Đầu xuân nói chuyện cưới xin.
(HGĐT)- Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi, nẩy lộc, mùa của vạn vật sinh sôi… Cũng trong vòng quay của tự nhiên ấy, mùa xuân cũng là mùa của tình yêu đôi lứa. Với biết bao chàng trai, cô gái người Mông, người Tày, người Dao… đã nên vợ thành chồng trong những ngày đầu xuân ấm áp này.
Đám cưới đầu Xuân. |
Các dân tộc sinh sống ở Hà Giang đều có truyền thống từ lâu đời là tôn trọng hôn một vợ một chồng và quan niệm cái đẹp lứa đôi là khoẻ mạnh, chung thuỷ và chăm chỉ. Theo truyền thống việc cưới xin của các dân tộcHà Giang đã trở thành một nghi lễ thuần thục gồm 3 giai đoạn: Lễ dạm hỏi; lễ ăn hỏi; lễ cưới. Đặc biệt, trong hôn nhân của các dân tộc vùng này, vai trò của ông mối là vô cùng quan trọng. Những ông bà mối phải là những người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc, thông thạo các làn điệu dân ca, ăn nói khéo léo, thông minh có thể ứng xử các tình huống do bên nhà gái tạo ra.
Mỗi dân tộc đều có cách thức tiến hành lễ cưới khác nhau song điểm chung nhất đó là ngày hạnh phúc lứa đôi cũng là ngày vui của cộng đồng cùng sinh sống. Đây là dịp để anh em họ hàng, bạn bè gặp gỡ nhau. Là dịp để người già tìm gặp lại bạn cũ, để các chàng trai cô gái gặp gỡ, làm quen nhau…
Với số dân đông nhất tỉnh, lễ cưới của đồng bào Mông góp phần tạo nên sắc thái văn hoá riêng cho vùng đất này. Trong đám cưới người Mông thường phải có phù rể, người này sẽ thay cô dâu, cùng chú rể quỳ lạy tổ tiên nhà gái trước khi rước dâu về. Theo phong tục người Mông, người nhà gái không được đưa dâu đến nhà trai. Trên đường rước dâu về, dù xa hay gần cũng phải dừng lại giữa đường để ăn trưa và cúng thổ thần. Thức ăn do nhà gái chuẩn bị gồm 1 chai rượu, 1 gói cơm, 1con gà luộc. Đoàn đón dâu về đến nơi phải đứng ngoài cửa chờ chủ nhân đem con gà trống đến làm lễ nhập môn xong mới được vào nhà. Sau đó nhà trai tổ chức cuộc hát (heil khươr cxiêx) thâu đêm để mừng cô dâu mới.
Một trong những nét riêng trong hôn nhân của người Mông đó là tục kéo vợ hay còn gọi cướp vợ. Tục này trước đây diễn ra bởi nhiều lý do như: Đôi trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ của cô gái không đồng ý; con trai thích nhưng con gái không đồng ý; cũng có khi nhà trai dùng quyền thế để cướp con gái về cho con trai mình... Tuy nhiên, tục kéo vợ của người Mông đã chuyển sang một hướng tích cực hơn. Đó là kết quả của tình yêu tự nguyện, cuộc kéo vợ đều được đôi trai gái thoả thuận trước. Hành động kéo vợ bây giờ chỉ để khẳng định tình yêu mãnh liệt của thanh niên nam nữ Mông mà thôi.
Đám cưới người Tày, người Nùng ở Hà Giang được tiến hành long trọng theo nghi lễ cổ truyền. Đoàn đón dâu của người Tày có 8 người, trong đó có đôi quan làng, một nam, một nữ. Vai trò của ông quan làng trong lễ đón dâu là rất quan trọng, thường nhà trai phải chọn được người có uy tín, biết ăn nói, đối đáp bằng bằng hát cọi, yếu, quan làng... Quan làng là là một trong những phong tục độc đáo lâu đời của văn hoá Tày Nùng và cả ở người Giáy nữa. Hát quan làng làm say đắm lòng người từ người già đến người trẻ. Cùng với hát quan làng còn có các nghi thức khác như chăng dây, lên cửa, giải chiếu, mời rượu. Tập tục quà cho cô dâu, chú rể hoặc vải biếu để trả ơn công người nuôi dưỡng cũng được diễn ra trong đám cưới này.
Tục lệ cưới xin của người Dao bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp, mỗi nhóm lại có những nghi lễ khác nhau. Khác với người Mông, đoàn đưa dâu của người Dao Đỏ có cả bố, bác, chú, họ hàng thân thiết của cô dâu. ở người Pu Péo, đám cưới được tiến hành khá độc đáo. Trước khi đoàn đón dâu tới, nhà gái kê bàn đặt ngang cửa và mời rượu. Nhà gái, nhà trai đều cử ra người hát giỏi ra để đối đáp. Có những cuộc hát diễn ra 4-5 giờ đồng hồ, nhà gái mới mở cửa để nhà trai mang lễ vật vào dâng cúng tổ tiên. Ngày hôm sau, làm lễ tổ tiên xong, nhà trai mới được đón cô dâu về. Còn với người Pố Y thì chàng rể lại không đi đón dâu mà cô em gái sẽ dắt ngựa buộc bông đỏ đi thay. Cô dâu đem theo con gà mái, đến giữa đường thì thả vào rừng.
Tục lại mặt sau ngày cưới khá phổ biến ở các dân tộc Hà giang. Phần lớn người ta làm lễ lại mặt sau 3 ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều dân tộc, lễ lại mặt được tổ chức sớm hơn hặc muộn hơn. Như ở người Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ ở lại nhà chồng 1 đêm sau ngày cưới rồi về nhà mẹ đẻ dăm bữa nửa tháng. Có khi còn đến một năm, nhà trai mới lại sang đón về. Tập tục này còn có ở người Nùng song cô dâu thi thoảng vẫn về nhà chồng cho tới khi hai người có con mới về ở hẳn nhà chồng...
Dù tự nguyện hay bố mẹ lấy cho thì vợ chồng các dân tộc ít người ở Hà Giang đều thương yêu chăm sóc nhau tận tình từ lúc trẻ cho đến khi đầu bạc răng long.Chính vì vậy, trong lễ cưới bao giờ cũng có bước người già khuyên răn, dạy bảo đôi vợ chồng trẻ. Nói về bước này thì phải kể đến người Tày với hàng tập các bài hát quan làng mang giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc. Mỗi một nghi thức trong việc cưới xin của đồng bào đều mang một ý nghĩa sâu xa, dạy con người ta biết cách đối nhân xử thế. Không những thế, đám cưới của đồng bào các dân tộc Hà Giang chính là nơi lưu giữ, làm sống lại những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào một cách sinh động nhất. Người ta đến với đám cưới để diện những bộ váy áo mới nhất, để được gặp gỡ, chuyện trò, được giãi bày tâm sự qua các làn điệu dân ca mượt mà, say đắm.
Ngày xuân ấm áp về, cùng với việc vui xuân đón tết, người ta tính chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái với những nghi lễ truyền thống bao đời của cha ông để lại. Đó là vòng quay tự nhiên và cũng chính là khát vọng về một cuộc sống mới tươi đẹp hơn của đồng bào.
Ý kiến bạn đọc