Hà Giang còn mãi trong tôi

17:43, 30/07/2008

(HGĐT)- Những năm cuối thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ 20, chúng tôi - những thanh niên học sinh vừa rời mái trường sư phạm của khu học xá trung ương (đặt tại TP Nam Ninh - tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), được phân công lên nhận công tác ở Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.


Những ngày ấy, chỉ nghe nói đến địa danh Hà Giang, Bắc Mục, nhiều người đã cảm thấy run sợ trước những khó khăn của núi rừng nơi biên ải. Trên đường đi, những câu ca dao truyền miệng cứ thấm vào gan ruột chúng tôi: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Thèn Phùng” hoặc “Muỗi Bắc Sum, hùm Làng Đán” làm cho không ít người trong chúng tôi dao động. Thực ra chúng tôi đâu có biết những địa danh ấy, thế mà cứ tưởng tượng, cứ vẽ ra bao nhiêu cảnh gian nan tưởng chừng không biết có trụ được ở nơi này hay không. Có lẽ trong đoàn chúng tôi lên Hà Giang năm ấy, ai cũng thuộc lòng câu than thở của một thành viên trong đoàn khi bước chân xuống xe ở thị xã Hà Giang:

Ai đưa tôi đến chốn này

Bên kia Núi Cấm, bên này Mỏ Neo.


Nhưng rồi, mọi việc vẫn trôi theo dòng chảy thời gian. Chúng tôi đã hòa nhập ngay với cuộc sống của nhân dân Hà Giang hồi ấy. Năm tháng qua đi, nhưng tôi vẫn nhớ những người được phân công ở lại Ty Giáo dục Hà Giang làm công tác chuyên môn, người xuống các địa phương dạy cấp I, cấp II trong tỉnh. Từ đó, chúng tôi cảm thấy yêu thương gắn bó với mảnh đất và con người Hà Giang giàu nghĩa nặng tình.


Hè năm 1960, 120 thanh niên Thái Bình được tuyển lên Hà Giang, rồi được phân công làm việc ở các ngành Giáo dục, Y tế, Bưu điện, Thống kê, Thương nghiệp, Lương thực, Ngân hàng, Giao thông, Nông - lâm nghiệp, Địa chất và cả Công an, Quân đội. Cũng như người miền xuôi ở các tỉnh khác, anh chị em người Thái Bình đã vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển KT - XH của Hà Giang và coi đó là quê hương thứ hai của mình. Tất cả chúng tôi - những người con của quê hương năm tấn đã gắn bó gần hết tuổi thanh xuân của mình với Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc đã nuôi dưỡng và chở che cho mỗi chúng tôi trong những ngày gian khổ nhưng tràn đầy tình nghĩa yêu thương. Thời gian cứ trôi đi, nhiều anh chị em được lần lượt chuyển về xuôi tiếp tục công tác hoặc nghỉ hưu theo chế độ, một số anh chị em người Thái Bình trở thành cư dân của Hà Giang và cũng có không ít người con Thái Bình đã vĩnh viễn yên nghỉ trên đất Hà Giang.


Tuy xa Hà Giang, nhưng trong tâm khảm mỗi người, hình ảnh về Hà Giang vẫn in sâu trong trái tim, khối óc của chúng tôi. Thời gian càng lùi xa ký ức càng đậm nét, chúng tôi càng nhớ đến những con người Hà Giang gắn với các địa danh Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì... Nhớ biết bao kỷ niệm đẹp trên dòng sông Lô lịch sử, sông Gâm, sông Miện, sông Nho Quế. Làm sao chúng tôi quên được cầu Mè, cầu Gạc Đì, cầu Tráng Kìm... rồi cổng trời Quản Bạ, dốc Mã Pì Lèng...


Tất cả đều gắn bó với Hà Giang và có thể nói chắc chắn rằng, không bao giờ chúng tôi quên mảnh đất, con người Hà Giang đã nuôi dưỡng chúng tôi trong suốt cuộc đời thanh xuân tươi đẹp của mình. Đến nay, sau hơn 40 năm xa Hà Giang, đoàn cán bộ người Thái Bình đã từng công tác ở Hà Giang tổ chức một chuyến lên thăm lại Hà Giang. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Sở Nội vụ Hà Giang, chúng tôi đã được thăm thị xã và 4 huyện vùng cao phía Bắc từ 15 đến 19.7.2008.


Sau bao năm xa Hà Giang, nay trở lại chúng tôi không thể tưởng tượng được sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất này. Chúng tôi bàng hoàng và ngỡ ngàng trước những tòa nhà, những dãy phố, những con đường của Hà Giang. Đâu rồi cầu treo Yên Biên và cây Si trước cửa Ty Văn hóa? Rồi con đường vào núi Cấm, đường lên Phương Độ, Thanh Thủy, đường lên Mèo Vạc, Đồng Văn khác xa so với ngày chúng tôi còn ở nơi đây. Lên thăm Hà Giang, được thăm cột cờ Lũng Cú, thăm khu di tích nhà họ Vương ở Sà Phìn, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các huyện đón tiếp thân tình như đón những người con xa quê nay trở về thăm quê mẹ, chúng tôi cảm động biết bao trước những cử chỉ lời nói của các đồng chí trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi làm cho chúng tôi xúc động và xen lẫn tự hào.


Hôm nay, từ Thái Bình chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh. Đặc biệt, xin cảm ơn Ban giám đốc, cán bộ, chuyên viên Sở Nội vụ Hà Giang, Phòng Nội vụ các huyện đã tận tình giúp đỡ để chúng tôi được sống lại những giây phút hào hùng của quá khứ năm xưa với “Hà Giang mến yêu của tôi”.


Xin kính chúc các dân tộc Hà Giang dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.


Phí Văn Lệ (Nguyên cán bộ Ty Giáo dục Hà Giang những năm 1950 - 1962 nay nghỉ hưu tại Thái Bình)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm vui của Cún
(HGĐT)- Mới chiều mùng bốn mà cả nhà đã tíu tít, bé Bông cứ lon ton chạy hết chỗ nọ chỗ kia, vui thật. Năm nay là lần thứ 3 bé được cùng ông, bà, bố, mẹ và chị Cún ăn Tết mùng năm tháng năm. Hai năm trước, Bông còn quá nhỏ, lần này bà bảo:
30/07/2008
Sao Mai Điểm hẹn 2008- nóng từ Liveshow đầu tiên
Tối 29/6, tại sân khấu ngoài trời của Đài Truyền Hình Việt Nam, đã thực sự “nóng” với Liveshow với đêm tự chọn đầu tiên trong 9 liveshow của vòng Chung kết SMĐH 2008. 12 ca sỹ của vòng chung kết cuộc thi SMĐH 2008 đã xuất hiện khá ấn tượng, một số giọng ca đã gây được dấu ấn ngay trong đêm đầu tiên bởi chất giọng và phong cách trình diễn…
30/06/2008
Xâu cá rô
(HGĐT)- Đến cổng là thằng cu Tí chạy vèo ra giếng. Nó đặt xâu cá rô vào chậu nhôm rồi hì hục kéo gàu đổ đầy nước. Những con cá rô đực đen trũi, quẫy đạp còn hăng lắm. Nhìn thành quả của cả buổi chiều giang nắng ngoài đồng, thằng Tí có vẻ hài lòng lắm. Nghĩ đến bữa cơm chiều có đĩa cá rán thơm lừng đã khiến bụng nó cồn cào.
30/06/2008
Sông Nho Quế (Truyện ngắn)
(HGĐT)- Nhà tôi ở mấp mé dòng Nho Quế. Kể là nhà thôi, ai đi qua liếc nhanh một cái cũng biết bên trong cái quây quây, chắn chắn ấy có những gì. Thế mới quanh năm suốt tháng ở mép sông được. Mà Nho Quế thì chẳng mấy khi quá lớn, lại không khi nào quá nhỏ. Nó nhẹ nhàng chảy bám vách núi hai bên mà đi như con ngựa đủng đỉnh lúc tan chợ về nhà.
29/07/2008