Rào đá trên Cao nguyên
HGĐT- Lên Hà Giang, ngoài việc được chiêm ngưỡng những kỳ quan hùng vĩ do thiên nhiên tạo tác, ta còn ngỡ ngàng, thán phục sự sinh tồn phi thường của những người dân nơi dây. “Sống trên đá”, ba từ ấy thôi nhưng chứa đựng biết bao điều suy nghĩ. Để sinh tồn và phát triển qua bao đời, người dân Cao nguyên đá, đặc biệt là đồng bào Mông đã trở thành những chủ nhân biết thuần phục đá, biến những bất lợi của đá trở thành những ưu điểm chở che cho sự sinh sôi trên miền đá.
Bất cứ ở đâu trên Cao nguyên đá, trong các bản làng, ta đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn bao quanh những ngôi nhà của người Mông rất xinh xắn. Hỏi nhiều người già trong các làng bản, không có nhiều người biết rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông học cách làm rào đá từ đâu. Chỉ biết, ai sinh ra, lớn lên trên Cao nguyên đá, khi lập gia đình riêng, việc thứ hai sau khi dựng nhà thì ai cũng làm rào đá. Rào đá nhìn có vẻ rất đơn giản, nhưng làm rào đá thì không hề đơn giản. Để có được bức rào đá bao quanh một ngôi nhà và mảnh đất rộng 200 – 300m2 , có thể mất đến cả tháng trời đập đá, khuôn đá, xếp đá và làm một chiếc cổng gỗ lợp mái ngói hoặc cỏ gianh, dán giấy đỏ.
Một bức rào đá ở Sủng Là Đồng Văn nơi đóng phim chuyện của Pao.
Nhìn bức tường đá của một gia đình, phần nào ta có thể đoán được tiềm lực kinh tế, nếp sinh hoạt của gia đình ấy. Nhà khá giả sẽ làm rào đá dầy, cao và chắc chắn. Những viên đá xù xì, kích thước to nhỏ nhưng khi được xếp lại với nhau cứ tự nhiên giằng, giữ lấy nhau chắc không kém việc bồi vữa. Rào đá có độ dày khoảng 50 - 60cm và có thể cao ngang mặt một người bình thường (khoảng 1,6m), một chiều cao khá lớn. Để kiểm tra độ chắc của rào, bạn hãy thử đưa hai bàn tay ấp vào tường đá rồi thử ru hoặc lay mạnh một cái xem sao!? Thậm chí nếu có khoảng ba, bốn người ru đẩy toát mồ hôi hột bức tường đá cũng không đổ. Thế mới biết, không phải tự nhiên người ta lại dựng lên rào đá.
Đứng trên cổng trời, ngắm một bản Mông quây quần với những chiếc vòng tròn, đó là các gia đình trong những vòng rào đá. Vẫn là câu hỏi, tự khi nào người Mông biết làm rào đá và rào đá có tác dụng gì? Hỏi nhiều người già, nhưng câu trả lời vẫn là “tri pâu” (không biết) rào đá có tự bao giờ. Lần tìm đến các bậc cao niên người Mông có uy tín là bác Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở VHTT và bác Sùng Đại Dùng, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh, ý kiến của hai bác đều có sự giống nhau: Cuộc sống của người Mông xưa kia, sống rải rác trên những địa bàn rộng. Bởi vậy, từ mối đe dọa của đạo tặc, thú giữ… người Mông đã nghĩ ra cách làm rào đá để bảo vệ gia đình trước mọi sự tấn công. Hơn nữa, việc rào quanh nhà bằng tre, gỗ thì không được lâu bền do đó, chọn giải pháp rào đá sẽ đảm bảo gần như cả đời không phải làm lại hàng rào. Qua các đời nối tiếp, người Mông dần hình thành nên kỹ thuật xếp đá và họ học nhau, truyền cho nhau, dần dần rào đá được phổ biến trong toàn cộng đồng. Điều bất ngờ là khi vào chốn điền viên của bác Hùng Đình Quý ở một khu trang trại gần thị xã, tôi đã được nhìn thấy những bức rào đá xếp rất đẹp trong khuôn viên ngôi nhà kết hợp cả hiện đại lẫn nét truyền thống dân tộc rất hài hòa. Bác Quý cho rằng, rào đá chính là một nét sáng tạo trong đời sống lao động của người Mông và trên Cao nguyên đá Hà Giang, đó chính là một nét độc đáo góp phần làm phong phú di sản văn hóa vật thể của Cao nguyên đá.
Tìm hiểu thêm cuộc sống thực tại của người dân ở các làng bản Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang hay Cao Bằng, quan sát những người làm nương, ta thấy người lao động vất vả, vừa phải vun xới, vừa phải nhặt những mảnh đá có quá nhiều trong đất và chất thành những đống, những hàng gọn gàng để đá không ảnh hưởng đến sản xuất. Có những nương quá nhiều đá, người ta đã nhặt và chất thành những rào đá lớn và dài. Phải chăng đó cũng là lý do khiến người ta nghĩ ra cách làm rào đá!?. Không rõ rào đá ra đời từ khi nào, nhưng trong cuộc sống hiện tại, tác dụng của nó là vô cùng cần thiết. Ông Lầu Vả Páo, một cán bộ người Mông ở xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc cho tôi biết: Nếu không có rào đá thì lũ gia súc, gia cầm sẽ vượt ra ngoài phá hết hoa màu, hơn nữa mùa đông trên này rét lắm, nếu không có rào đá thì gió rét sẽ xối thẳng vào nhà... Qua đó, có thể thấy người Mông đã biết tận dụng thiên nhiên, lấy thiên nhiên để chinh phục thiên nhiên, điều đó giải thích tại sao trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt con người vẫn tồn tại và phát triển.
Nếu có dịp đến một bản Mông trên Cao nguyên đá, nhón chân lên và ghé mắt qua rào đá, ta sẽ bắt gặp một đời sống sinh hoạt hết sức ấm cúng bên trong. Xem bộ phim nổi tiếng: “Chuyện của Pao” ta bắt gặp một tình yêu qua rào đá thật lãng mạn. Kịch bản của phim lại được chuyển thể từ một tác phẩm của nữ nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy, một người lớn lên từ chính mảnh đất Hà Giang. Hãy lên với Cao nguyên đá, sẽ có lần bạn may mắn được bắt gặp một đôi trai gái Mông đang thẹn thùng thổ lộ tình yêu qua rào đá và đừng quên kể cho mọi người nghe về những kiệt tác của tự nhiên và sự sáng tạo của người dân nơi đây.
Ý kiến bạn đọc