhóm Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì có thổ ngữ riêng và việc giao tiếp giữa các nhóm gặp khó khăn. Có thể nói, ngôn ngữ của dân tộc này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức.

 

Cùng với ngôn ngữ thì vốn văn hoá dân gian của dân tộc Cờ Lao cũng đang cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu một cách bài bản hệ thống. Qua đó,giúp đồng bào lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của mình bằng văn bản. Đồng thời, giới thiệu đến mọi người những nét đẹp văn hoá của đồng bào, góp phần làm giàu thêm nền văn hoá đất nước ta vốn đã phong phú và đa dạng.


Yến Khanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khu du lịch sinh thái Nậm An - kết quả của sự đồng thuận
HGĐT- Thôn Nậm An, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang nằm trong khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Nậm Mu, với độ cao trên 1.000 m so với mặt biển. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, có mặt hồ rộng 18 ha vàkhu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như: Sến, Táu, Chò chỉ, Dổi, Ngọc am, nhiều loài thực vật quý hiếm
30/10/2008
Bắc Mê, em chót thành thiếu nữ
“Tay áo” lả đường “cua”
29/10/2008
Nghị quyết mới của đảng về xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật
HGĐT- Ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 23 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Đây là một nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với lĩnh vực này; là niềm động viên to lớn đối với các văn nghệ sĩ (VNS) và những người làm công tác quản lý VHNT của nước nhà,
29/10/2008
Rước tượng Phật vào chùa Sùng Khánh
HGĐT- Được sự nhất trí của UBND tỉnh Hà Giang, với sự giúp đỡ của các phật tử Hà Nội tặng 6 tượng Phật cho chùa Sùng Khánh, vừa qua, Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vị Xuyên phối hợp với UBND xã Đạo Đức tổ chức Lễ rước tượng Phật vào di tích lịch sử văn hóa chùa Sùng Khánh tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức.
24/10/2008