"Xin tiền" làm phim, dễ hay khó?
Nhiều người giật mình khi biết ở các nước điện ảnh phát triển, đa số phim đều được thực hiện từ chi phí "đi xin".
Mê Thảo và Sống trong sợ hãi là hai trong số những phim VN nhận tài trợ nước ngoài. |
Ở Mỹ, khi nhà sản xuất bắt gặp một ý tưởng hay, tin rằng sẽ có một bộ phim tốt, doanh thu khả quan, họ sẽ mời người phù hợp để viết ý tưởng đó thành kịch bản. Sau khi kịch bản xong xuôi sẽ tiến tới mời đạo diễn. Những vấn đề không thống nhất giữa đạo diễn, biên kịch (nếu có) sẽ được 3 bên bàn bạc và nhà sản xuất là người có quyết định cuối cùng. Không giống châu Âu hay VN, ở Mỹ không có chuyện chính phủ đầu tư cho phim, nên một dự án muốn đi xa đều phải chứng minh khả năng phát hành của chính nó. Những kỹ năng cần có là đón bắt nhu cầu thị trường, tổ chức ê-kíp sao cho dễ nhận được đầu tư nhất, có ngôi sao tham gia hay không... Về nội dung, thường những phim hành động, hồi hộp, hài hoặc có yếu tố sex cũng được hoan nghênh... Để làm những việc trên, vai trò của nhà sản xuất là quan trọng nhất, còn đạo diễn và những thành phần khác chỉ được thuê để đảm nhận những công việc cụ thể...
Thực tế ở Mỹ là vậy nên khi bắt đầu làm việc với các dự án ở khóa đào tạo sản xuất phim 2008 tại VN, các ông thầy Mỹ đều ngạc nhiên vì có quá nhiều sự khác biệt. Các dự án là do đạo diễn tự nghĩ ra, thậm chí còn tự viết cả kịch bản và tự tạo ê-kíp, vai trò nhà sản xuất vì thế khá mờ nhạt. Theo tiêu chuẩn Mỹ thì có thể nói ở VN không có nhà sản xuất. Cuối cùng họ cũng phải căn cứ trên tình hình thực tế để thiết kế bài giảng cho phù hợp. Trong một nền điện ảnh chuyên nghiệp, một nhà sản xuất đúng nghĩa sẽ như người định hướng và chịu trách nhiệm cao nhất về bộ phim. Các thành phần còn lại nhờ đó có điều kiện để thực hiện công việc chuyên môn của mình tốt nhất...
Hướng đến nhà đầu tư nào?
Ngoài những yếu tố chung nhất là sự hấp dẫn của kịch bản, cũng phải phân biệt rạch ròi xem mình đang hướng đến nhà đầu tư nào. Yếu tố vùng miền (Âu, Á, Mỹ) có ảnh hưởng rất lớn đến nội dung dự án khi xin tiền. Nếu là nhà đầu tư ở Mỹ, tính ăn khách phải được đặt lên hàng đầu. Nhu cầu của khán giả có vai trò quyết định chứ không phải là cá tính
|
sáng tạo của đạo diễn. Vì thế nếu bạn thực hiện một bộ phim nghệ thuật, đến từ một nơi ngoài nước Mỹ, hầu như cơ hội sẽ là số không. Ở châu Âu, nơi phim nghệ thuật có một thị trường rộng mở hơn, nhiều quỹ đầu tư phi lợi nhuận (khuyến khích các tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật) sẽ ưu tiên cho các vùng văn hóa khác, càng xa xôi, khó khăn đôi khi càng dễ "xin tiền".
Xin bao nhiêu tiền?
Ở Mỹ, chi phí làm phim phụ thuộc vào ê-kíp và khả năng sinh lời, được tính toán theo một thang bậc rõ ràng. Ở châu Âu, các quỹ tài trợ và các nhà đầu tư của họ không có quá nhiều tiền, nên kinh phí dao động từ vài trăm ngàn đến tối đa 5 triệu USD là khả quan nhất. Ví dụ, các đạo diễn đã thành danh của châu Á thường đưa ra mức từ 2 - 5 triệu USD (phổ biến từ 2 - 3 triệu USD). Các đạo diễn trẻ hoặc vô danh thì nên giới hạn con số dưới 1 triệu USD. Được biết cả 5 dự án trong khóa đào tạo sản xuất phim 2008 tại Hà Nội, kinh phí dự kiến đều từ 500.000 USD trở xuống.
Nếu "xin tiền" từ các quỹ phi lợi nhuận thì không ràng buộc trong việc thu hồi vốn mà phụ thuộc vào các yếu tố khác. Như Quỹ Fond SUD của Pháp yêu cầu chi 50% tiền tài trợ cho làm phim trên đất Pháp. Một số quỹ yêu cầu bản phim, tên trên générique, quyền chiếu phim tại một số liên hoan hay hoạt động văn hóa... Còn khi "xin tiền" từ các hãng sản xuất và phát hành phim, họ thường đưa ra tỷ lệ ăn chia trên doanh thu hoặc giành quyền phát hành độc quyền ở một vài thị trường nào đó.
Ngoài ra còn có xu hướng tự tìm vốn làm phim. Ở châu Á, thế hệ thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc (Giả Chương Kha, Vương Tiểu Soái, Trương Nguyên...) là những người tiên phong trong việc này.
Ý kiến bạn đọc