Tre măng bó bờ, ấm bụi
Họ bảo nhau: “Cái máy móc của người Kinh tài thật! Đầu này bỏ củ măng tươi vào, đầu kia đã ra những miếng măng, sợi măng ngon quá!” Rồi họ ước: “Giá mà có tiền mua ăn thử thì tốt, nhưng chắc là đắt lắm! Chịu thôi!” Nào ngờ Giám đốc Lộc đứng gần đấy nghe được. Anh cười nói với bà con:
- Mẻ đầu tiên này tôi không bán đâu, chỉ biếu bà con ăn thử thôi. Ai đến đây bán măng tươi sẽ được Nhà máy biếu mỗi thứ một túi, về nấu ăn thử. Lần sau ai thích ăn thì phải mua. Bà con cứ chịu khó trồng nhiều măng tươi để bán cho Nhà máy thì sẽ có nhiều tiền.
- Trồng thật nhiều thì nhà máy có mua hết không? Có trả rẻ không? - Một chị người Mông hỏi giám đốc Lộc.
- Bà con yên tâm, bao nhiêu măng tươi chúng tôi cũng mua hết. Giá cả thì trả theo thoả thuận giữa hai bên - Giám đốc Lộc nói chắc.
- Thoả thuận là cái gì? -Một chị người Nùng hỏi.
- Nghĩa là bên bán thấy được mà bên mua cũng thấy được. Bên nào cũng có lợi mà không bên nào bị thiệt.
- Nếu thế thì tốt quá!
***
Nhìn theo đoàn người gồm đủ các dân tộc thiểu số: Mông, Tày, Dao, Nùng... gùi thồ măng tươi từ khắp các nẻo bản làng đến bán cho nhà máy,Lộc mừng và hi vọng lắm, bởi việc anh xây dựng nhà máy không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, mà trong tâm khảm anh còn muốn làm một việc gì đó trả nghĩa cho mảnh đất vùng cao phía Bắc này - mảnh đất đã cưu mang anh trong những ngày anh là người lính bảo vệ biên cương Tổ quốc; mảnh đất mang nặng nghĩa tình xuôi ngược mà suốt cuộc đời anh không thể nào quên được. Để xây dựng nhà máy này anh đã bỏ không ít công sức đi thực tế nghiên cứu đặc điểm khí hậu, các loại cây trồng, tập quán canh tác, khả năng phát triển vùng nguyên liệu... của vùng đất này nhằm lựa chọn phương thức đầu tư thích hợp và hiệu quả nhất. Bước đầu đạt được kết quả như thế này càng làm anh tin hơn ở sự lựa chọn đầu tư của mình.
Nhưng trong sản xuất kinh doanh quả là không đơn giản. Mặc dù đã lường trước rất nhiều tình huống rủi ro có thể xảy ra, song Lộc không ngờ nhà máy lại gặp một sự cố là thiếu nước trầm trọng. Đối với xưởng chế biến măng tre thì nước là vấn đề thiết yếu. Thế là nhà máy phải đóng cửa để đợi nước! Bà con trong vùng không biết được điều ấy, hàng ngày họ vẫn cứ thồ gùi măng tươi đến bán.
- Anh ạ. Thưa anh, ta có tiếp tục mua măng tươi không ạ? - Người trợ lý của Lộc điện thoại hỏi ý kiến sếp.
- Cứ mua chú ạ. Bao nhiêu cũng phải mua hết!
- Nhưng số nguyên liệu mua từ trước còn tồn nhiều lắm. Gần một phần ba đã thối rồi anh ạ.
- Vẫn tiếp tục mua. Tôi đã hứa với bà con rồi, không làm khác được đâu. Chú cứ cân hết măng tươi cho bà con, nhưng không được giảm giá đâu đấy. Cân xong trả tiền và biếu lại bà con số măng vừa mua. Thế nhá!
Người trợ lý định hỏi thêm điều gì, nhưng Lộc đã cúp máy. Anh thẫn thờ nói một mình:
- Cái ông này lạ thật. Làm ăn như thế thì có mà sập tiệm! Mà rõ khổ, đang lúc nước sôi lửa bỏng thế này sếp lại bỏ đi đâu không biết?
Giám đốc Lộc đi lo hai việc: Tìm cách khắc phục sự thiếu nước và kết hợp tìm nơi tiêu thụ số măng tươi thừa. Việc thứ hai không thành, vì nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu ở tỉnh bạn cố tình gây khó dễ, không mua. Nhưng việc thứ nhất thì có cơ thành công bằng một giải pháp tình thế. Anh rước về một giàn khoan cỡ lớn, khoan liên tục 10 ngày đêm, cuối cùng cũng lo đủ nước cho nhà máy hoạt độngtạm thời.
***
Ba năm sau.
Nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu ở tỉnh bạn có nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất, bèn cho người sang mua măng tươi ở khu vực Ngòi Lù. Nhưng họ không mua được cân nào, mặc dù đã trả giá cao hơn so với giá thu mua của giám đốc Lộc. Khi hỏi vì sao không bán, bà con hồn nhiên bảo:
- Dân bản mình chỉ thích người nói thật. Ông Lộc là một người nói thật nhất. Mình chỉ bán cho ông ấy thôi!
Nhìn đoàn người vui vẻ gùi, thồ măng tươi đến bán cho nhà máy, in bóng xuống làn nước trong xanh quanh con đập mới đắp,Giám đốc Lộc nở từng khúc ruột. Anh đưa mắt nhìn về rừng tre măng Bát Độ đang xanh tốt bời bời. Và anh nhận thấy: Cái giống tre măng này thật quý, khi đã bó bờ, ấm bụi thì cứ lên ầm ầm, không gì cản nổi...
Ý kiến bạn đọc