Trường PTCS Phương Độ tích cực thực hiện điều mong muốn của Bác Hồ

16:14, 29/09/2008

HGĐT- Nằm ở ngoại vi thị xã Hà Giang, trường PTCS Phương Độ được coi là trường có nhiều khó khăn nhất của ngành Giáo dục thị xã hiện nay. Do điều kiện KT-XH, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên công tác xã hội hoá giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, đặc hiệt là với những thôn vùng cao của xã.


Với sự chung sức, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là quyết tâm của các cô giáo đã từng bước hoá giải những khó khăn, giữ vững thành tích phổ cập THCS được công nhận từ năm 2003. Làm được điều này, một trong những yếu tố cơ bản là việc hưởng ứng cuộc vận động (CVĐ) “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Năm học 2007 - 2008, thầy và trò trường PTCS Phương Độ đã tích cực hưởng ứng CVĐ “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do ngành Giáo dục phát động. Chi bộ nhà trường đã chủ động xây dựng được Nghị quyết chuyên đề về triển khai CVĐ, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, lên kế hoạch cụ thể, triển khai từng nội dung để thực hiện có hiệu quả CVĐ trong toàn trường. Qua học tập và các buổi sinh hoạt chính trị có gắn với nội dung học tập và làm theo tấm gương của Bác, đã từng bước tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn trường hưởng ứng CVĐ.


Để duy trì tốt công tác phổ cập THCS, nhà trường đã không ngừng nỗ lực phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương cùng chung sức. Vì thực tế, xã có 9 thôn, bản và 1 tổ dân phố, trong đó có 3 thôn vùng cao đặc biệt khó khăn là Khuẩy Mi, Nà Thác, Lùng Vài và phải phụ trách thêm 2 thôn khó khăn khác của xã Phương Thiện. Các thôn vùng cao của 2 xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, điều kiện KT-XH, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Muốn huy động được người dân đưa trẻ đến trường phải bằng những nỗ lực vận động không ngừng của các cô giáo cùng với cấp uỷ, chính quyền.


Ghi nhớ ước muốn của Bác lúc sinh thời là: “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; với quyết tâm 100% trẻ trong độ tuổi phải được đi học, từ đầu năm 2006, Chi bộ nhà trường đã đề ra quyết tâm tiếp tục thực hiện mô hình nội trú dân nuôi từ lớp 6 đến lớp 9 cho các em học sinh khó khăn ở 5 thôn, trong đó có 3 thôn của Phương Độ và 2 thôn của xã Phương Thiện. Ban đầu, việc triển khai mô hình này gặp không ít khó khăn, các thầy, cô giáo vận động được 11 em rồi 56 em theo học, nhưng chỉ sau 2 tuần, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc nhớ nhà, chưa quen môi trường sống tập trung, vì cuộc sống gia đình khó khăn...nên đã có 28 em bỏ về nhà. Trước tình hình đó, trường đã nghiên cứu, đề xuất với xã, đồng thời cử giáo viên phối hợp với xã thành lập các tổ công tác đến từng thôn, bản và từng hộ gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, vận động các gia đình và các em quay trở lại trường. Từ sự nhiệt tình của các cô giáo, lặn lội đến tận các thôn, bản, người dân đã đồng cảm và quyết tâm cho con em đến trường. Vì thế, các lớp học ngày càng đông lên và tính đến tháng 10.2007, các cô đã vận động được 80 học sinh theo học 4 lớp bán trú dân nuôi tại trường.


Thấy đời sống vật chất khó khăn của các em học sinh chính là nguyên nhân cản trở quyết tâm đến trường, để động viên các em, tạo sự tin tưởng, yên tâm nơi gia đình các em, nhà trường đã chủ động báo cáo với phòng giáo dục thị xã phát động quyên góp vật chất giúp các em học sinh có điều kiện theo học. Từ năm 2006 đến nay, các thầy, cô đã tự nguyện mỗi người đóng góp 20.000đ/tháng để giúp các em mua gạo ăn ở trường, các thầy, cô cũng đã chủ động vào các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn để kêu gọi sự ủng hộ về rau xanh... Cùng lúc, các ngành, các cấp cũng đã hưởng ứng, ủng hộ về vật chất như phản nằm, chăn, màn, đồ dùng và giúp cho mỗi em 2.000đ tiền ăn/ngày.


Mặc dù không phải là trường Nội trú, giáo viên không có phụ cấp đối với việc quản lý học sinh nội trú dân nuôi, nhưng với lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, các thầy, cô giáo đã tình nguyện cắt cử nhau trực 24/24h để chăm sóc, hướng dẫn và theo dõi sinh hoạt, học tập của học sinh. Trường đã phát động các phong trào “Tương thân, tương ái” trong nhà trường, quyên góp đồ dùng sách vở, quần áo giúp cho các em học sinh nội trú dân nuôi. Các cô giáo thường xuyên hướng dẫn các em về nề nếp sinh hoạt, giờ giấc học tập, văn nghệ, thể dục - thể thao... Nhiều lúc các em ốm đau, các cô cũng đã thay mặt cha mẹ để chăm sóc các em như con. Do hoàn cảnh khó khăn, kiến thức của nhiều học sinh nội trú dân nuôi còn hổng, vì thế sau các giờ học chính, vào buổi chiều, các em tiếp tục được các thầy cô nhiệt tình phụ đạo để nâng dần kiến thức. Từ đó, từng bước giúp cho các em hoà nhập và thích ứng với môi trường học tập nội trú. Qua tổng kết năm học 2007 - 2008, 100% học sinh nội trú dân nuôi đều đủ điều kiện lên lớp hoặc xét tốt nghiệp, các em đều có hạnh kiểm khá và tốt. Bà Chi, trưởng phòng Giáo dục thị xã nhận xét: là trường còn gặp nhiều khó khăn, phải duy trì mô hình học nội trú dân nuôi, nhưng với tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp, các thầy, cô trường PTCS Phương Độ luôn tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Năm học mới 2008 - 2009, đến thăm nhà trường, cô giáo Nguyễn Minh Dậu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã thu hút số lượng học sinh nội trú dân nuôi lên đến 96 em trên tổng số 305 học sinh toàn trường. Các cô giáo vẫn tiếp tục đóng góp 20.000đ/người/tháng cho các em, phòng Giáo dục đã tăng tiền hỗ trợ cho các em từ 2.000 lên 3.500đ/em/ngày, từ đó đã giúp cho các em có thêm điều kiện theo học. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường như chỗ ăn, ở, vui chơi cho học sinh còn khó khăn, song nhờ nhận thức của nhân dân ngày càng tíến bộ nên các gia đình đã tạo mọi điều kiện cho con em đến trường. Kết quả ấy chính là công sức của các cấp, các ngành trong đó có các cô giáo trường PTCS Phương Độ.


Bên cạnh những nỗ lực của thầy, trò, chúng tôi cũng thấy một thực tế hiện nay trường có 100% cán bộ, giáo viên là nữ, do đó trong nhiều hoạt động còn gặp khó khăn. Đặc biệt với gần 100 học sinh học nội trú, trường đã được cấp thuốc và thiết bị y tế nhưng vẫn chưa có nhân viên y tế. Một điều đặc biệt nữa khiến tôi trăn trở đó là ngay trước mặt tiền của trường là một nghĩa địa nhỏ với khá nhiều mộ, cả mộ cũ và mới của người dân địa phương. Những vấn đề trên ít nhiều có sự ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường. Từ đó, rất mong các cấp, ngành chức năng thị xã cần quan tâm, xem xét giải quyết làm sao để khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục ở Phương Độ.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Hà Giang lần thứ II
HGĐT- Tối 28.8, tại Nhà Văn hoá Trung tâm Văn hoá thông tin tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Khai mạc Cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Hà Giang lần thứ II. Đến dự có đồng chí Vương Mí Vàng, ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện Hà Giang; Chi nhánh Viễn thông Quân đội tại Hà
29/08/2008
Quản Bạ quê em
Đặng Quang Vượng.
29/08/2008
Tôi sinh ra ở vùng này
Chu Thị Minh Huệ
29/08/2008
Rào đá trên Cao nguyên
HGĐT- Lên Hà Giang, ngoài việc được chiêm ngưỡng những kỳ quan hùng vĩ do thiên nhiên tạo tác, ta còn ngỡ ngàng, thán phục sự sinh tồn phi thường của những người dân nơi dây. “Sống trên đá”, ba từ ấy thôi nhưng chứa đựng biết bao điều suy nghĩ. Để sinh tồn và phát triển qua bao đời, người dân Cao nguyên đá, đặc biệt là đồng bào Mông đã trở thành những chủ nhân biết thuần
29/08/2008