Nghị quyết mới của đảng về xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật
HGĐT- Ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 23 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Đây là một nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với lĩnh vực này; là niềm động viên to lớn đối với các văn nghệ sĩ (VNS) và những người làm công tác quản lý VHNT của nước nhà, trong đó có tỉnh ta.
Nghiên cứu Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, thấy rất rõ sự tiếp nối và phát triển đường lối, quan điểm của Đảng ta đối với văn hoá văn nghệ từ trước tới nay, nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ VNS lên một bước mới, một tầm cao mới, trong thời kỳ mới.
Đánh giá tình hình VHNT thời gian qua (1998 – 2008), sau khi ghi nhận và khẳng định những thành tựu mà VHNT đã đạt được, Nghị quyết cũng chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của VHNT cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Đáng chú ý là, lần này Nghị quyết đã thẳng thắn nhìn nhận: “Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng, cơ quan nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới (…). Việc thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm (…). Nhiều chính sách đối với văn nghệ và VNS đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi (…). Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về VHNT(…). Một số hội VHNT chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ, xác lập các chuẩn mực đánh giá, thẩm định tác phẩm…”
Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết, đó là: “Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực VHNT chưa đúng tầm và đúng mức (…). Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng và thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của VHNT, chậm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hoá, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả”. Nghị quyết 23 nêu rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Theo đó, có 3 mục tiêu lớn được đặt ra:
- Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ hiệu quả sự nghiệp CNH – HĐH đất nước…
- Xây dựng, phát triển đội ngũ VNS Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn…
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực VHNT trong thời kỳ mới.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nêu rõ: Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo chung đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được xác định trong NQ T.Ư 5 (khoá VIII), riêng lĩnh vực VHNT cần nhấn mạnh và bổ sung các quan điểm chỉ đạo sau đây:
- VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
- VHNT Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ(…); vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân…; kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch.
- Tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của VNS…(*)
Nghị quyết đã đề ra 7 chủ trương và giải pháp lớn để phát triển VHNT trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của VHNT về đề tài, nội dung, loại hình; nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với VHNT, nhất là việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này; cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, VHNT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành; cấp uỷ đảng các cấp có kế hoạch định kỳ làm việc với lực lượng sáng tạo và hoạt động VHNT; hoàn thành cơ bản việc thể chế hoá các quản điểm, đường lối, định hướng của Đảng về VHNT; xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động VHNT; nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận VHNT; tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận VHNT của ông cha ta và thế giới; xây dựng cơ chế quản lý và chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng nghệ thuật thấp, ảnh hưởng xấu tới xã hội; phối hợp tốt các lực lượng làm công tác văn hoá đối ngoại để đưa các tác phẩm văn nghệ Việt Nam ra nước ngoài và lựa chọn tác phẩm của nước ngoài đưa về Việt Nam; xây dựng và phát triển đội ngũ VNS đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ mới; củng cố, đổi mới hoạt động của các hội VHNT ở T.Ư và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ VNS của hội; khẳng định các hội VHNT là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp; tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc.
Có thể nói, giới VHNT cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng hết sức phấn khởi đón nhận Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, coi đây như một luồng sinh khí mới của Đảng đối với lĩnh vực VHNT, và hi vọng rằng, Nghị quyết quan trọng này sẽ sớm được thể chế hoá thành các chính sách, kế hoạch và việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tạo ra sự “đột phá” để đưa sự nghiệp VHNT của đất nước và của tỉnh vươn lên mạnh mẽ, giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam trong công cuộc CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế./.
(*) Những chữ in nghiêng được trích trong Nghị quyết 23.
nguyễn trần bé
Ý kiến bạn đọc