Sân khấu năm 2007: Khan hiếm kịch bản, thiếu sự sáng tạo

14:42, 27/03/2008

Như tin đã đưa, trong quyết định Khen thưởng cho những kịch bản Sân khấu năm 2007 đạt chất lượng cao của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) vẫn trống giải A. Còn theo đánh giá của Hội, nếu không có Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc thì chắc chắn bức tranh toàn cảnh của sân khấu năm 2007 sẽ vẫn bình lặng như vài năm gần đây...


 
 Vở "Cung phi Điểm bích" - Giải A Giải thưởng SK 2007.
Kịch bản văn học: Thiếu và yếu

Theo thống kê của Hội NSSKVN con số tác giả viết kịch bản hằng năm lên tới 200 người, vậy mà năm 2007 ban sáng tác của Hội chỉ nhận được 85 kịch bản gửi về đăng ký xét thưởng. Trong đó: 64 tác phẩm kịch nói, 3 tuồng, 9 chèo, 2 ghi là sân khấu tổng hợp, 1 kịch xiếc, 1 rối, 4 cải lương, 1 dân ca...

Chưa nói đến chất lượng nhưng nhìn vào số lượng sáng tác này thì chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu dựng kịch bản của các đơn vị sân khấu hiện nay. Và rõ ràng nhìn vào đã thấy sân khấu kịch hát đang cực kì khan hiếm kịch bản văn học. 31 kịch bản lọt qua sơ khảo, 16 kịch bản được nhận giải thưởng và không có giải A. Phần lớn kịch bản viết về đề tài đương đại, cuộc sống hôm nay với nhiều góc độ khác nhau.

Trong đó, ký ức về chiến tranh, con người hậu chiến và con cái của những người lính với nữ thanh niên xung phong... vẫn là đề tài “trội” nhưng rất hiếm kịch bản có cách khai thác mới. Các đề tài khác như: Tham ô, tham nhũng, trọng án kinh tế, bè phái... cũng đã được đề cập nhưng cách phản ánh chung chung, số phận, tính cách không sắc nét, không điển hình.

Đáng mừng là về góc độ vở diễn nhờ có cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc của Cục NTBD tổ chức mà sân khấu bùng phát những điểm sáng có chất lượng. Các đạo diễn trẻ và nghệ sĩ trẻ đã chứng tỏ năng lực của mình và cả sự dũng cảm trong tìm tòi thử nghiệm về chất liệu kịch bản, phương pháp đạo diễn, phong cách diễn xuất và ca hát, về mô hình tổ chức và hoạt động... Đó là: Cung phi Điểm Bích, 270 gram (giải A), Dấu ấn giao thời, Trầu cau, Cái lò gạch cũ (giải B)...

Có một dấu ấn nữa là vở diễn cải lương thử nghiệm Kim Vân Kiều do NH Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức với sự kết hợp với các ngôn ngữ loại hình nghệ thuật khác, với số lượng nghệ sĩ hùng hậu nhất, giá vé cao nhất, người xem đông nhất. Nhưng đó chỉ là một cuộc chơi nghề ngắn, ấn tượng, còn tính phổ thông quảng bá rộng thì lại không có.

Thiếu sáng tạo, không phá cách

Thật là đáng tiếc khi những cái tên “anh cả” trong làng sân khấu như: NH Tuổi Trẻ, NH Kịch VN, NH Tuồng Trung ương, NH Chèo VN... lại vắng bóng trong giải thưởng của Hội. Nhìn vào những vở diễn của các đơn vị này trong năm 2007, phần lớn các vở chỉ là “để tồn tại” hơn là để vươn tới một chất lượng nghệ thuật cao, có tác dụng và hiệu quả lớn với xã hội. Vở diễn mới chỉ dừng ở một vở hài vui và còn quá nhiều chi tiết cười rất gượng.

Đời cười 7 của NH Tuổi Trẻ tuy đầy ắp những trò diễn, những tình tiết hài hước và đi thẳng vào đề tài nóng của xã hội là an toàn giao thông nhưng rõ ràng vẫn bộc lộ điểm yếu bởi khâu kịch bản thiếu sự lô gíc và dễ dãi trong một số tình tiết.

Rõ ràng so với những chương trình Đời cười trước thì còn cách xa về chất lượng. Khi xem xong vở Ngôi nhà đầm ấm không ít người đã đùa đây là một vở kịch mang tính sắp đặt bởi những chi tiết rất ngẫu hứng do tác giả và đạo diễn tạo ra khiến người xem không khỏi bật cười.

Có thể nói Ngôi nhà đầm ấm là điển hình cho phần lớn các vở diễn hiện nay. Sân khấu không có sáng tạo mới, không phá cách, kinh phí dựng không nhiều... nên giải pháp an toàn là quay về dựng theo kiểu truyền thống.

NSND Doãn Hoàng Giang – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSSKVN nói: “Nếu như chỉ bằng lòng như hiện tại mà không đòi hỏi và tự đòi hỏi để vượt lên thì bức tranh sân khấu sẽ tiếp tục thiếu vắng các mảng mầu vui, thiếu sự lấp lánh tự thân để làm sáng đèn nhà rạp mỗi đêm, nhằm đón người xem tri kỷ tiếp bước đồng hành”.


baovanhoa.vn

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh nhận hiện vật từ gia đình có công với nước
(HGĐT)- Vừa qua, tại thôn Séo Lủng 1, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hai khẩu súng và một số hiện vật khác do gia đình ông Ma Kháy Sò và ông Ma Kháy Dèn, trao tặng.
29/02/2008
Dự thảo quy chế về liên kết xuất bản: Tư nhân chịu trách nhiệm liên đới về vật chất nếu như bị xử lý
Dự thảo “Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản” đang được Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) gấp rút xây dựng.
28/02/2008
Phim hoạt hình VN: Cách tân để tồn tại
Phim có thời lượng dài, phim 3D là những cách tân thể hiện nỗ lực của đội ngũ những người làm phim hoạt hình VN trong việc tiếp cận với thị hiếu của người xem hôm nay. Những thể nghiệm ban đầu trong Ve vàng và dế lửa, Vào hang kiến... đã được ghi nhận.
26/03/2008
Tục “kéo vợ” của người Mông Hà Giang
(HGĐT)- Ở Hà Giang, người Mông có dân số đông nhất, với hơn 190.000 người, phân bố chủ yếu ở các huyện vùng cao phía Bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện phía Tây là Xín Mần và Hoàng Su Phì.
26/02/2008