Sông Nho Quế (Truyện ngắn)

15:44, 29/07/2008

(HGĐT)- Nhà tôi ở mấp mé dòng Nho Quế. Kể là nhà thôi, ai đi qua liếc nhanh một cái cũng biết bên trong cái quây quây, chắn chắn ấy có những gì. Thế mới quanh năm suốt tháng ở mép sông được. Mà Nho Quế thì chẳng mấy khi quá lớn, lại không khi nào quá nhỏ. Nó nhẹ nhàng chảy bám vách núi hai bên mà đi như con ngựa đủng đỉnh lúc tan chợ về nhà.


Nương ngô ở sau nhà, đi ngược lên là đến đường cái mọi người vẫn phóng xe vèo qua. Mãi đến năm tôi tám tuổi mới biết mặt đường, vì lúc đó được đi học. Tôi chỉ biết theo mẹ lên nương, về nhà rồi xuống bờ sông. Bé thế mà chân tôi khoẻ. Mẹ đi bước nào tôi theo bước ấy, kể cả lúc lên dốc khó như leo cây. Bám đá mà leo, nên lúc nào cũng thấy mình chực ngã lăn quay xuống sông. Mỗi lần trượt ngã mẹ lại giơ chân giữ lại, mẹ chẳng kịp vươn tay ra nữa, tôi không thích thế, chân mẹ giữ tôi như giữ hòn đá. Vì tay mẹ phải bíu lấy cây cỏ nào đó nên không kịp đỡ tôi. Thế thì tôi đâm ra ghét dòng sông, nó còn bắt mẹ tôi địu nước lên nhà để dùng, rồi lên nương tưới cây, mà trời thì rét tưởng tháo từng khớp tay, khớp chân ra được. Sương dày thế mà mẹ vẫn tưới cây. Tôi thấy mẹ thương cây hơn, lúc ở nhà thì yêu tôi nhất, thế mà lên nương lại chả bằng cây ngô. Đúng là ngô và nước quý giá nhất ở nơi chúng tôi. Mùa đông chẳng trồng được gì nên nương trơ trọi thì tôi lại thích chí, vì được trèo chơi thoả thích mà không phải lo dẫm lên cây của mẹ. Đông về mẹ lại tiếc dòng sông. Nó bé tí teo, ở gần mà nhìn chỉ như sợi lanh mẹ vẫn tước, leo cao lên một tí chả thấy nó đâu cả. Xa xa thấy được nóc nhà tôi là còn ló ra trong sương. Bố lại ngẫm ngợi ngồi bên bếp lửa thắc mắc về cái dòng chảy của Nho Quế. Không biết ở khúc dưới, sông có chảy ra được chân núi không. ấy là vì cách nhà tôi không xa lắm Nho Quế tuồn ra từ chân một ngọn núi, nước ngầu đục suốt tháng, suốt năm, sôi ùng ục khi ra khỏi những cản trở của núi. Chảy được một đoạn lại chui ngược vào ruột một quả núi khác. Thật lạ, tại sao nó không chảy tiếp để tạo một dòng chảy cho những xóm gần chúng tôi. Nó biết chúng tôi không có nước mà còn chui tuột vào, rồi biến đi đâu mất. Các cụ bảo nếu không thế thì cả cao nguyên cao tít của tôi sẽ chả phải lo thiếu nước như bây giờ. Nó chui ngược vào núi ấy rồi thì chảy ngầm trong lòng cao nguyên, không lên tầng mặt nữa. Tại vì ngày trước, nhiều người tranh nhau mà làm bẩn nước nên con rồng nước nổi giận kéo tụt sông chui vào, không cho ra nữa để xem loài người lấy đâu ra nước dùng. Chúng tôi không có cách nào tìm được nguồn nước như ngày xưa nên nỗi khát cả cao nguyên.

Ngày còn mặc váy một khổ, tôi thấy các bác làm địa chất cứ lần lần, đào đào, xới xới khắp vùng mà không biết họ tìm cái gì. Mẹ bảo họ đang nghiên cứu hệ tầng Chang Pung. Để làm gì thì mẹ cũng không thể hiểu nổi. Đất đá được lấy về bọc bọc, cất cất rồi chuyển về xuôi nghiên cứu. Hôm chú trưởng đoàn tỉ tê với tôi nhưng thực ra là nói với chính mình: Hệ tầng này tốt đấy. Bọn chú đang khảo sát bắt đầu từ đồn biên phòng Săm Pun qua các bản Giàng Cái, Tống Qua Chải, Seo Thèn Pả xuống sông Nho Quế. ở mặt cắt này đá lộ, các tập đá cacbonat và lục nguyên nằm xen kẽ nhau, cắm nghiêng về phía Tây Nam từ 225 đến 235o, với góc dốc trung bình từ 35 đến 45o… Thế rồi các chú đi về phía đồn biên phòng Săm Pun để tìm kiếm. Các chú gọi mặt cắt phía sông Nho Quế này là mặt cắt chuẩn của hệ tầng Chang Pung ở Việt Nam. Hệ tầng này gồm đá vôi, đá vôi đolomit, đá vôi trứng cá, xen kẽ khá đều với đá phiến kết, bột kết, cát kết chứa đựng hệ động vật bộ ba thùy và tay cuộn phong phú có tuổi Cambri muộn. Nhưng các tầng bề mặt toàn bằng đá, không có lớp đất dày nên không giữ được màu cho chúng tôi trồng cây. Chỉ có ngô là bám được vào lớp đất mỏng manh bên trên bề mặt với bộ rễ chùm ngắn ngủi là chịu được với bề mặt đá ấy. Đã thế lại chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt nên cả cây và người càng khó sống ở đây qúa. Thế nên chỉ có những nhà ở mấp mé sông như nhà tôi thì mới có nước, còn ở cao cao một tí thì nước nấu rượu tết còn không đủ. Nếu mưa xuống thì cũng chỉ như tôi vôi thôi, vì cả cao nguyên này toàn là đá vôi cả. Câu chuyện địa chất của vùng sông Nho Quế trôi đi bao năm nay không làm tôi băn khoăn, vì tôi chưa thể biết được kết cấu của vùng này ảnh hưởng thế nào đến đời sống của chúng tôi. Giờ lại thấy nhiều đoàn khảo sát về với Nho Quế, nhưng lần này là khảo sát để làm thủy điện. Chúng tôi sẽ có điện, có nhiều thứ mới mẻ từ điện mang lại, thế nhưng mẹ lại buồn, lo âu mơ hồ. Có chiều gùi nước lên nương mẹ bần thần nghĩ không biết có còn nước để gùi không nữa. Thủy điện thì mẹ không thể hiểu được, nhưng chắc không còn được tự do gùi nước, có khi sông lại đổi dòng thì lấy nước đâu mà sống. Tôi thì vẫn mơ hồ theo bóng áo những đoàn khảo sát và hồn nhiên yêu sông. Mỗi chiều bắt được con cá nhỏ thì vui mừng và thấy Nho Quế thật là thân thiết với bọn trẻ núi chúng tôi.


Nếu bà tôi còn sống, những lúc trời buông màu đỏ như Nho Quế bà lại lẩn mẩn cái vì váy mà xa xăm con mắt về cái ngày xưa, ngày còn con gái đi dân công mở đường Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc. Mà cũng chính vì bà vào dân công rồi gặp ông tôi, làm đường xong thì hai người xin được khoảnh đất ở phía ta luy âm dựng nhà để nhớ kỷ niệm những ngày hát trên đỉnh đèo bạt gió với những thanh niên người Kinh phá đá mở đường. Bà rằng, giờ được ăn nước sông Nho Quế là mơ ước của cả mấy đời người. Khi chưa có đường đâu biết là có con sông này. Nghe người bên kia sang cùng mở đường bảo cứ làm được đường sẽ có nước nhiều, có con sông rất to chảy dưới khe hai quả núi. Thế là cứ theo đó mà định vị mở đường, rồi khi thành được con đường thì cũng là lúc đau đớn nhìn dòng sông lãng mạn trôi tút hút giữa xa xăm núi rừng. Cũng không ai định lượng được để đi xuống đó lấy nước thì phải mất bao lâu và đi bằng cách nào, liệu xuống rồi thì có lên được không. Xa thế, cái sợi chỉ màu vàng vàng cứ như không động đậy kia có thực sự là một con sông không, là sông thì là loại nước gì, có ăn được không. Thành ra con sông vẫn trôi trong giấc mơ ngàn thước của thanh niên xung phong. Nhưng cơn khát nước của đại công trường đường Hạnh Phúc là có thực. Ước mơ ấy được ông bà tôi biến thành sự thật là lần đá xuống với Nho Quế để mong được sống gần nước cho thoả cái khát khao của bấy nhiêu đời người và đã sống đến tận bây giờ. Có lẽ ông bà cũng mang theo cả hồn Nho Quế về phía mặt trời để khoe với đồng đội và tận hưởng những ngày cơn khát đã qua.


Hôm qua mẹ lại gùi đất từ mép sông lên tra từng hốc đá, để tháng nữa là bỏ hạt ngô vào đó. Gùi đất đầy thì nặng quá nên mẹ chỉ gùi một nửa cái quẩy tấu thôi, tôi cũng địu một ít trong cái quẩy tấu con con của mình, nhưng nặng quá vì đất không nhẹ như nước. Nó cứ lì ra, đè lưng tôi mà vít xuống. Đất khô còn nặng nữa là đất ướt ở mép sông. Tôi đòi gùi đất khô lên thì mẹ bảo đất khô không có màu nhiều, gùi đất ướt thì mới có ít phù sa lúc trồng ngô mới tốt. Đất ướt cứ rỏ qua đáy quẩy tấu ướt hết váy áo, mệt quá đành nghỉ thôi, kệ mẹ khác gùi một mình. Mẹ bảo con gái không chăm làm rồi mai lớn phải tự vào rừng mà sống một mình đấy. Mà vào rừng thì nhiều thú dữ, nhất là hổ, bị hổ vồ thì sợ lắm nên lại tiếp tục nhích từng bước một lên vách đá để vun đất trong từng hốc đá. Mọi năm vẫn làm thế nên ngô nhà tôi tốt hơn nhiều nhà khác vì ngô được ăn phù sa của Nho Quế, bán một ít mua được sách cho tôi đi học trong năm học mới. Lúc mua sách tôi lại thấy thích Nho Quế đến kỳ lạ, nếu không ở gần sông thì chắc tôi không có sách để đi học, lại giống như mấy bạn cùng lớp, đi học toàn tay không, nên biết chữ không nhiều lắm. Cứ mỗi lần nước sông được mưa lại dâng cao một chút, lúc rút đi để lại đất ướt là tôi và mẹ lại gom vào, vun lên rồi địu lên nương đắp vào gốc ngô thế nào cũng được nửa mảnh nương để ngô ấm chân mà nhanh lớn, thế là sông thật tốt quá rồi.


Nho Quế luôn mang những cái tên đẹp từ khi bắt đầu đến khi nhập vào dòng chảy khác. Sông đi qua các địa danh đẹp, nó bắt nguồn từ núi Nghiễm Sơn cao hơn ngàn thước, rồi xẻ qua cao nguyên đá của tôi mà nhập vào sông Gâm ở Na Nát. Bên Trung Quốc nó cũng có cái tên rất đẹp - Phổ Mai, và về Việt Nam cũng mang cái tên thơ mộng là Nho Quế. Có lẽ do chảy trong các thung lũng dạng hẻm vực với bao mảnh mai, dịu dàng nên được đặt cho cái tên mơ mộng đến vậy. Và nó mãi chảy mộng mơ trong lòng cao nguyên hùng vĩ, lãng mạn của chúng tôi.


Chu Minh Huệ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sao Mai Điểm hẹn 2008- nóng từ Liveshow đầu tiên
Tối 29/6, tại sân khấu ngoài trời của Đài Truyền Hình Việt Nam, đã thực sự “nóng” với Liveshow với đêm tự chọn đầu tiên trong 9 liveshow của vòng Chung kết SMĐH 2008. 12 ca sỹ của vòng chung kết cuộc thi SMĐH 2008 đã xuất hiện khá ấn tượng, một số giọng ca đã gây được dấu ấn ngay trong đêm đầu tiên bởi chất giọng và phong cách trình diễn…
30/06/2008
Xâu cá rô
(HGĐT)- Đến cổng là thằng cu Tí chạy vèo ra giếng. Nó đặt xâu cá rô vào chậu nhôm rồi hì hục kéo gàu đổ đầy nước. Những con cá rô đực đen trũi, quẫy đạp còn hăng lắm. Nhìn thành quả của cả buổi chiều giang nắng ngoài đồng, thằng Tí có vẻ hài lòng lắm. Nghĩ đến bữa cơm chiều có đĩa cá rán thơm lừng đã khiến bụng nó cồn cào.
30/06/2008
Những đóa hoa bất tử
“Đồng Lộc – Những đóa hoa bất tử” là chương trình văn nghệ đặc biệt kỷ niệm sự kiện lịch sử “40 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc” (24/7/1968 – 24/7/2008).
29/06/2008
Sáu ca sĩ lọt vào vòng hai Sao Mai - Điểm hẹn 2008
Hà Linh, Hải Yến, Duy Khoa, Nhật Thu, Khắc Hiếu và Hoàng Nghiệp là những cái tên được xướng lên ở giây phút cuối cùng kết thúc đêm gala chia tay vòng một tối nay 27-7 tại sân khấu Sao Mai – Điểm hẹn 2008. Vượt qua sáu thí sinh khác, họ là những người được khán giả và HĐNT chọn lựa đi tiếp vào vòng hai.
28/07/2008