Vài nét về người Phù Lá ở Hà Giang
(HGĐT)- Ở tỉnh ta, Phù Lá là một dân tộc có dân số ít, chỉ khoảng trên 600 người, chủ yếu sinh sống tại huyện Xín Mần và một số ít ở Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Theo một số nhà nghiên cứu thì người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù Lá đang sinh sống tại Hà Giang thuộc nhóm Pu La.
Người Phù Lá sống trên núi cao, thành các làng bản nhỏ. Mỗi làng, bản có 10-15 gia đình, sinh sống trong các ngôi nhà đất. Đó là loại nhà hai mái, tường được trình kiên cố nhưng hai hồi để trống. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, bên cạnh có cửa sổ giả, còn gọi là cửa sổ ma, rộng 15-20 cm, chỉ mở khi cúng. Người Phù Lá thường hay làm thêm nhà một ngôi nhà nhỏ, gọi là nhà phụ, dùng là nơi để lương thực và để tránh hoả hoạn. Tương tự như các dân tộc khác, hàng năm người Phù Lá có nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng từ Tết Nguyên Đán, lễ cúng thần rừng, tết tháng Bảy, tết cơm mới vào đầu tháng 10… cho đến những dịp đặc biệt theo chu trình đời người như cưới xin, đặt tên con, tang ma… Người Phù Lá tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu để dẫn đến hôn nhân. Của hồi môn của con gái về nhà chồng thường là những vật dụng cần thiết cho cuộc sống gia đình như: Bát đĩa, nồi niêu, chăn màn, thóc giống, gà, lợn giống…
Với nguồn lương thực chính là lúa và ngô, người Phù Lá ở Hà Giang rất chú trọng đến vai trò của ruộng bậc thang và nương định canh. Có thể nói người Phù Lá có trình độ canh tác khá tiến bộ.Trải qua quá trình lâu dài, người Phù Lá đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, thể hiện rõ trong hệ thống nông lịch của họ. Ví dụ, tháng Giêng: ăn tết năm mới. Tiếp tục phát và cuốc nương. Các lò rèn bắt đầu hoạt động để làm mới và sửa chữa nông cụ; tháng Hai: Cúng rừng. Thu rau cải muộn. Cày ải nương và ruộng; tháng Ba: Gieo tam giác mạch. Gieo lúa, ngô sớm trên nương. Trồng bầu bí… Ngoài ra, trong các gia đình người Phù Lá, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được quan tâm, vừa tạo thêm thu nhập và cũng dùng sức kéo cho sản xuất và vận chuyển hàng hoá.
Mặc dù không thật sự nổi bật song bộ trang phục của phụ nữ Phù Lá cũng có những nét duyên dáng riêng. Phụ nữ Phù Lá mặc áo ngắn, xẻ tà, cài cúc bên nách phải, kết hợp với quần. Nét độc đáo trong bộ trang phục Phù Lá thể hiện ở chiếc tạp dề hình lưỡi rìu, đeo phía trước ngực. Chiếc tạp dề này được trang trí hoa văn rất trang nhã bằng kỹ thuật thêu chỉ màu và ghép vải. Người ta thường thêu các hoa văn có hình hoa đào, hoa mận, hoa bầu, hoa bí... Ngoài ra, ở mép gấu, tà và cổ áo thường được ghép thêm vải màu xanh hoặc trắng, toạ những đường gờ nỏi bật. Phụ nữ Phù Lá bao giờ cũng tết tóc đuôi sam, trùm khăn nhỏ lên đầu cho gọn rồi mới vấn tóc ra ngoài.Bên ngoài vành tóc buộc mọt dải băng nhỏ có đính mũ bạc vừa để giữ tóc vừa dùng làm vật trang sức. Giống như phụ nữ các dân tộc vùng cao khác, phụ nữ Phù Lá rất ưa chuộng đồ trang sức bằng bạc.
Hiện nay, người Phù Lá vẫn giữ được vốn văn hoá dân gian của mình. Họ có một nền văn học truyền miệng khá phong phú. Truyện cổ của người Phù Lá có nội dung phổ biến là ca ngợi tình đoàn kết, điều thiện thắng điều ác. Câu tục ngữ “Một giọt nước không thành dòng nước lũ” của người Phù Lá đã nói lên sự cần thiết của đoàn kết… Tuy nhiên, dân số ít, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, người Phù Lá cần được quan tâm hỗ trợ về mọi mặt nhằm từng bước nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Ý kiến bạn đọc