Xây dựng Làng Văn hóa ở Xín Mần
(HGĐT)- Ông Hoàng Tiến Chủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần khẳng định: Sau nhiều năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã được đông đảo nhân dân trong huyện hưởng ứng.
Sức lan toả của phong trào đã đến với từng thôn bản, từng người dân, nó không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành hành động, việc làm cụ thể. Qua phong trào này, những giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Thực tế cho thấy, Xín Mần có địa hình phức tạp, độ dốc lớn và chia cắt mạnh, điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt cũng như việc canh tác của nhân dân. Toàn huyện có 19 xã, 186 thôn bản với 15 dân tộc chung sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn ...; vì vậy, việc triển khai phong trào có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Để phong trào được triển khai sâu rộng, chất lượng, BCĐ của huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân. Căn cứ vào thực tiễn địa phương, huyện chỉ đạo các xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền đến dân với nhiều hình thức như qua các phiên chợ, tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể thao theo chủ đề, vận động xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh cơ sở, phát động thi đua giữa các thôn, bản về xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá.
Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã phát huy hiệu quả thiết thực. Các quy ước, hương ước văn hoá được nhân dân tham gia xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phong tục tập quán từng dân tộc nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn huyện có 148 làng văn hoá, 4.595 gia đình văn hoá, 45 cơ quan, đơn vị văn hoá. Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng mang tính xã hội cao, thường xuyên được tổ chức ở thôn, bản, cụm dân cư. Từ đó, các giá trị văn hoá được bảo tồn và phát huy. Xín Mần hiện còn hàng nghìn nghệ nhân dân ca, dân vũ truyền thống; nghệ nhân duy trì phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc, nghệ nhân duy trì bản sắc trang phục truyền thống dân tộc, nghệ nhân làm vật dụng, nông cụ truyền thống… Những chuyển biến từ phong trào xây dựng đời sống văn hoá có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt trong phong trào XĐGN. Nhân dân trong huyện đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, nhiều hộ biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các phong trào như xoá nhà tạm, làm đường giao thông, giúp nhau phát triển kinh tếđược dấy lên mạnh mẽ, người dân đoàn kết giúp nhau phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.
Việc thực hiện phong trào đã làm thay đổi lớn nhận thức, hành động của người dân. Vì vậy, huyện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, phấn đấu đến 2010 có 80% thôn, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hoá, 75% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá;nhằm tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hoá, loại bỏ những hủ tụcra khỏi cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc