Khúc hát đón giao thừa nơi địa đầu Tổ quốc
(HGĐT)- Đêm giao thừa, chờ đón thời khắc thiêng liêng của sự giao hòa giữa trời và đất, người Pu Péo ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn có tập quán sinh hoạt nghệ thuật rất độc đáo là luyện dạy nghề và truyền nghề hát dân ca. Mỹ tục này đãduy trì sức sống mãnh liệt của dân ca và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Pu Péo - một trong các dân tộc đặc biệt ít người tại Việt Nam.
Dân tộc Pu Péo có khoảng 750 người, sinh sống phân tán trên rẻo biên giới Việt -Trung. Theo thống kê của tỉnh Hà Giang năm 2005, các huyện vùng cao núi đá tập trung đông nhất với 617 người, trong đó, gần 290 người sinh sống tại 5 xã và 1 thị trấn của huyện Đồng Văn, riêng xã Phố Là hiện có 107 người.
Theo chân ông Củng Chẩn Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Phố Là, chúng tôi đến nơi người Pu Péo ở đôngnhất. Ông Tráng là người Pu Péo đời thứ 8 lập nghiệp tại Phố Là. Điều khiến ông tự hào nhất là dân tộc Pu Péo dù rất ít người, lại ở xen kẽ với nhiều dân tộc, song kho tàng văn nghệ dân gian phong phú vẫn được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác.
Phố Là còn 2 nghệ nhân cao tuổi truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ là cụ bà Củng Ly Sử và cụ ông Củng Díu Lèng. Cụ Lèng năm nay 80 tuổi, đã yếu sức. Cụ bà Củng Ly Sử ở thôn Chúng Trải sẽ bước sang tuổi 89 vào mùa Xuân này, vừa ngồi sưởi lửa vừa lẩm nhẩm hát. Những bài hát đã nằm trong tâm trí cụ như viên ngọc quí ngậm trong lòng con trai ngọc, đã và đang được cụ truyền lại cho con cháu. Cụ Sử kể, luật tục từ nhiều đời nay, cứ vào đêm giao thừa, thanh niên nam nữ tụ họp tại nhà nghệ nhân để học hát. Nghệ nhân là cụ ông hoặc cụ bàtính tình đôn hậu, thời trẻ say mê ca hát, hát hay, hát giỏi. Tối 30 Tết, mọi việc nấu nướng cần thiết cho Tết đã xong, bánh chưng luộc đã rền, bánh gio vừa chín tới, gà lợn đã luộc xong đâu vào đấy, người đại diện cho trai gái làng có lời xin gia chủ cất tiếng hát cho con trẻ “nối tài người già” và để “giữ cái hay cái thơm của dân tộc mình”.
Không giống như hát giao duyên và hát đối đáp của nam nữ Pu Péo trong hội xuân bằng tiếng Quan hỏa rất thông dụng với nhiều dân tộc trong vùng, tất cả các bài hát nghi lễ, phong tục đều bằng tiếng Pu Péo. Nội dung các bài hát nói về nguồn gốc dân tộc, về cuộc di cư và hành trình bi thảm của người Pu Péo để đến được mảnh đất thiên nhiên khắc nghiệt nhưng nồng hậu tình nghĩa này, dạy cho con người ta biết cách ứng xử với nhau trong gia đình và cộng đồng. Tính chân thực của các sự kiện được bộc lộ rõ nét trong những lời văn và qua các địa danh rất cụ thể. Đây cũng là cách bảo tồn và giữ gìn tiếng Pu Péo trong sự đan xen ngôn ngữ của nhiều dân tộc chung sống trên cùng địa bàn.
Lớp trẻ chăm chú lắng nghe từng câu hát của nghệ nhân, kiên nhẫn và say mê nhắc lại cho đến khi thuộc lòng. Cuộc hát kéo dài đến gần giao thừa thì nghỉ chốc lát để “đón giọng gà”. Với quan niệm tiếng gà đêm giao thừa là tiếng gà quí vì nó là tín hiệu đón chào năm mới, đem may mắn đến cho con người, ai hát được át tiếng gà, thay bằng giọng hát của mình thì cả năm mới sẽ hát hay, sẽ hạnh phúc. Thanh niên Pu Péo đợi đúng lúc gà vỗ cánh gáy sang canh thì sẽ làm cho gà “tắc tiếng gáy” (thường là gây tiếng động mạnh khiến gà hoảng hốt không gáy nữa) và cất tiếng hát thay tiếng gà gáy chào năm mới:
“Năm mới, trời phương Đôngrực sáng
Trời phương Tây rực sáng
Trời phương Nam rực sáng
Trời phương Bắc rực sáng
Đâu đâu cũng phát Lộc, phát Tài
Đâu đâu cũng cầu mong Phúc,Thọ
Năm cũ đã qua
Năm mới tới rồi!
Năm mới, phát Tài mới
Năm mới, phát Lộc mới
Mở cửa ra! Mở cửa ra!”
Bài hát đón giao thừa tại vùng cao nguyên đá địa đầu Tổ quốc, người Pu Péo - những cư dân đầu tiên khai phá vùng núi non hiểm trở này - không chỉ dành riêng cho gia đình, làng bản mình. Trong thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới, họ không quên gửi những lời chúc tốt lành nhất đến muôn nhà.
Ý kiến bạn đọc