Đường lên núi

16:28, 26/05/2008

(HGĐT)- Cầm quyết định mà bà Hiệu trưởng nhà trường vừa đưa Thi không khỏi rơi nước mắt. Phân trường mà cô sẽ đến dạy cách trường chính hơn chục cây số đường núi. Nghe bà hiệu trưởng nói đó là một bản người Mông, ở đó đã có một thầy giáo, cũng vào được hơn một năm rồi “Đưa cô vào để tăng cường một thời gian” -nói xong bà Hiệu trưởng mỉm cười khó hiểu.


Không để ý lời nói của bà Hiệu trưởng, Thi lững thững xách túi về phòng của Hoa. Hoa là đứa bạn cùng khu phố, học trước Thi một khoá, ra trường một cái là Hoa lên đây dạy luôn, nó may mắn là được dạy ở trường chính của xã. Nghe chừng nó đã quen với cuộc sống nơi đây rồi bởi Thi chẳng thấy nó có vẻ gì là buồn bã cả.

-Thôi nghĩ ngợi làm gì, cố ngủ một giấc đi để mình tìm xem có ai ở trong đó ra xã không để cậu cùng vào với họ- Hoa an ủi cô- mà này ở trong đó còn có thầy giáo Tuấn nữa cơ mà, chưa có vợ con đâu nhé, biết đâu cậu lại không muốn ra chơi với mình nữa ấy chứ...

Mệt mỏi, lo lắng, mặc cho những lời nói của Hoa, Thi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Mãi tới lúc Hoa đập đập vào vai, cô mới chợt tỉnh.

- Đây là anh Hoà trưởng thôn đấy, may hôm nay có việc ra xã. Tí cho em gửi cái Thi vào với nhé- Hoa vừa rót nước vừa liến thoắng giới thiệu. Lúc này Thi mới để ý thấy một người thanh niên đang ngồi nói chuyện cùng Hoa. Trước sau cũng phải đi, chi bằng đi sớm là hơn. Nghĩ thế nên chải đầu, buộc tóc xong Thi bảo:

- Có lẽ ta đi anh Hoà nhỉ, em sợ trời tối mất.

- ừ, cô đi chưa quen thì cũng lâu đấy, tôi đi cô Hoa nhé- anh ta thân mật chào Hoa.

Con đường nhỏ gập gềnh lổn nhổn toàn đá là đá, đi chưa được bao lâu mà Thi thấy hoa cả mắt, mồ hôi nhỏ giọt trên má. Thi cảm thấy mình không thể bước tiếp được nữa, hai chân chỉ muốn khuỵu xuống. Không thể chịu được nữa Thi đành lên tiếng:

- Anh ơi! sắp đến nơi chưa?

- Cô giáo mệt rồi hả? - Hoà quay lại cười- cũng sắp đến nơi rồi-Rồi quay lại nhìn Thi, Hoà nói như tâm sự - Đường đi như bây giờ là tốt lắm rồi, dân bản mình đã phải mất nhiêù công sức mới được như bây giờ đấy, chứ trước đây, đi lại con khó khăn hơn nhiều, mỗi lần muốn ra xã phải đi mất nửa ngày đường. Thôi, cô đưa túi đây tôi xách hộ cho.

Hoà bước trước, Thi lẽo đẽo theo sau. Lúc này, cô mới để ý người đàn ông đi trước mình. Anh ta mặc một bộ quần áo đen giản dị, mái tóc cắt ngắn gọn gàng, cổ quàng chiếc khăn len xanh đỏ, cô trông buồn cười thế nào ấy.

- Đến nơi rồi! tiếng Hoà làm Thi giật cả mình. Ngay trên đỉnh dốc là một vuông đất khá bằng phẳng, dãy nhà nửa gỗ nửa đất nằm im lìm. Ôi! đây ư ? Thi gần như thốt lên thành lời. Đây là mảnh đất mà cô sẽ cống hiến cả tuổi trẻ của mình ư? Hoang vắng và yên ắng quá, chỉ có gió, gió thổi ào ào từng đợt làm cô rùng mình.

Theo lời Hoà, Thi đẩy cửa vào gian phòng ở đầu hồi lớp học. Tất cả được dọn dẹp khá sạch sẽ từ chiếc gường đơn, bộ bàn ghế uống nước đến chiếc đèn dầu như đã sẵn sàng đợi cô.

- Chắc cô giáo sẽ buồn nhiêù đấy, nhưng thôi một thời gian, khi có người mới đến họ sẽ cho cô ra xã ngay thôi. Nhưng thế này là tốt rồi, có cô chắc bọn trẻ sẽ đi học nhiều hơn đấy- Hoà bảo cô trước khi ra về.

Đúng vậy chỉ vài năm thôi cô cũng sẽ được dạy ở trường chính lúc đó về thăm mẹ cũng dễ hơn nhiều. Vừa nghĩ miên man cô vừa thu xếp đồ đạc. Khi mọi thứ đã tạm ổn cũng là lúc bóng đêm đã tràn ngập trong thung. Cả không gian mịt mùng chỉ còn tiếng gió. Những giọt nước mắt lăn dài trên má Thi lúc nào không hay “ Mẹ ơi! con biết làm sao bây giờ, ước gì con được ở nhà bây giờ’’- trước mắt cô, đêm thị xã hiện lên lung linh huyền ảo...

 

                                                   ***

 

Những đứa trẻ lem luốc nhìn cô tò mò. Tuấn bảo chúng:

- Đây là cô giáo Thi. Từ nay cô giáo sẽ cùng thầy dạy các em- thấy chúng im lặng, Tuấn trấn an- cô Thi là hát hay lắm đấy. Thôi các em vào lớp đi.

Buổi đầu tiên lên lớp của Thi được Tuấn giúp đỡ như vậy. Lớp học chỉ lóc nhóc có chục đứa học sinh đen nhẻm, tóc vàng hoe. Khi Thi hỏi đứa nào cũng chẳng chịu nói, chúng nhìn nhau cười khúc khích. Thi lại càng hoang mang hơn khi kết thúc buổi học cô hỏi lại bài, đứa nào cũng lắc đầu không biết. Thời gian đầu cứ lặp đi lặp lại như vậy, mãi một hôm tình cờ gặp Hoà trên đường xuống xã, khi nghe cô kể xong, anh cười:

- Bọn chúng bảo cô giáo dạy thì hay nhưng nói nhanh quá, nhiều quá nên bọn trẻ không hiểu hết đâu. Tôi cũng định sang nói lại với cô nhưng dạo này bận quá.

Có lẽ là thế thật, mà ông trưởng bản này quan tâm đến lũ trẻ ra phết, chuyện gì cũng biết. Qua Hoà cô biết được nhiều điều về lũ trẻ, nào là cái Hoa học giỏi nhất lớp là con thương binh, gia đình rất khó khăn, Thằng Pao nghịch ngợm đang phải sống với anh chị nó vì bố mẹ nó đều mất cả, rồi cả chuyện bố mẹ cái Mẩy nhất định không cho nó đi học chỉ vì nó là con gái...Cô còn biết cả chuyện sau mỗi buổi học bọn trẻphải giúp bố mẹ chăn bò, làm nương, lấy củi... Vậy mà dù mưa hay nắng chúng đều cố đến lớp với cô. Rồi qua lũ trẻ Thi cũng được biết thêm về Hoà. Bố mất sớm từ lúc anh còn nhỏ. Đang học dở lớp 9 dưới huyện thì mẹ anh lại ngã bệnh, không ai chăm sóc nên Hoà đành bỏ dở việc học hành. Không có điều kiện học tập, anh lao đầu vào công việc, lúc thì việc nhà, lúc thì việc làng, chẳng vệc gì là anh từ chối. Bởi vậy mà mọi người bầu Hoà làm trưởng bản. Kể ra người như anh ta không được học hành đến nơi đến chốn cũng tiếc thật.

Rồi thì những ngày bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, Thi cũng dần quen dần với lũ học sinh của mình. Chúng cũng quấn quýt cô hơn, không còn bỏ học lung tung, lớp học ngày càng đông hơn. Nhìn những cặp mắt tròn xoe, háo hức mỗi khi nghe cô kể chuyện đã giúp Thi có thêm nghị lực gắn bó với mảnh đất nơi đây. Vậy mà khi lũ trẻ đã về hết chỉ còn một mình với ngổn ngang bàn ghế, Thi đã bật khóc ngon lành. Bao dũng khí hôm lên đường nhận công tác nói với mẹ như tan biến hết. Thương cô lúc nào mẹ cũng gàn:

- Thôi cứ ở nhà con ạ, bố mẹ sẽ cố xin việc cho con, dù có trái nghề, lương lậu ít mà ở gần nhà vẫn hơn con ạ.

Thi biết cả đời mẹ đã vất vả vì gia đình, vì cô, vì lũ em cô nên khi đã học xong, Thi không muốn mình là gánh nặng cho mẹ thêm nữa. Với lại cô giáo là nghề cô đã thích từ thủa nhỏ.

- Mẹ ơi! cần gì phải như thế, con đi làm vài năm, khi nào có điều kiện con sẽ xin chuyển vùng về dưới này- cô nói thế cho mẹ yên lòng chứ lúc đó cô đâu đã biết gì về cuộc sống nơi đây đâu. Nếu biết liệu cô có quyết định lên đây hay không?

.- Mẹ lo là lo cho cuộc sống gia đình của con ấy chứ. Ơ nơi xa xôi ấy ai người ta dám lấy mình, rồi lại... nghĩkỹ đi con ạ, đừng để điều tiếng gì.

Thi hiểu nỗi lòng của mẹ lắm chứ. Chẳng thế mà khi thư về, cô cho mẹ biết ở trên này còn có một đồng nghiệp là Tuấn cũng là người thị xã thì mẹ phấn khởi lắm, thư lên mẹ bảo “ Con gái mẹ đừng khó tính quá nhé” làm cô phì cười, chợt nhớ đến vẻ mặt bần thần của Tuấn khi nghe cô nói là đã có người yêu ở nhà. Lại cả cái Hoa nữa, mỗi lần xuống chơi cô đều bị nó tra khảo:

- Có gì chưa đấy ? Phải khai ra với tao nghe chưa. Hôm nọ Tuấn ra kể chuyện nghe có vẻ buồn lắm đấy- Thấy cô thờ ơ lắc đầu, Hoa phát cáu:

- Hai đứa cùng ở thị xã lại cùng dạy một trường không lấy hắn thì mày định chờ ai đây?

- ừ, cũng đang chờ một người - Thi nhấm nhẳng trả lời trước vẻ mặt ngơ ngác của Hoa.

                                               ***

 

Thế là bao ngày mong đợi cũng đã đến, cứ nghĩ đến cảnh cả nhà bất ngờ khi mình xuất hiện trước cửa là Thi đã thấy vui rồi. Nhưng quái lạ sao mãi đến giờ này mà vẫn chưa thấy Hoà đến cơ chứ. Chẳng là hôm trước, biết hôm nay Thi về nghỉ tết, Hoà bảo cô đi thì đợi, anh cũng có việc xuống xã. Thế mà bây giờ hơn 4 giờ rồi mà cũng chẳng thấy đến. Thôi đành đi một mình vậy, nghĩ là làm, Thi quả quyết xách túi đứng dậy. Đồ đạc chẳng có gì nhưng vì đường dốc lên, dốc xuống nên đi chưa được nửa đường Thi đã thấy mệt phờ. Chiều mùa đông ở vùng núi, trời tối nhanh. Kiểu này không khéo chưa đến xã thì trời đã tối rồi cũng nên. Chỉ nghĩ đến đó thôi là Thi đã lạnh cả cả tóc gáy. Đường đi thì cứ hun hút mà trời thì tối chẳng đợi ai. Vừa mệt vừa sợ, bước chân Thi cứ luýnh quýnh vào nhau. Đúng lúc ấy cô thấy Hoà đang chạy từ dưới dốc lên. Vừa tức vừa mệt nhưng gặp được người quen vào lúc này cũng khiến Thi quên hết cả bực dọc.

- Thi đợi tôi lâu không? - Hoà vừa nói vừa ôm ngực thở hổn hển. Nhìn khuôn mặt anh đỏ bừng, đầy mồ hôi, Thi chợt thấy cay cay sống mũi. Thì ra sáng nay thằng Pao bị đau bụng, Hoà và mấy thanh niên trong bản phải cõng đi trạm xá, tưởng được về sớm ai ngờ bệnh càng nặng thêm nên anh lại cùng người nhà đưa thằng Pao xuống bệnh viện huyện, thu xếp ổn thoả rồi mới bắt xe ôm về. Vừa đi vừa lo không về kịp để Thi phải đi một mình, thế là cứ vừa đi vừa chạy.

- Cũng may là gặp Thi, không tôi ngại lắm, đã hứa rồi mà.. . Thi đưa túi đây tôi xách cho, quàng chiếc khăn này vào cho đỡ lạnh - không đợi cô từ chối, Hoà ấn vội chiếc khăn quàng của mình vào tay Thi. Cô ngoan ngoãn làm theo, thấy lòng mình ấm áp lạ thường.

Hai bên đường, những đợt gió thổi dàn dạt trên rặng cây sa mộc, sương giăng lớp lớp như mây. Phía xa xa, ánh điện ở trung tâm xã nhấp nháy như những vì sao đến sớm.


Truyện ngắn: Hùng Hiền

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khau Vai - nơi thắp lên niềm tin và hạnh phúc
(HGĐT)- Cái rét nàng Bân tràn vào nước ta mang theo mưa, gió lạnh làm dịu đi cơn khát trên Cao nguyên đá. Lâu lắm rồi, người dân sống trên dải Cao nguyên đá mới lại cảm nhận được cái rét êm dịu đến vậy.
29/04/2008
Liên hoan văn nghệ - thể thao thị xã Hà Giang 2008
(HGĐT)- Sáng 28.4, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá tỉnh, UBND thị xã tổ chức “Liên hoan văn nghệ - thể thao thị xã Hà Giang, năm 2008”.
28/04/2008
Đêm nhạc hội Việt - Nhật công phu và sâu lắng
Chương trình “Giấc mơ về một nền hòa bình” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đêm 24/5 với sự có mặt của những ngôi sao hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản. Tiếng hát của họ là ngôn ngữ âm nhạc vượt biên giới, thế hiện "mối quan hệ từ trái tim đến trái tim” giữa hai nước.
26/05/2008
Nghệ nhân dân gian - một "tài sản" của văn hóa Việt Nam
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tạo ra các điều kiện quan trọng để phát triển nền văn hóa Việt Nam, song cũng lúc này, lại xuất hiện một số vấn đề văn hóa phải được giải quyết thấu đáo, như trong quan hệ giữa truyền thống và hiện đại chẳng hạn, chúng ta cần quan tâm tới các nghệ nhân dân gian - những con người đang nắm giữ vô số tài sản văn hóa của quá khứ,
26/04/2008