Cần tìm về và khôi phục lại di sản văn hoá các dân tộc ở Hà Giang

16:58, 30/05/2008

(HGĐT)- Hà giang là một tỉnh vùng cao biên giới với trên 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hoá riêng, độc đáo, phản ánh chân thực tiến trình lịch sử của dân tộc mình.


Với một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống như Hà Giang thì vốn di sản văn hoá là vô cùng phong phú và đặc sắc. Chính vốn DSVH này đã tạo nên bản sắc riêng cho vùng đất này. Người ta đến Hà Giang để được biết đến cuộc sống của đồng bào Mông với những ngôi nhà trình tường, với tiếng khèn buồn mêng mang…; để được thấy những nếp nhà sàn ẩn hiện trong vườn cây trái, nghe những câu si, điệu lượn…; để ngắm nhìn váy áo rực rỡ của các cô gái Dao, Lô lô, Pà Thẻn…

Trong những năm qua, thực hiện NQTW… về xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, công tác quản lý DSVH các dân tộc đã bước đầu được chú ý. Nhiều hoạt động văn nghệ- thể thao ở cơ sở đã khơi dậy vốn văn hoá dân gian của đồng bào. Từ đây, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, những làn điệu dân ca, dân vũ… đang tìm lại được chỗ đứng của mình trong đời sống tinh thần của đồng bào như vốn có. Tuy nhiên, có thể nói những gì chúng ta đang làm trong công tác quản lý DSVH các dân tộc ở tỉnh ta còn khiêm tốn. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều di sản của các dân tộc tỉnh ta đã và đang có nguy cơ mai một. Thí dụ trước đây, thầy cúng của một số dân tộc vùng núi tỉnh ta cũng có một loại nhạc cụ giống như chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Nhưng rồi, bài trừ mê tín dị đoan, chúng ta không những tiến hành chấn chỉnh tư tưởng cho những người hành nghề thầy cúng mà còn thu luôn các vật dụng hành nghề của họ. Thế là cùng với hệ thống những người làm nghề thầy cúng, thầy mo… nhiều loại nhạc cụ phục vụ cho những nghi lễ cũng mất luôn trong đời sống của đồng bào. Điển hình như trống đồng của đồng bào Lô lô. Đây là một loại nhạc cụ cổ xưa, gắn với các nghi lễ tế trời đất của người Lô lô. Nhưng hiện nay, các nghi lễ này đã không còn nữa và thế là hầu như người ta chỉ còn thấy trống đồng Lô lô trong các Bảo tàng mà thôi.

 

Nói về những DSVH đang có nguy cơ mai một nhiều nhất có lẽ phải kể đến hệ thống lễ hội của các dân tộc tỉnh ta. Nếu như lớp trẻ người Tày còn biết đến lễ hội Lồng Tồng hàng năm của dân tộc mình thì lớp trẻ người Mông không ai còn biết đến lễ hội Gẩu Tào- một trong lễ hội đặc trưng của dân tộc mình. Bởi đã từ rất lâu lễ hội này đã không còn được tổ chức tại vùng đồng bào Mông sinh sống nữa. Đây là một lễ hội với rất nhiều hoạt động văn hoá dân gian, tái hiện sinh động đời sống tinh thần của đồng bào. Từ những trò chơi, điệu hát trong lễ hội, nhiều đôi thanh niên nam nữ đã nên vợ thành chồng. Tuy nhiên, sau mỗi mùa hội cũng có nhiều gia đình vì đó mà trục trặc, cãi vã, nhiều đám thanh niên không nhìn mặt nhau bởi những xô xát trong lễ hội… Từ những nguyên nhân trên, chính quyền địa phương thấy rằng để tránh những phiền toái xảy ra, giữ gìn an ninh trật tự và để tiết kiệm thời gian cho lao động sản xuất thì tốt nhất là không cho tổ chức lễ hội nữa. Việc tổ chức lễ hội Gẩu Tào chỉ do một gia đình đứng ra với sự góp sức của cộng đồng. Thường là khi gia đình hiếm muộn con, nhất là con trai, người ta sẽ cầu xin trời đất ban cho họ con cái đầy đàn và nếu ý nguyện được thực hiện thì gia đình sẽ tổ chức lễ hội cho bà con làng xóm vui xuân. Chính vì vậy, khi thực hiện chủ trương kế hoạch hoá gia đình, dù gái hay trai chỉ 2 là đủ thì việc cầu xin để có con cháu đầy nhà, cầu xin để có con trai sẽ bị cho là lạc hậu, trọng nam khinh nữ… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng không khuyến khích việc người dân tự tổ chức lễ hội nên họ cũng không tổ chức nữa. Vậy nên, một lễ hội đặc trưng với đầy đủ các hoạt động văn hoá dân gian của dân tộc Mông đã mất hẳn trong đời sống của đồng bào Mông nói riêng và đồng bào vùng cao nói chung.

 

Cũng trong hệ thống lễ hội nhưng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào, đó là tết, đám cưới, đám ma…Tuy nhiên tất cả các lễ thức trong các lễ hội này đã được tổ chức đơn giản đi rất nhiều. Việc đơn giản hoá việc cưới xin, hay tang ma, lễ tết bao giờ cũng đi cùng việc mất dần đi nét văn hoá trong những lễ nghị này, mà một trong những nét văn hoá đặc sắc nhất đang bị mất đi đó là các làn điệu dân ca. Các làn điệu dân ca của các dân tộc ngày cang mất dần đi bởi số người biết hát đang ngày càng ít đi. Và họ cũng ít khi có cơ hội để thể hiện các làn điệu dân ca nên có thể khẳng định hiện nay không còn ai thông thạo hết các làn điệu dân ca nữa, nếu có cũng vẫn chỉ là chắp vá. Tôi xin đơn cử ví dụ về đám cưới của dân tộc Mông. Nếu như trước kia, việc cưới xin của người Mông được tổ chức rất trang trọng với rất nhiều nghi thức cầu kỳ. Trong đó vai trò của ông bà mối là vô cùng quan trọng, bởi tất cả các bước trong cưới xin đều được thể hiện bằng các bài hát. Khi đoàn nhà trai đến xin dâu, ông mối nhà trai phải hát một bài chào hỏi, trình bày lý do. Mối nhà gái đối lại, mời vào nhà. Thế rồi từ việc đưa lễ vật, đến mời nước, mời thuốc… đều có bài hát. Chỉ cần thông qua hệ thống các làn điệu dân ca trong đám cưới người Mông cũng giúp người ta thấy rõ nét văn hoá ứng xử của dân tộc này, đó là cách đối đãi chân thành, khiêm nhường và nhẫn nại. Nhưng rồi, cùng với việc đơn giản hoá các nghi lễ trong đám cưới thì ngày nay không mấy ai còn nhớ hết các bài hát xin dâu của người Mông nữa. Việc cưới xin cũng không được tổ chức trang trọng như xưa, rất nhiều gia đình đã coi việc dựng vợ gả chồng cho con cái như một cuộc mua bán. Tức là nếu nhà gái đòi lễ bao nhiêu thì sắm bằng đó lễ đem đến rồi đưa con dâu về, có khi cũng không tổ chức đám cưới nữa mà chỉ làm một bữa cơm nho nhỏ mời những người thân thích tới ăn là xong.

 

Từ thực tế trên có thể thấy, để quản lý DSVH các dân tộc hiệu quả, giữ gìn và phát huy vốn DSVH của đồng bào trong đời sống hiện nay như chủ trương của Đảng và nhà nước ta thì các ngành, các cấp cần có sự quan tâm đâu tư nhiều hơn nữa. Chỉ khi được đầu tư xứng đáng về con người và tiền của thì chúng ta mới có thể sưu tầm, lưu giữ một cách hệ thống các DSVH của từng dân tộc đã và đang có nguy cơ mai một. Và chỉ khi chúng ta sưu tầm và lưu giữ một cách hệ thống các DSVH của vùng đất này thì chúng ta mới có thể đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy những giá trị này, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, khôi phục lại các hoạt động văn hoá dân gian của đồng bào.

 

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để làm sao để bản thân mỗi dân tộc phải tự ý thức được những giá trị văn hoá của dân tộc mình để trân trọng, giữ gìn, lưu truyền cho lớp trẻ. Mà muốn làm được như thế thì công cuộc phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người phải được quan tâm làm tốt hơn nữa. Bởi khi đời sống của đồng bào quá khó khăn, nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống ngày càng nặng nề thì việc đơn giản hoá các lễ nghi trong đời sống tinh thần của đồng bào là tất yếu và như thế thì việc mất dần các giá trị văn hoá như hiện nay là điều không tránh khỏi.

 

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về giá trị các DSVH của các dân tộc. Bởi như chúng ta biết, chính việc nhận thức không đầy đủ của đội ngũ này mà một thời gian dài tất cả những gì thuộc về nếp sống cũ, phong tục, tập quán của đồng bào đều bị đánh đồng là lạc hậu, mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Vậy nên đáng lẽ phải có những biện pháp quản lý phù hợp thì chúng ta lại dùng biện pháp hành chính cấm đoán nên vốn văn hoá dân gian của đồng bào ngày càng trở nên nghèo nàn.

 

Từng bước khôi phục lại những lễ hội mang tính đặc trưng của vùng, từng dân tộc là việc làm cấp thiết. Bởi lễ hội chính là không gian để các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào tồn tại vào phát triển chứ không phải trên sân khấu hay qua các kỳ cuộc hội diễn mà chúng ta vẫn thường tổ chức hàng năm.

 


Hùng Hiền

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sắp hoàn tất các công trình phục vụ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008
Hôm qua 29.5, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 đã kiểm tra tiến độ thi công các công trình phục vụ cuộc thi. Cung trình diễn hoa hậu đã được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ, dàn ghế 7.500 chỗ đang được lắp đặt khẩn trương, giữa tháng 6.2008 sẽ lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang trí, sau đó vận hành thử nghiệm.
30/05/2008
"Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia"
Chiều 26.5, tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) 2008.
29/05/2008
Xây dựng Làng Văn hóa ở Xín Mần
(HGĐT)- Ông Hoàng Tiến Chủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần khẳng định: Sau nhiều năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã được đông đảo nhân dân trong huyện hưởng ứng.
28/05/2008
Phát huy và giữ gìn bản sắc đồng bào dân tộc Pu Y
(HGĐT)- Cộng đồng dân tộc Bố Y (Pu Y) gồm 3 ngành chính là Pầu Y, Pầu Nả và Pầu Thỉn. Giữa các ngành có sự phân biệt bởi một số nét thể hiện trong trang phục, tập quán và trên y phục người phụ nữ.
28/05/2008