Dự thảo quy chế về liên kết xuất bản: Tư nhân chịu trách nhiệm liên đới về vật chất nếu như bị xử lý
Dự thảo “Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản” đang được Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) gấp rút xây dựng.
“Hiện, dự thảo này đã được soạn tới lần 10, dự kiến sẽ được ban hành trong quý II năm nay với nhiều điểm mới so với quy chế ban hành cách đây 9 năm “ - Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm (ảnh) cho Văn Hóa biết như vậy.
P.V: Thưa ông, hoạt động liên kết xuất bản đang ngày càng sôi động hơn đòi hỏi những quy định mới phù hợp, vậy nhưng quy chế lần này “chặt” hơn hay “thoáng” hơn so với trước đây?
- Ông Nguyễn Kiểm: Nhìn chung vẫn là “thoáng” hơn. Dự thảo quy chế quy định: Giám đốc NXB sau khi ký quyết định xuất bản ấn phẩm cho đối tác liên kết nào đó thì có quyền uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, không có quy định sau khi sách in xong phải nhập về kho NXB như trước đây- một điều không khả thi trong thực tế. Nhưng đồng thời dự thảo quy chế này lại có quy định chặt chẽ hơn.
Giám đốc NXB phải duyệt bản thảo bao gồm cả ruột và bìa sách. Điều này sẽ khắc phục thực trạng: ruột thì Giám đốc đọc, bìa Giám đốc không duyệt, cuối cùng khi “ra lò”, bìa sách “trưng” ra những minh hoạ, hình ảnh, thiết kế mỹ thuật... phản cảm. Một số tập thơ vừa qua đã bị thu hồi chỉ vì cái bìa!
Thực ra những quy định trước đây cũng đủ để điều chỉnh các hành vi nhưng người Việt mình vẫn có tâm lý bắt chữ bắt nghĩa “Cái này không có quy định thì tôi được làm. Bản thảo chỉ là ruột sách thôi chứ”. Thành ra, phải quy định rõ điều này để tránh hiện tượng “lách luật”.
Dự thảo quy chế cũng đã có hẳn một điều quy định rõ hơn về trách nhiệm của đối tác liên kết. Luật Xuất bản 2004 nói rõ hai bên có quyền và trách nhiệm về xuất bản phẩm. Trách nhiệm chính là NXB, nhưng bên liên kết chịu trách nhiệm liên đới.
Thế nhưng trách nhiệm liên đới như thế nào thì lần này sẽ được làm rõ. Anh phải chịu trách nhiệm liên đới về vật chất nếu như bị xử lý mặc dù Giám đốc, Tổng biên tập là người đọc, duyệt bản thảo. Tất nhiên mức độ bồi thường như thế nào do hai bên thoả thuận, bàn bạc theo các quy định của Bộ luật Dân sự.
Được biết, dự thảo có đề cập đến hợp đồng liên kết giữa NXB và đối tác. Liệu điều này có “thừa” khi mà hoạt động liên kết đã chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác như ý kiến của một số NXB?
- Qua hội thảo, chúng tôi thấy có hai quan điểm: 1. Không nên quy định điều này vì hợp đồng liên kết theo quy định pháp luật về hợp đồng kinh tế. 2. Phải đưa ra một hợp đồng mẫu, cứ thế các NXB rập khuôn làm.
Chúng tôi đều không nhất trí với 2 quan điểm trên. Bởi vì như thế rất cực đoan. Nếu hợp đồng mẫu mà có những phát sinh bên ngoài pháp luật thì sao? Chúng tôi chỉ đưa ra những nội dung chính để tuân thủ khi hai bên ký hợp đồng liên kết.
Ngoài nội dung chính, anh có thể thêm, bớt cụ thể tuỳ theo thực tế. Ví như có thể quy định nếu đưa chậm bản thảo bao nhiêu ngày thì chịu phạt. Hoặc ràng buộc khi anh không nộp đủ sách cho tôi để nộp lưu chiểu...
Hoặc ràng buộc với nhau bằng trách nhiệm vật chất, nếu cuốn sách không được phép phát hành, hay là về số lượng in... Anh mà in 1.000 bản thì chịu quản lý phí bằng này, nếu tái bản thì bằng bao nhiêu...vv... Tôi cho rằng, nếu như không đưa nội dung trên vào hợp đồng sẽ gây ra những tranh cãi không cần thiết.
Như vậy, quy chế chỉ nêu ra những vấn đề có tính nguyên tắc của hợp đồng?
- Đúng vậy. Đây là những quy định không thể thiếu, còn những ràng buộc khác, NXB và đối tác có thể bổ sung thêm. Nói chung đây là một quy chế cụ thể, rõ ràng để không ai hiểu theo kiểu này cũng được, kiểu kia cũng được.
Xin cảm ơn ông!