Có gian lận trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN?

14:38, 28/12/2007
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về thông tin cô Trương Thị May - Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần I - không phải là người dân tộc Khơme, và chưa có bằng tốt nghiệp THPT.

 

Ngày 21.12 vừa qua tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần I, danh hiệu hoa hậu thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Nhung (21 tuổi, dân tộc Tày, đến từ Thái Nguyên), Á hậu 1 thuộc về Trương Thị May (19 tuổi, dân tộc Khơme, đến từ An Giang), Á hậu 2 là H'Rô Ni Buôn Ya (18 tuổi, dân tộc Êđê, đến từ tỉnh Đắk Lắk).

Sau khi cuộc thi kết thúc, ông Đỗ Việt Hoài (sinh năm 1955, hiện công tác tại Văn phòng 2, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam) đã gửi đơn đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục A25 Bộ Công an, các cơ quan báo chí... cho biết Á hậu 1 Trương Thị May không phải là người dân tộc Khơme và thậm chí còn chưa tốt nghiệp THPT. Trong đơn, ông Đỗ Việt Hoài viết: "Về trình độ văn hóa Trương Thị May không đủ điều kiện tham dự thi hoa hậu, vì May có gửi đơn dự thi Hoa hậu trang sức Việt Nam 2007 đề ngày 25.3.2007, trong đó mục trình độ văn hóa để trống. Với tư cách người tiếp nhận hồ sơ dự thi của thí sinh khu vực phía Nam, tôi đã yêu cầu May bổ sung bằng tốt nghiệp THPT, do không có bằng và mẹ của May (bà Trương Mỹ Tiền) đã đến gặp tôi và nhờ lo giúp bằng tốt nghiệp THPT, tôi đã từ chối. Trương Thị May không bổ sung đủ hồ sơ và bị loại trước vòng sơ khảo, mặc dù May đã có danh hiệu á hậu ở một cuộc thi trước đó. Như vậy ai đã cấp bằng tốt nghiệp THPT cho May để dự thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007?".

Cũng theo ông Hoài: "Khi nhận hồ sơ của May dự thi Hoa hậu trang sức Việt Nam 2007, tôi thấy May có vài tấm ảnh có điệu múa Khơme, tôi hỏi May người Khơme à? May và mẹ trả lời không phải, May là dân tộc Kinh". Ông Hoài đặt câu hỏi: Ai đã giúp May "biến" từ dân tộc Kinh thành dân tộc Khơme để từ đó đoạt danh hiệu Á hậu 1 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007?

Xác minh tại khu vực nơi Trương Thị May đăng ký hộ khẩu thường trú (6/5B Cầm Bá Thước, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chúng tôi được biết: Gia đình May từ Campuchia về quận Phú Nhuận sinh sống từ năm 1975. Theo lời khai trong sổ lưu trú của Công an phường 7 thì cả May lẫn mẹ mình (bà Trương Mỹ Tiền) đều là dân tộc Kinh (cha May đã mất, theo lời khai của bà Tiền).

Theo ông Đỗ Văn Thể, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, trước khi vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần I diễn ra, ngày 28.11.2007 toàn bộ hồ sơ của 52 thí sinh (vào vòng chung kết) được gửi cho Cục A25 (Bộ Công an) để đề nghị xác minh nhân thân của các thí sinh này. Đến ngày 21.12, Ban tổ chức cuộc thi nhận được văn bản trả lời, trong số những trường hợp chưa xác định được hộ khẩu (do chuyển chỗ ở), vài trường hợp chưa tốt nghiệp PTTH, hoặc đang đề nghị bổ sung hồ sơ... không có tên của cô Trương Thị May.

Ngoài ra, theo hồ sơ đăng ký tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần I, thì Trương Thị May có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT kỳ thi ngày 31.5.2006, được Sở GD-ĐT TP.HCM cấp ngày 15.9.2006.

UBND tỉnh Lâm Đồng đang đề nghị Sở Văn hóa - Thông tin (một trong hai đơn vị tổ chức) làm rõ những nghi vấn trên.


Thanh Niên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vài nét về người Phù Lá ở Hà Giang
(HGĐT)- Ở tỉnh ta, Phù Lá là một dân tộc có dân số ít, chỉ khoảng trên 600 người, chủ yếu sinh sống tại huyện Xín Mần và một số ít ở Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Theo một số nhà nghiên cứu thì người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù
28/11/2007
Bộ VH-TT-DL công bố 10 sự kiện nổi bật &5 tồn tại
24/12, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công bố 10 sự kiện nổi bật và 5 tồn tại của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2007.
25/12/2007
MTTQ Việt Nam chúc mừng giáo dân nhân dịp Giáng sinh
Chiều ngày 23.12, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã tới thăm, chúc mừng và tặng quà bà con giáo dân hai xứ đạo Kẻ Sặt và An Quý thuộc xã Trảng Liệt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nhân dịp Lễ Giáng sinh.
24/12/2007
Thích nghi để tồn tại
Kết nối, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa nhà sản xuất và các nhà thiết kế (NTK) chuyên nghiệp được đánh giá là thành quả lớn nhất của ngành thời trang VN trong năm 2007.
24/12/2007