Hội Lim đến hẹn lại lên
Mặc cho thời tiết giá lạnh và có mưa bay nhưng từ tờ mờ sáng, hàng nghìn khách thập phương nô nức đổ về huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh dự hội Lim diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng Giêng.
Liền chị hát quan họ. |
Hội Lim là một trong những lễ hội lớn được quan tâm nhất của xứ Kinh Bắc. Lễ hội diễn ra tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh, một trong những cái nôi của văn hoá dân gian với nhiều sự tích, truyền thuyết đặc sắc với hàng trăm lễ hội truyền thống.
Ngựa xe như nước…
Hội Lim năm nay khá đặc biệt so với nhiều năm. Khu không gian của lễ hội đã được mở rộng và nâng cấp đẹp hơn hẳn. Mặc dù thời tiết năm nay rét đậm, rét hại, trời có mưa bay nhưng không ngăn được dòng người đổ về đây ngày một đông. Du khách về Hội Lim năm nay tăng đột biến. Con đường quốc lộ 1A dẫn vào Hội bị tắc nghẽn vài km bởi dòng xe cộ từ các nơi đổ về trẩy hội.
Mở đầu lễ hội là đoàn rước gồm hơn 2.000 người tham gia, với những bộ trang phục truyền thống xứ Kinh Bắc duyên dáng và rực rỡ sắc màu. Đoàn rước xuất phát từ các đình, đền, chùa tại các làng như Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim... rồi cùng hội về đồi Lim, nơi có lăng và chùa Hồng Ân.
Những hoạt động được ưa thích nhất của Hội Lim vẫn là các làn điệu dân ca quan họ, “món ăn cổ truyền” của người dân xứ Kinh Bắc. Cùng với những bài quan họ được biểu diễn trên sân khấu, du khách còn được thưởng thức làn điệu mượt mà này theo thể thức hát trên du thuyền.
Tại một hồ nước nhỏ phía dưới chân đồi Lim, chiếc thuyền rồng sơn son thiếp vàng từ từ rời bến trong những câu hát ngọt ngào, nồng thắm duyên quê. Trên thuyền là những liền anh, liền chị cùng các em bé xúng xính trong những bộ váy áo tứ thân, khăn mỏ quạ... Du khách bị mê hoặc bởi giọng hát vang rền, nền, nảy, tình đến hút hồn của các liền anh, liền chị.
Các liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đã sẵn sàng “đến hẹn lại lên”, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người Quan họ.
Để thỏa mãn những du khách sành Quan họ, thích một không khí đầm ấm gia đình, hát đối đáp Quan họ cũng được tổ chức tại các gia đình nghệ nhân ở Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim).
Tại những địa điểm trên, ở đồi Lim hay trên thuyền, trong nhà du khách sẽ được thưởng thức hàng trăm làn điệu dân ca Quan họ thể hiện trong lối chơi đối đáp đạt tới trình độ nghệ thuật cao và là sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca nhạc họa nhằm bày tỏ tình yêu trai gái miền Quan họ với đầy đủ trạng thái, cung bậc trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với vạn vật, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống với sự thủy chung làm giá trị cao cả và lâu bền nhất.
Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham gia hát đối đáp, hát giao duyên với các nghệ sĩ chuyên nghiệp thông qua các “quán quan họ” hay gọi vui là “quán giao duyên”. Đây là những lều tranh được dựng lên trên sườn đồi. Mỗi lều tranh có một nhóm các liền anh, liền chị sẵn lòng cùng nhau hát những làn điệu quan họ tình tứ với những ai yêu mến Quan họ.
Chị Đỗ Huyền, du khách Hà Nội, hào hứng cho biết: “Mình vừa hát cùng các liền anh liền chị một bài. Thích lắm. Mặc dù không phải là dân của vùng quê quan họ nhưng mỗi khi nghe làn điệu dân ca này là mình cứ mê đắm”.
“Hôm nay sum họp trúc mai
Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”.
Còn đó những ...“hạt sạn”
Hòa cùng vào với “đặc sản” quan họ, du khách còn được tham gia những trò chơi dân gian như: thi đấu vật, chọi gà, đánh đu, chơi cờ người, bịt mắt bắt dê v.v...
Theo BTC lễ hội, năm nay sẽ không còn những cảnh ngả mũ, ngả nón nhận tiền nữa. Tuy nhiên, quan sát thực tế tại lễ hội, chúng tôi thấy điều đó chỉ đúng đối với khu vực tổ chức hội chính trên đồi Lim, còn cách đó không xa tiếng loa đài vẫn mời gọi du khách tham gia trò chơi điện tử, quay số, phi tiêu, ném bóng vào ống bơ… inh ỏi.
Mặc dù đã có lệnh cấm tất cả các trò đỏ đen, đánh bạc nhưng Hội Lim năm nay vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng này. Không ít sới bạc ngang nhiên chơi ngay trong khu vực tổ chức lễ hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành ngăn chặn, song do việc thực hiện chưa quyết liệt nên vẫn để các con bạc dụ dỗ, chèo kéo khách. Mỗi khi bị đuổi, những kẻ “khát bạc” này lại tìm được một vị trí mới để tiếp tục mồi chài và tổ chức sát phạt.
Các hình thức đỏ đen chủ yếu là xóc đĩa, đánh bài và có thêm một loại cờ bạc mới là úp xu. Đây là hình thức bạc bịp khá đơn giản nhưng không ít du khách vì hám lợi đã bị lừa đến cháy túi. Có người mỗi lần chơi bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng nhưng cuối cùng đều mất sạch vào tay các nhà cái. Bên cạnh đó tình trạng giá giữ xe không theo quy định, các quán hàng bán với giá quá đắt đỏ, nhất là các cửa hàng ăn, trong khi thực phẩm lại không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Khách đến một lễ hội văn hóa mà cứ ngơ ngẩn cay cú thua được, phiền lòng vì những điều không đáng ấy thì thật là điều đáng buồn cho một lễ hội mà từ lâu trong lòng rất nhiều người mỗi lần nhớ đến là thấy ngay cái lưu luyến của “người ở đừng về”.
Ý kiến bạn đọc