Suối Cấm ở thôn Minh Hạ
(HGĐT)- Những con suối, dòng suối trước nay đều có tên riêng, thế nhưng ở khu vực hai thôn Minh Hạ, Minh Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang lại có một cái tên chung đó là suối cấm.
Thôn Minh Hạ có một bản quy ước riêng đó là: “Quy ước riêng về việc bảo vệ tài sản riêng của thôn Minh Hạ”. Bản “Quy ước riêng” này được nhân dân thôn Minh Hạ thống nhất và lập ra từ ngày 9.2.1992. Đến nay, đã qua 5 lần thay đổi trưởng thôn, bản “quy ước riêng” đó vẫn còn nguyên giá trị. Trong bản quy ước có rất nhiều điều cấm. Nhưng đáng chú ý nhất đó là điều “cấm dùng mìn nổ và thuốc độc đánh bắt cá tại suối ranh giới đội 1 và đội 2 và các dòng suối con chảy vào suối này”. Nếu hộ nào và bất cứ dân ở đâu đến, nếu dùng mìn nổ hoặc bắt cá trái phép thì phạt cảnh cáo lần đầu lấy 50 kg thóc làm chuẩn, nếu tái phạm lần 2, thì phạt gấp đôi. Riêng tại thôn Minh Hạ có khoảng 4.000m suối cấm, nếu tính cả hai thôn Minh Hạ và Minh Thượng thì có gần 8.000m suối cấm. Việc đánh bắt cá ở những khu vực suối cấm chỉ diễn ra mang tính cộng đồng. Có nghĩa là chỉ khi thôn có công việc gì lớn cần đến tiền, hoặc cần cá để ăn tập thể thì mới được đánh bắt cá. Thường thì một năm chỉ diễn ra đánh bắt cá tập thể khoảng 5-7 lần. Đặc biệt, vào khoảng thời gian tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10 (âm lịch), hai thời kỳ mà các loại cá suối sinh sản sẽ tuyệt đối không được tổ chức bắt cá. Mặc dù vào thời kỳ này, cá suối dủ nhau vào các vũng nước nông gần bờ rất đông thành từng đàn để sinh sản và rất dễ bắt, có thể dùng tay không cũng bắt được cá. Theo Trưởng thôn Minh Hạ, Xìn Văn Vần cho biết: Đã rất lâu rồi thôn Minh Hạ chưa phải xử phạt một ai vì vi phạm quy ước riêng của thôn.
Do được bảo vệ tốt và có hình thức đánh bắt hợp lý, nên cá ở những khu vực suối cấm rất nhiều, nhất là cá sứt mũi. Chứng kiến một buổi đánh, bắt cá tập thể của thôn Minh Hạ mới thực sự hiểu được ý nghĩa tốt đẹp từ mô hình suối cấm. Việc bắt cá ở suối cấm rất dễ ràng, với những dụng cụ thô sơ như súng bắn tên dưới nước, trài, lưới, khung cảnh buổi đánh bắt cá tập thể diễn ra thật vui, không còn đơn thuần chỉ là bắt cá mà như một ngày hội, một nét sinh hoạt văn hóa thấm đẫm tinh thần đoàn kết. Toàn bộ tiền bán cá đánh, bắt ở suối cấm đều được sung vào quỹ thôn. Hàng năm người dân thôn Minh Hạ không phải đóng góp thêm vào quỹ thôn nữa. Nguồn lợi về kinh tế từ việc đánh bắt cá tại các dòng suối cấm là không nhiều, tuy nhiên, những cái được khác từ mô hình suối cấm lại vô cùng lớn.
Thôn Minh Hạ có 47 hộ dân, với hai dân tộc Dao và Pà Thẻn. Hiện trong thôn không còn hộ đói, có 3 hộ nghèo, còn lại 44 hộ dân đều có mức sống từ trung bình đến khá, giàu. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 6 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập chủ yếu ở đây là từ cây lúa, cây chè, vườn rừng và chăn nuôi đại gia súc. Sự sung túc của thôn Minh Hạ được thể hiện rõ trên những cánh đồng lúa trĩu bông, những nương chè và những vạt rừng xanh ngát. Theo người dân Minh Hạ, đã từ rất lâu rồi ở đây không xảy ra lũ quét, hạn hán, mùa màng đều tốt tươi. Trong nhiều năm nay, ở thôn Minh Hạ không có trường hợp chặt phá rừng trái phép. Do hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, nên trong bản “quy ước về việc bảo vệ tài sản riêng của thôn Minh Hạ” từ năm 1992 đều nhấn mạnh đến các yếu tố bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ động thực vật như: Cấm phát rừng cấm, rừng khoanh nuôi, rừng đang tái sinh, rừng đầu nguồn nước; cấm không được trồng tre, cọ và các loại cây vào khu vực nguồn nước, rừng khoanh nuôi; cấm chôn mồ mả đầu nguồn nước, cấm thả rông gia súc phá hại cây cối, cấm đánh bắt cá. Thực tế cho thấy, bản “Quy ước riêng của thôn Minh Hạ” được lập ra hoàn toàn trên cơ sở của sự tập trung trí tuệ, sự thống nhất cao của tập thể thôn và một điều hết sức quan trọng đó là những vấn đề đưa ra trong bản quy ước đó đều dựa trên lợi ích bền vững của cả thôn. Chính vì vậy, bản quy ước đó mới có một sức sống mạnh mẽ đến vậy. Đây cũng là một bài học đáng quý để mỗi thôn, bản trong tỉnh học tập khi muốn xây dựng quy ước, hương ước riêng của thôn, của bản mình.
Thôn Minh Hạ, Minh Thượng của xã Tân Lập, chính là điểm sáng trong mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và cần được nhân rộng. Với một tỉnh có nhiều sông, suối, địa hình đồi núi có độ chia cắt mạnh, hàng năm tỉnh ta luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ quét, lũ ống có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, rất cần những mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường như thôn Minh Hạ. Từ bài học của thôn Minh Hạ, mỗi huyện, mỗi xã, mỗi thôn bản có thể nghiên cứu, học tập và áp dụng một cách hợp lý vào điều kiện thực tiễn của địa phương mình.
Ý kiến bạn đọc