Sức sống mới của phụ nữ Mông

08:43, 21/10/2008

HGĐT- Nhiều lần đi công tác ở những vùng rẻo cao phía Bắc, phía Tây, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với đồng bào Mông, ấn tượng sâu đậm trong tôi là hình ảnh những người phụ nữ giản dị, cần cù như những con o­ng mật suốt ngày, suốt cuộc đời tìm mật xây tổ và giữ ấm cho giống nòi sinh sôi.


Tôi đã quan sát một ngày thường của phụ nữ Mông bắt đầu từ lúc trời còn chưa sáng, bếp lửa bập bùng vẽ bóng người phụ nữ trên tường, đến lúc mờ sáng với chiếc quẩy tấu lên nương. Suốt ngày nắng, mưa vắt mình trên những vạt nương lưng núi đến lúc tối mịt mới vội vã trở về chuẩn bị bữa tối muộn màng...


Giống như nhiều dân tộc khác “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, phụ nữ Mông cũng không ngoại lệ. Phụ nữ Mông khi còn ở nhà cha mẹ đẻ đã được gia đình rèn rũa và dường như trở thành một phụ nữ thực thụ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên. Tuổi trăng tròn, hầu hết các thiếu nữ Mông đã hoàn thiện những kỹ năng của một phụ nữ trưởng thành gồm kỹ năng lao động và nhận thức về truyền thống dân tộc.


Nếu so sánh trong 54 dân tộc trên dải đất Việt Nam, có thể khẳng định phụ nữ Mông là những người có sự bền bỉ nhất, cần cù nhất trong lao động. Dường như trong gia đình Mông truyền thống, sức lực và thời gian lao động của phụ nữ còn nhỉnh hơn so với người đàn ông. Sống ở vùng cao, nơi biên giới... nên đàn ông Mông trong gia đình giữ vai trò quan sát sự biến động xã hội và quyết định mọi việc gia đình. Đàn ông giữ vai trò chính trong các nghi lễ của gia đình, cộng đồng, lựa chọn đất đai, gây nhà dựng cửa, làm các công việc kỹ thuật như rèn, mộc, săn bắn... Những việc ấy làm mất rất nhiều thời gian của người đàn ông, vì vậy việc lao động sản xuất lương thực, bếp núc, dệt may, chăm sóc con cái, đảm bảo cuộc sống gia đình chủ yếu dành lại cho phụ nữ.


Bước chân về nhà chồng, phụ nữ Mông không mang theo của cải hồi môn nhiều như người Thái, Mường... dường như cái họ để ý mang theo là những đức tính của người phụ nữ cần cù, chịu khó và chịu đựng. Bước chân vào nhà chồng, con dâu mới phải quan sát và hòa nhập nhanh vào cuộc sống của nhà chồng, phải thể hiện những gì tốt đẹp nhất của người phụ nữ, từ lao động cho đến ứng xử với các thành viên trong gia đình, làm cho gia đình nhà chồng không phật lòng. Sau đó là chuyện sinh nở, đây là một việc hệ trọng, yêu cầu người phụ nữ Mông truyền thống nào cũng phải hoàn thành tốt với việc sinh con cái vừa để làm tăng thêm sức lao động cho gia đình, vừa duy trì nòi giống cường thịnh cho dòng tộc. Những đứa trẻ sinh ra phần nhiều thời gian gần mẹ, hết ẵm ngửa lại đến lúc nằm trên lưng mẹ lên nương...


Nghe nói phụ nữ Mông xưa kia cũng trăm nỗi bể dâu, như người phụ nữ Kinh truyền thống “Phận con gái mười hai bến nước”. Lúc nào cũng lo toan chăm chút cho gia đình đến lúc tuổi xuân đã qua khi nào. Về nhà chồng rồi thì phải gánh lấy cái thiên chức của người đàn bà khá nặng nề, điều đó làm cho họ không còn thời gian để nghĩ đến nhiều việc khác nữa.


Cuộc sống lao động và những quy tắc ứng xử truyền thống đã khiến người phụ nữ Mông có sức lao động bền bỉ, dẻo dai, sự kiên trì, nhún nhịn để giữ yên ấm cho gia đình. Phụ nữ Mông sẵn sàng lao động vất vả cả ngày trên nương để làm ra hạt ngô, sắn và sẵn sàng nấu những nồi rượu ngô thơm ngon cho chồng và gia đình thưởng thức trong những ngày Lễ, Tết. Sau những ngày lao động mệt nhọc, vợ cùng chồng xuống chợ trong khi người vợ phải đi tìm mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình thì người chồng lại dành thời gian để gặp gỡ bè bạn, cùng vui vầy bên những bát rượu nồng uống đến say mèm. Chợ tan, người chồng không còn được vững vàng, thế là người vợ lại ngồi che nắng cho chồng ngủ đến tỉnh rượu và lại dặt dìu cùng chồng lên núi.


Cuộc sống phát triển, nhờ Đảng, Nhà nước đã đem đến nhiều đổi thay trong cuộc sống người Mông cũng như các dân tộc khác, một trong những đổi thay to lớn đó là tư duy và sự bình đẳng giới. Rất nhiều phụ nữ Mông đã nỗ lực học lên cao, đi thoát ly, nhiều người thành đạt trong việc kinh doanh, làm kinh tế, làm chính trị khiến chị em phụ nữ các dân tộc khác phải kính nể như chị Vàng Thị Mai ở xã Lùng Tám - Quản Bạ, không qua trường lớp kinh tế nào nhưng vẫn có thể điều hành một Hợp tác xã dệt lanh với sự tính toán không kém gì các cử nhân, thạc sĩ kinh tế, mỗi năm Hợp tác xã thu về hàng trăm triệu đồng... Phụ nữ Mông cũng rất đẹp, lên đến vùng cao, nhiều chị em người Kinh phải “ghen tỵ” vì nước da sáng trắng và mịn màng của con gái Mông.


Nhiều gia đình Mông ở vùng cao không còn nặng nề trọng nam khinh nữ, không ép con lấy chồng khi chưa đến tuổi quy định của pháp luật. Phụ nữ Mông đến trường ngày càng nhiều. Đàn ông Mông cũng ngày càng nhận thấy việc cần phải bình đẳng giới trong gia đình, xã hội. Họ chia sẻ những lo toan, vất vả với phụ nữ như cùng lên nương, vào bếp, cùng trông trẻ và chăm sóc hơn đến người phụ nữ. Những đổi thay sẽ dần dần mang đến sức sống mới cho người phụ nữ Mông. 


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường PTCS Phương Độ tích cực thực hiện điều mong muốn của Bác Hồ
HGĐT- Nằm ở ngoại vi thị xã Hà Giang, trường PTCS Phương Độ được coi là trường có nhiều khó khăn nhất của ngành Giáo dục thị xã hiện nay. Do điều kiện KT-XH, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên công tác xã hội hoá giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, đặc hiệt là với những thôn vùng cao của xã.
29/09/2008
Sắc màu các lễ hội văn hoá thế giới
Mỗi đất nước, mỗi vùng miền đều mang một nét văn hoá riêng, và hàng năm họ đều tổ chức những lễ hội mang phong cách và bản sắc riêng của đất nước họ. Hãy chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp mắt của một số lễ hội độc đáo như: Lễ hội Uống bia đường phố tại Đức, Lễ cưới tập thể tại Thượng Hải - Trung Quốc, Lễ hội tạ mùa ở Phần Lan...
25/09/2008
Liên hoan phim quốc tế Bangkok 2008
Hôm qua, Liên hoan phim quốc tế (LHP QT) Bangkok 2008 đã khai mạc tại thủ đô của Vương quốc Thái Lan. Tuy nhiên, lễ đón các đạo diễn, diễn viên trên thảm đỏ thì đến ngày 26.9 này mới bắt đầu
24/09/2008
Hai Á hậu mất cơ hội dự thi Miss World
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Ngọc Cường khẳng định, ông sẽ không cấp phép cho Á hậu 1 Phan Hoàng Minh Thư và Á hậu 2 Nguyễn Thụy Vân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 tham dự Hoa hậu Thế giới.
22/09/2008