Khuôn Lùng xây dựng đời sống nông thôn mới

17:30, 27/08/2008

(HGĐT)- Chủ tịch HĐND xã Hoàng Nhật nói: “Nếu vào Khuôn Lùng tìm hiểu đời sống của nông thôn vùng sâu Xín Mần thì hãy vào đúng ngày chợ phiên nhé”...!


Chợ phiên Khuôn Lùng đông đúc đến lạ thường. Chợ phiên của một vùng quê ngập tràn hàng nông, lâm, thủy sản. Giải thích về “quê núi” lại có nhiều cá bán tại chợ phiên, chẳng khác gì chợ của vùng sông nước, Chủ tịch UBND xã, anh Lùng Xuân Chè cho biết: Thống kê sơ bộ, xã có trên 20 ha ao thả cá gắn liền hộ gia đình, đấy là chưa kể đập nhỏ nơi khe suối. Cá bán trong chợ chủ yếu là trắm cỏ, chép và rô phi lai đơn tính, cá chim… Người Khuôn Lùng sau lũ quét tháng 7.2002 đã khôi phục lại ruộng vườn, đắp ao chuôm đi kèm theo công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng mới, lấy “anh nọ” thúc đẩy “anh kia”. Con cá được nuôi đa dạng cũng có xuất phát từ điểm đó, đi kèm tư duy kinh tế mới theo đòi hỏi thị trường: Cần gì, thiếu gì, thì làm thứ ấy. Đến giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, nhìn lại kinh tế trong nông thôn đã thay đổi tích cực. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp trồng cỏ là hướng mới hiện nay. Chủ tịch HĐND xã Hoàng Nhật khẳng định: Chỉ trong vài năm, diện tích trồng cỏ đã lên tới con số gần trăm ha. Trong 7 tháng đầu năm 2008, cỏ chăn nuôi được trồng mới 8 ha. Cả năm xã phấn đấu trồng 15 ha, đưa diện tích cỏ toàn xã lên 110 ha, nâng mức bình quân cả xã gần 0,4 ha/hộ. Nhiều hộ gia đình ở thôn Trung Thành đã chuyển gần như toàn bộ diện tích đất xấu sang trồng cỏ nuôi trâu cho lợi ích kinh tế cao. Cầm chén trà, nâng trên tay, tận hưởng hương vị ngọt chát, thơm ngậy, chủ quán bán hàng vật tư ở trung tâm xã giải thích: Chè Khuôn Lùng uống cũng được đấy chứ? Chưa kịp đáp lời ông đã cho biết: Chè Phiêng Luông ở đây là chè cổ thụ ngon nổi tiếng đấy. Trước kia thì người dân chỉ trồng để uống, còn ngày nay là trồng để bán. Cả xã hiện đã có 15 xưởng chế biến chè mi ni. Năm ngoái chè đắt, các máy mi ni về tận thôn, người trong làng phấn khởi lắm. Năm nay, tuy giá thu mua có giảm, nhưng cây chè vẫn là cây “gỡ” tiền cho con cháu học hành đấy. Khuôn Lùng có gần 376 ha chè, diện tích cho thu hoạch 259 ha, còn 155 ha mới trồng từ 2-3 năm gần đây đang được chăm bón và chuẩn bị trồng mới 35 ha theo kế hoạch. Chủ tịch xã Lùng Xuân Chè cho biết: Năm 2008, xã chủ trương chuyển trồng chè hạt truyền thống sang trồng chè kỹ thuật mới “giâm bầu”. Bây giờ chè bầu sắp xuống đất sau ít ngày nữa khi chăm bón xong lần cuối cho lúa, ngô vụ mùa. Vừa mới đấy, xã đã chọn “điểm” một số hộ làm chè đi tham quan ở Thái Nguyên, “mời thầy” làm chè từ Thái Nguyên về xã hướng dẫn kỹ thuật sao chè cho dân. Xã thành lập ban chỉ đạo để điều hành kỹ thuật, tập huấn cách làm cho đồng bào làm chè theo phương pháp mới. Đồng thời, chủ động làm “cầu nối” cho các doanh nghiệp làm chè, các nơi về tiêu thụ sản phẩm tại cơ sở xã. Người dân trong xã đang kỳ vọng vào cây chè thời gian tới xã có chất lượng tốt, được tiêu thụ ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo. Lại nói về công tác xóa đói, giảm nghèo, anh Hoàng Nhật thành thật: Trong 490 hộ toàn xã, hiện đã có 46 hộ xếp loại khá, giỏi, 226 hộ trung bình khá, còn lại là trung bình “nhiều hơn” nghèo đấy. Kế hoạch đề ra cho Đảng bộ, chính quyền, cùng bà con năm nay phải xóa 20 hộ thoát nghèo bằng cách cho họ cái “cần câu”. Trong đó, cho kiến thức làm ăn được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là hỗ trợ giống, vốn và kèm chặt, để sử dụng vốn, kiến thức hiệu quả. Cán bộ chủ chốt, đảng viên được phân giao trách nhiệm kèm cặp hộ nghèo thoát nghèo cụ thể để có “thành tích” đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Mới đây nhất, toàn xã đã phát động phong trào góp tiền của, công sức để tu bổ, làm đường bê - tông ở trường học cấp I. Vận động toàn dân mở mới đường về thôn, bảo dưỡng đường trong mùa mưa lũ các tuyến: Trung tâm xã đi Xuân Hòa; đi Nà Cướn, Làng Thượng; Nà Chì; Quảng Nguyên. Đóng góp công sức, cây que tu bổ trường, lớp học chuẩn bị tốt cho năm học mới, khẳng định lại vấn đề xây dựng đời sống nông thôn mới, Đảng bộ Khuôn Lùng lấy phát triển kinh tế theo hướng tiếp cận nhanh các thành tựu KHKT trong trồng cấy, chăn nuôi. Đi song hành với nó là tập trung bồi dưỡng nguồn lực cơ sở, bắt đầu từ yếu tố con người. Coi giáo dục làm “chìa khóa” để thế hệ kế tiếp đi lên ngay từ đồng đất, sức lao đông ở địa phương. Duy trì các mối đoàn kết toàn dân thông qua các phong trào: Xóa nhà tạm, mở đường và một hướng đi còn “rất mới” để vực dậy nền kinh tế rừng và đất rừng với 2 mục tiêu: Kinh tế và môi sinh. Qua 7 tháng năm 2008, đồng bào đã trồng mới 35 ha rừng keo. Mục tiêu đề ra cho cả năm trồng mới 100 ha keo dưới hình thức chuyển đổi “rừng nghèo”. Tiếp đó là tiến hành chăm sóc 50,7 ha rừng trồng năm 2. Bảo vệ 432 ha rừng đầu nguồn và khoanh nuôi 200 ha rừng tái sinh…


Có thể nói: Gần 6 năm sau trận lũ quét 2002, thì đến nay, Khuôn Lùng đã có những bước đi tích cực, làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo. Đưa đời sống nông dân, môi trường sống nông thôn đổi mới có tính bền vững. Cái bền vững đáng ghi nhận chính là biết tận dụng nguồn tài nguyên, đất đai, con người tại chỗ, biết dựa vào KHKT để phát triển kinh tế. Biết nuôi dưỡng, đào tạo nguồn lực về con người (kể cả người làm ruộng, đến thế hệ tương lai) để dần tạo ra “thế và lực” vững chắc tạo đà cho mọi sự phát triển: Đó là: Nông nghiệp hóa – Nông thôn đổi mới – Nông dân có đời sống ngày một ấm no.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mãi là ngày xưa
Một chiều mưa gió xập xùiChị ngồi bùi ngùi kể chuyện ngày xưa:
31/07/2008
Hà Giang làm theo lời dạy của người
Tại nơi này Bác đã đến thămThị xã Hà Giang mùa Xuân Sáu Mốt*Hoa rừng nở trắng ngần tinh khiếtNgàn vạn dân chào đón Người về.
31/07/2008
Hà Giang còn mãi trong tôi
(HGĐT)- Những năm cuối thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ 20, chúng tôi - những thanh niên học sinh vừa rời mái trường sư phạm của khu học xá trung ương (đặt tại TP Nam Ninh - tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), được phân công lên nhận công tác ở Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.
30/07/2008
Niềm vui của Cún
(HGĐT)- Mới chiều mùng bốn mà cả nhà đã tíu tít, bé Bông cứ lon ton chạy hết chỗ nọ chỗ kia, vui thật. Năm nay là lần thứ 3 bé được cùng ông, bà, bố, mẹ và chị Cún ăn Tết mùng năm tháng năm. Hai năm trước, Bông còn quá nhỏ, lần này bà bảo:
30/07/2008