Niềm vui của Cún
(HGĐT)- Mới chiều mùng bốn mà cả nhà đã tíu tít, bé Bông cứ lon ton chạy hết chỗ nọ chỗ kia, vui thật. Năm nay là lần thứ 3 bé được cùng ông, bà, bố, mẹ và chị Cún ăn Tết mùng năm tháng năm. Hai năm trước, Bông còn quá nhỏ, lần này bà bảo:
- Mai bà làm “qao” bó ngón tay, ngón chân cho con nhé!
Bông cười toe toét, giơ mười ngón tay như búp măng be bé ra cho bà, đòi bó tay luôn bây giờ. Mặc cho bà nói thế nào đi nữa, bé khóc. Mẹ phải bế đi chơi, nó mới chịu nín. Cún đã học lớp 3, năm nào cũng được bà bó ngón tay và cả bàn tay đều đỏ, đặc biệt là móng tay đỏ tươi, đẹp ơi là đẹp. Nhuộm tay từ tháng năm mà đến giáp tết năm mới, móng tay vẫn còn màu đỏ của qao. Vì thế Cún sốt sắng giúp bà và mẹ trông em. Vừa tổng kết năm học, Cún đạt học sinh giỏi, được cô giáo khen, cô hiệu trưởng tặng giấy khen. Trường của bố, mẹ lại có quà nhân ngày 1.6 - ngày Quốc tế thiếu nhi và tặng thưởng học sinh giỏi. Một dịp tết mà bao niềm vui đến với Cún. Tên khai sinh của Cún là Quỳnh, nhưng được cả nhà yêu nên gọi Cún dần thành quen, em còn thấy rất vui mỗi khi nghe ai đó gọi: Cún ơi!
Buổi chiều, bà chọn gạo nếp đãi sạch bụi bẩn để ngâm làm cơm xanh, cơm đỏ, cơm tím và cả cơm vàng nữa. Bà vừa kiểm tra mấy rá gạo nếp vừa nói với Cún như giảng giải:
- Gạo để làm cơm xanh, đỏ, tím, vàng phải chọn hạt to, trắng đục, thường là gạo từ giống lúa “Khảu đeng, khảu vai, khảu dò, hay khảu lương pản” đó là các giống lúa nếp từ ngày xưa cụ kỵ để cho vừa thơm, vừa dẻo và ngon nữa.
- Bà nói một loạt tên, cháu không biết gì cả. Bà giỏi thật đấy! Cún nói với bà như vậy.
Bà như sực nhớ Cún chỉ là đứa bé làm sao hiểu các loại giống lúa mình vừa nói. Bà cười:
- Bà xin lỗi nhé! Bà cứ nghĩ cháu là mẹ nên nói vậy để nay mai già không làm được, mẹ cháu mới biết chọn gạo.
Bà đong gạo ra mỗi rá 5 bơ để riêng, sau đó cẩn thận cho từng rá vào chậu nước sạch đãi hết bụi bẩn, đặt xếp hàng cho ráo nước. Mẹ ra vườn ngắt lá cơm xanh, cơm đỏ và đào củ nghệ để tối ngâm gạo. Ông dọn bàn thờ chuẩn bị chai rượu ngô vừa nấu hôm qua, lau chùi chén nước, chén rượu để cúng. Bố ra vườn sau nhà chọn những quả đào đẹp nhất, ngon nhất, má đỏ hồng cho vào xoỏng, rửa sạch để sáng sớm mai thắp hương cúng tổ tiên và cả nhà “khả mèng toọng” - giết sâu bọ trước khi ăn sáng. Người nào việc ấy cứ liền tay mà làm. Trong khi bố mang chài ra ao quăng cá, Cún đứng trên bờ thả cá vào xoỏng thì bà lom khom hái lá trầu rửa sạch để ông làm lễ. Mẹ lúi húi hái rau để sớm mai khỏi vội vàng, tiện thể mẹ chặt mấy cây “qao” trồng từ đầu năm để tối bó tay cho Cún và em Bông.
Cơm tối xong, bà và mẹ bỏ lá vào nồi đun sôi kỹ, chắt từng chậu nước lá ra chờ nguội ngâm gạo làm cơm xanh, cơm đỏ, rồi giã nghệ tươi vắt lấy nước trộn gạo ngâm làm cơm vàng. Đứng nhìn bà, mẹ làm mà Cún không giấu nổi niềm vui.
- Bà, mẹ ơi! Con yêu bà và mẹ lắm. Con hát cho bà và mẹ nghe nhé: “Sắp đến tết rồi, chúng mình rất vui...”. à mẹ ơi Tết diệt sâu bọ, mẹ có mua áo mới cho con không ạ?
- Mẹ mua rồi, năm nay con lớn, ngoan nhiều, biết giúp mẹ trông em lại học giỏi nữa, bố mẹ thưởng nhưng bí mật. Mẹ nheo mắt xoa đầu Cún.
- Mẹ nhớ mua cho em Bông với nhé, em cũng ngoan mà. Cún nhắc vì sợ mẹ chỉ mua cho mình, không mua cho em bé, nó sẽ buồn.
Xong mọi việc, mẹ mang giã nhỏ cây “qao” đã rửa sạch, trộn mấy hạt muối trắng rồi lấy khăn quấn ngón tay cho Cún. Bé Bông cũng đòi bó tay, mẹ chiều em nên cũng bó cho nó. Nhưng chỉ đến khi em buồn ngủ, mẹ phải gỡ ra. Còn Cún thì để vậy cả đêm đến sáng, chỉ mong sao sớm mai gỡ ra, em sẽ có mười ngón tay xinh tươi, đẹp đẽ.
Một giấc ngủ ngon lành, trời đã sáng. Cún nghe bà gọi dậy để ăn đào giết sâu bọ. Khi em rửa mặt, đánh răng xong thì bà đã cho quả đào má đỏ ửng để ăn trước khi ăn sáng. Cạnh bếp mẹ đang quạt “phá” cơm đỏ vừa đổ từ chõ ra nghi ngút hơi bốc lên mùi nếp thơm lẫn với nước lá thơm nữa, thật là quyến rũ. Bây giờ, Cún mới nhớ đến các ngón tay đã tháo qao. Thật mĩ mãn, không uổng công mẹ, em đã có mười ngón đẹp tuyệt vời. Đẹp hơn cả móng tay của cô Na hàng xóm suốt ngày nhuộm bằng thứ nước đỏ trong lọ sệt sệt mà vẫn bị bong ra. Cún reo lên chạy khắp nhà:
- Tay con đẹp tuyệt vời ông bà, bố mẹ ơi! Đẹp quá, vui quá...
Ông đã bê rổ lá cơm xanh đỏ, tím vàng vớt ra tối hôm qua xuống chuồng trâu để nắn bóp vai cho mấy con trâu từ lúc nào. Chỉ nghe tiếng ông vọng lại:
- Tao nắn bóp lá cơm xanh, cơm đỏ cho mày khỏi đau mỏi vai, mày kéo gỗ, kéo cày, bừa cho tốt nhé. Còn đây, tao thưởng cho mày chậu nước xanh, đỏ đã ngâm gạo từ đêm qua, có cả bột ngô và muối đấy, ngon lắm.
Chạy đến bên ông, thấy ông xoa vai cho từng con trâu, nghe ông nói với trâu, Cún nhớ lấy như nuốt từng lời. Nó nghĩ: Sau này lớn lên mình cũng phải nắn vai cho trâu bằng lá cơm xanh, đỏ, tím và nhớ cho nó uống nước gạo ngâm lá...
Mâm cơm cúng tổ tiên gồm xôi nhiều màu, mỗi loại mỗi đĩa, cá nướng, thịt vịt luộc, gà đồ và cả bát canh, rượu ngô. Ông chải tóc, mặc quần áo mới, đội mũ nồi chắp tay vái tổ tiên và mời về ăn tết. Sau khi rót rượu đủ ba lần, ông để tiền vàng và mời tổ tiên ở lại với con cháu. Cún theo sát ông làm từng việc, nghe ông nói từng lời và cố nhớ lấy, nhưng khó quá.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm Tết mùng năm tháng năm thật là vui. Bà và mẹ bảo: Tết diệt sâu bọ người ta còn gọi là Tết Đoan ngọ. Người Tày ta một năm có ba cái tết đó là: Tết đón năm mới, Tết diệt sâu bọ và Tết rằm tháng bảy. Con cháu người Tày dù ở đâu, đi đâu cũng không quên được những ngày tết.
Cún muốn biết nhiều, nhưng không thể nhớ một lúc. Cún sẽ chờ tết sang năm để ghi nhớ tiếp.
Hà Giang, 5.5.2008
Ý kiến bạn đọc