Nhạc dân gian hiện đại đang bế tắc?
Sau 4 năm đến với công chúng, dòng nhạc dân gian hiện đại dường như đang rơi vào bế tắc. Tình trạng khan hiếm ca khúc hay đã đẩy các ca sĩ tưởng chừng chỉ gắn bó với dòng nhạc này phải tìm hướng rẽ ngang.
Chất lượng đi xuống...?
4 năm, quãng thời gian quá ngắn ngủi so với bước đi của một dòng nhạc, nhưng những gì các ca khúc âm hưởng dân gian hiện đại mang đến cho người nghe nhạc cả nước lại khá lớn.
Khi nghe Ngọc Khuê lần đầu tiên hát Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, hai trong số những ca khúc đầu tiên của dòng nhạc này được khán giả biết đến, nhiều người chỉ thấy tò mò vì chất lạ lạ của nó. Không nhiều người thích chúng ngay từ lúc đó.
Nhưng chính những âm hưởng dân gian như ca trù, chèo, tuồng, quan họ… trong giai điệu cũng như những hình ảnh quen thuộc của con gà trống gáy, con đê, bờ ao, con chuồn chuồn, cánh bèo tây,… chứa trong mỗi bài hát dần dần đã nhắc nhở hồi ức về quê hương quen thuộc trong tâm trí người nghe. Bài hát cứ thấm vào lòng từ lúc nào không hay.
Cộng vào đó là bản thân sự mới lạ của dòng nhạc này, càng tạo nên sự thu hút với người nghe. Cái mới, cái lạ là đòi hỏi mà người nghe nhạc luôn đặt ra, dòng nhạc nào làm được việc đó sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Nhưng nếu cái mới mà quá lạ sẽ mất rất nhiều thời gian để khẳng định mình. Dòng nhạc này hấp dẫn bởi ở nó có chất hiện đại của nhạc phương Tây, kết hợp với chất dân gian của nhạc Việt tạo nên một âm hưởng vừa cũ, đủ để quen thuộc với khán giả, nhưng cũng vừa mới lạ để tạo hứng thú.
Để có những gì ra mắt công chúng trong 4 năm qua, các nhạc sĩ của dòng nhạc này đã như con tằm rút ruột nhả tơ trong khi thời gian là cần thiết với tất cả những người sáng tác. Họ dần đuối sức và không bứt lên được khỏi những gì mình đã viết.
Có thể nói, thời điểm hiện tại chính là thời điểm đi xuống nhất của dòng nhạc dân gian hiện đại. Trào lưu sáng tác theo phong cách này cũng đã có thêm rất nhiều nhạc sĩ tham gia nhưng họ vẫn chưa thật sự gây được ấn tượng bằng những tên tuổi cũ: Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến. Đây là 3 người có công khai phá và phát triển dòng nhạc này.
Còn cá tính còn sự chờ đợi...?
Nếu lần đầu tiên ra mắt khán giả Bên bờ ao nhà mình mà không phải là Ngọc Khuê và không phải là cách thể hiện đó thì chưa chắc dòng nhạc dân gian hiện đại từ đó lại được nhiều người đón nhận như thế.
Ca khúc hay dòng nhạc nào đó muốn có được sức sống trong lòng khán giả thì trước hết, hãy tính công đầu cho người ca sĩ đã đem nó tới công chúng trước nhất. Họ chính là người nắm trong tay vận mệnh ca khúc. Nếu ngày ấy Ngọc Khuê hát Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt,… bằng giọng thật chứ không phải giả thanh thì liệu sau đó chúng có là những bài "hit" không?
Và nếu không có một Tùng Dương thì liệu sự ma mị và quai quái của dòng nhạc này có được làm toát lên không? Liệu không có những sự dấn thân đôi khi liều lĩnh vào các ca khúc thì khán giả có thấy được tính đa chiều, diện mạo luôn bí ẩn và độc đáo của dòng nhạc này không?
Sức hút của dòng nhạc này với công chúng, rõ ràng, còn nhờ những cá tính âm nhạc lớn và độc đáo của các ca sĩ thuộc dòng này. Không biết cá tính đó có trước hay có sau khi đến với thể loại nhạc này. Nhưng những gì họ trình diễn đã mang lại một lượng công chúng đông đảo cho dòng nhạc cũng như cho chính tên tuổi của họ.
Nhưng có cá tính để thu hút mà không có tác phẩm thể hiện cá tính đó thì liệu sự dõi theo của khán giả cho dòng nhạc này được bao lâu nữa? Ngọc Khuê, Tùng Dương, Vương Dung - những cá tính âm nhạc lớn, những người mang lại diện mạo cho dòng nhạc này rồi sẽ đi về đâu trong tình trạng bế tắc ca khúc của nó như hiện nay? Liệu họ còn có thể tạo được sức hút cho dòng nhạc này như những gì họ đã làm trong thời gian qua?
Ý kiến bạn đọc