Người Bố Y với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

09:55, 25/07/2007

(HGĐT)- Bố Y là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của tỉnh ta. Mặc dù dân số ít, chưa đến 1000 người nhưng cho đến nay, dân tộc này vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo.


Xuất phát từ các tỉnh Quý Châu và Vân Nam (Trung Quốc), người Bố Y vào Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 19. Đây cũng là thời điểm dân tộc này vào Hà Giang, định cư tại các vùng đất Đồng Văn, Quản Bạ... Họ sống thành từng làng, có từ 10 đến 15 nóc nhà, xen kẽ với các dân tộc khác. Người Bố Y chủ yếu ở nhà trình tường bằng đất, lợp ngói. Là một dân tộc cần cù, chịu khó, có kỹ thuật canh tác khá cao do đó làng xóm người Bố Y rất trù phú. Nhà của họ phía trước là ruộng, nương, vườn tược, phía sau là rừng cây tươi tốt quanh năm. Nhà nào cũng có một vài con trâu, con bò làm sức kéo, vài cái ao để cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Bên cạnh đời sống vật chất tương đối ổn định, người Bố Y còn có những nét văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp.

 

Gia đình người Bố Y là gia đình phụ quyền. Sống dưới một mái nhà có tới 3 thế hệ nhưng bao giờ bữa cơm cũng cả nhà một mâm. Hôn nhân một vợ một chồng luôn được đồng bào duy trì và tôn trọng. Phong tục cưới xin của đồng bào cũng có những nét riêng, độc đáo. Sau khi bà mối bày tỏ nguyện vọng của nhà trai và được nhà gái chấp thuận thì đem lá số cô gái về nhờ thấy cúng so tuổi. Được tuổi thì đem lễ vật đến trả lá số và xin được ăn hỏi. Nhà gái khi đưa lá số con gái mình thường gửi 10 quả trứng gà nhuộm màu đỏ tỏ lòng quý mên chàng rể tương lai. Khi cô dâu về nhà chồng thì mang theo một chiếc kéo để tỏ rõ bổn phận của người phụ nư đảm đang biết may vá, thêu thùa... và một con gà mái nhỏ, đến giữa đường thì thả gà vào rừng. Đặc biệt, chú rể sẽ không có mặt trong đoàn đón dâu và em gái chú rể sẽ dắt theo một con ngựa đẹp mã để rước chị dâu về. Đối với người Bố Y thì dù là ngày xưa hay ngày nay vai trò của ông mối trong hôn nhân cũng rất được coi trọng. Đó là người có uy tín, thông hiểu lễ nghĩa, biết đối đáp bằng các điệu hát... Cùng với nghi lễ trong cưới xin, các nghi lễ trong tang ma được đồng bào thực hiện rất trang trọng, nghiêm túc. Người Bố Y chỉ cúng một giỗ đầu. Thời kỳ tang chế là ba năm, con trai không được uống rượu, con gái không được mang đồ trang sức, đoạn tang mới được tính chuyên cưới xin. Người Bố Y quan niệm con người có 36 hồn. Hồn có hai dạng, hồn khôn và hồn dại. Hồn khôn thì phù hộ con cái sức khỏe, làm ăn tấn tới... còn hồn dại chỉ làm hại người ta.Người Bố Y cũng như các dân tộc anh em khác trong vùng, hàng năm đều có các lễ tết như: Tết Nguyên đán (Đân chinh), rằm tháng giêng ( síp hả), tết đoan ngọ (Toản vù), tết cơm mới... Trong những dịp nay, đồng bào thường làm xôi nếp nhuộm đỏ, làm bánh dày, bánh chưng, bánh chay... để cúng tổ tiên, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu...

 

Khi nói đến bản sắc riêng của dân tộc này chúng ta không thể không nói đến bộ trang phục của người phụ nữ. Phụ nữ Bố Y xưa mặc váy xòe như phụ nữ Mông Hoa. Hoa văn trên váy là nền trắng của vải được giữ lại khi nhuộm chàm, tạo nên các nét hoa văn kẻ tự nhiên, sinh động. Đi đôi với chiếc váy xòe là chiếc áo ngắn năm thân. Đồng bộ với váy áo là một chiếc xiêm dùng để che trước ngực và thả dài tới ngang đầu gối. Phụ nữ Bố Y đội khăn bằng một tấm vải chàm hẹp, dài, chít thành hình chữ nhân trước chán. Có thể nói bộ trang phụ truyền thống của phụ nữ Bố Y vẫn giữ được những nét hoa văn riêng biệt của dân tộc mình. Qua bàn tay khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ, bộ váy áo được thêu thùa, trang trí các hoa văn hình kỷ hà, hình tròn, thập ngoặc... một cách hài hòa trên nền vải chàm nền nã, thể hiện được tư duy thẩm mỹ của đồng bào.

 

Hiện nay, cùng với xu thế chung đó là hội nhập cho dù đó là vùng miền, khu vực hay quốc tế, các dân tộc ít người trong quá trình phát triển, không tránh khỏi việc hòa đồng văn hóa của mình với các dân tộc khác một cách tự nhiên và tự nguyện. Chính vì vậy, việc mai một dần vốn văn hóa truyền thống là điều không tránh khỏi. Dân tộc Bố Y cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua trang phục cũng như việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc này. Mặc dù vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ song ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày chủ yếu của họ lại là tiếng Nùng. Bộ trang phục truyền thống của nữ giới cũng bị cải biến giống bộ nữ phục của người Nùng, đó là quần ống rộng , áo lửng năm thân kết hợp với chiếc xiêm khâu chiết. Bên cạnh đó, do dân số ít lại sớm tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc trong vùng nên vốn văn hóa dân gian của dân tộc Bố Y như truyện cổ tích, thân thoại... đã bị mai một dần.

 

Trước thực tế đó, để giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc Bố Y, các ngành chức năng cần có những nghiên cứu, sưu tầm về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc này khi chưa quá muộn, nhất là về hệ thống ngôn ngữ. Đồng thời phát huy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục truyền thống, vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên người Bố Y. Bởi đây chính là thế hệ sẽ quyết định bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y trong tương lai.

 

Mặc dù vốn văn hóa truyền thống ít nhiều bị hòa đồng với các dân tộc trong vùng song khi tiếp xúc với đồng bào chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra những nét riêng của dân tộc này trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong những lễ nghi quan trọng của đời người. Với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đức tính cần cù, thông minh, người dân Bố Y đang từng bước vươn lên, xóa đói nghèo, xây dựng làng bản sạch đẹp, khang trang, tạo điều kiện chấn hưng vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.


Yến Khanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Biểu diễn nghệ thuật biểu dương phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
(HGĐT)- Hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 2007) và chào mừng Hội nghị biểu dương những gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu của tỉnh, tối 25.6, UBND huyện Quản Bạ đã tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật.
27/06/2007
Đêm chung kết Giải Sao Mai sẽ diễn ra vào 15-7
Đêm chung kết liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, Giải Sao Mai, sẽ diễn ra vào tối 15-7 tới với sự so tài của chín thí sinh đại diện cho ba phong cách âm nhạc tại Hòn Ngọc Việt, Nha Trang, Khánh Hoà.
26/06/2007
Xuất bản bộ sách lớn nhất về văn hoá Thăng Long - Hà Nội
Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, bộ sách lớn nhất từ trước tới nay về lịch sử - văn hoá Thăng Long sẽ được ra mắt vào ngày 30-6 tại Nhà Hát lớn Hà Nội sau gần 5 năm chuẩn bị.
26/06/2007
Sở VH-TT triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007
(HGĐT)- Ngày 23.7, Sở VH-TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác văn hóa thông tin 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007. Đồng chí Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
23/07/2007