Lòng tin

15:45, 27/07/2007

Đang say sưa ngắm những con đường mới mở và bản hạ sơn của miền Cao nguyên đá, San bỗng giật mình vì tiếng hô to như quát của chàng phụ xe:

- Ai xuống Pả Lý thì đi dần ra cửa xe nhá!


Pả Lý, một cái tên quá đỗi thân quen đối với San từ cả chục năm qua - nơi chàng thanh niên đồng bằng đã từng theo học ở mái trường sư phạm rẻo cao của huyện vùng cao núi đá này đằng đẵng suốt ba năm gian khổ. San nhớ nhất là những cơn đói và cái rét kinh người mỗi khi mùa đông đến với nơi này. Ngày ấy Pả Lý là một xã ngoại ô của huyện lỵ, nhưng nghèo đến xác xơ. Trường Sư phạm rẻo cao 9+3 của huyện đặt tại trung tâm xã. Gọi là “trường” nhưng chỉ có vài dãy nhà chình tường lợp cỏ ranh, bên trong là những bàn ghế sơ sài, với hơn trăm học sinh của nhiều dân tộc khác nhau, chủ yếu là người Mông, người Dao và người Xuồng. San là người Kinh, quê ở tận dưới xuôi, được người cô họ làm mậu dịch viên của Cửa hàng lương thực huyện xin cho lên trên này học sư phạm, vì cô thương cảnh nhà San ở dưới xuôi quá nghèo - cái nghèo của một gia đình đông con, ít ruộng, trong khi ở trên này Trường Sư phạm 9+3 lại đang thiếu học sinh nhập học.

San ngỡ ngàng trước sự đổi thay quá nhanh của vùng quê này. Núi đá hình như thấp xuống, đỡ xám lạnh hơn, có nhiều mầu xanh hơn. Có một thứ cây gì trông như cỏ, lá to xanh mướt, trải rộng khắp các triền đồi khô cằn. San hỏi mấy người phụ nữ Mông đang mài củ dong giềng lấy bột trước cửa nhà ở bản hạ sơn mới biết đó là cỏ Goa-tê-ma-la được bà con đưa vào trồng để chăn nuôi bò hàng hoá. Trung tâm xã Pả Lý bây giờ trông như một thị tứ. Đường rộng và trải nhựa, có cả cột đèn chiếu sáng ở trục đường chính. Ngôi trường San học trước kia bây giờ là Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Các huyện vùng cao hiện nay không còn trường sư phạm rẻo cao nữa. Việc đào tạo giáo viên sư phạm tập trung về Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh hoặc các trường đại học ở Thái Nguyên và Hà Nội. Dân cư đến sinh sống và buôn bán tại trung tâm xã khá đông. Các cửa hàng rất nhiều hàng hoá, đủ cả hàng miền xuôi, miền ngược. San tạt vào một sạp hàng mua quà và hỏi đường về nhà bà Mùa.

Bà Mùa đang nấu một nồi rượu nếp từ men lá cho mấy khách hàng quen bỗng nghe tiếng chó sủa ran. Bà lọ mọ rụt bớt lửa, chống gối đứng dậy bước ra cửa. Vừa kéo vạt áo lau đôi mắt lèm nhèm vì khói bụi, bà vừa hỏi:

- Ai đấy? Cứ đẩy cửa mà vào, chó xích rồi!

- Cháu chào bà ạ - San bước vào. Trên tay cậu ta cầm gói quà khá to. Sau khi nhìn đăm đăm bà Mùa từ đầu đến chân, San hỏi:

- Bà còn nhớ cháu không?

- Tôi chả nhận ra ai. Cậu vào nhà đi!

Bà Mùa lật đật pha nước chè. San vội giành lấy:

- Bà để cháu pha cho.

- ừ, cậu pha giúp để tôi còn trông nồi rượu.

- Chè gì mà ngon thế bà? - San hỏi.

- Chè Lũng Phìn đấy. Có cô giáo dạy học dưới Lũng Phìn mới gửi biếu.

Bà Mùa phủi tay bước ra bàn uống nước. Mắt thỉnh thoảng lại hướng về phía nồi rượu. Những giọt rượu thơm lựng chậm rãi nhỏ vào chiếc hũ sành. Bà Mùa nói như giải thích:

- Có mấy vị khách từ miền Nam ra thăm Cột cờ Lũng Cú, thích loại rượu này hỏi mua, khách hàng quen của tôi lại đến đặt nấu. Kể cũng lạ thật, bây giờ đầy rượu Tây, rượu Tầu mà vẫn có người thích rượu men lá vùng cao mới hay chứ.

- Rượu men lá huyện mình là một đặc sản đấy bà ạ. Rượu Tây, rượu Tầu thì ở đâu cũng có, nhưng rượu đặc sản thì không phải chỗ nào cũng mua được. - San giải thích.

- Cậu nói giống cán bộ văn hoá huyện nhỉ. Hôm vừa rồi đến đây mua rượu anh ta cũng nói y như vậy. Nhưng cậu là ai nhỉ? Nói chuyện từ nãy đến giờ mà tôi vẫn chưa nhận ra!

- Cháu là thằng San, học sinh cũ của Trường Sư phạm 9+3 huyện mình, là đứa…

Bà Mùa vội phẩy tay:

- A, tôi nhớ ra cậu rồi. Cậu là một trong bẩy đứa còn nợ tiền ăn ở quán bà già này từ bẩy năm về trước, đúng không?

Mặt San đỏ lựng lên. Lát sau cậu thẽ thọt:

- Vâng, chính là cháu. Hôm nay cháu đến xin lỗi bà và trả lại bà số tiền còn nợ ngày ấy.

- Cậu chỉ vẽ! Mấy chục ngàn bạc đáng gì. Bà coi như cho các cháu. Bà chỉ có một mình ăn tiêu có đáng là bao.

- Không được đâu bà ạ. Đó là tiền mồ hôi công sức của bà. Hồi ấy chúng cháu vì khó khăn, lại trót tiêu quá tay nên không có tiền trả bà, về gia đình thấy bố mẹ nghèo chẳng dám xin thêm, đành trốn nợ.

- Thì bà cũng có nói gì đâu. Ngày ấy bà chỉ nghĩ rằng, bây giờ chúng nó chưa có tiền thì nợ lại, sau này đến lúc kiếm được đồng lương chúng sẽ trả thôi. Bà luôn tin như thế. Nhưng đến giờ này mới chỉ có cháu về thăm bà và xin trả nợ, còn sáu đứa kia chắc vẫn chưa có tiền, hoặc ở xa quá cũng nên. Đôi mắt kèm nhèm của bà Mùa nheo lại và ánh lên một niềm tin.

Bà Mùa là giáo viên dạy cấp một từ những năm 70 của Thế kỷ trước. Bà đã từng có chồng và một con trai. Nhưng cuộc đời bà thật bất hạnh khi ngôi nhà của bà bị cơn lũ quét cuốn đi trong lúc bà đang ở trường. Đứa con trai bà đang tuổi chăn bò bị lũ bùn vùi lấp ba ngày mới tìm thấy xác. Người chồng bà may mắn thoát chết, nhưng bị gẫy xương sống nằm liệt! Nỗi đau khôn cùng đã quật ngã bà. Nhưng bà vẫn gắng sống để chăm sóc người chồng tàn phế. Bà xin nghỉ dạy học để lo việc nhà, vậy mà người chồng cũng bỏ bà đi theo con trai chỉ sau đó hai năm! Bà Mùa như hoá điên, hoá dại. Nhưng thời gian quả là một phép mầu. Mọi nỗi đau rồi cũng dần vơi đi. Bà Mùa vẫn gắng sống và tìm lấy niềm vui bằng việc mở quán quà bánh phục vụ học sinh Trường Sư phạm rẻo cao. Bà thuê người dựng chiếc quán nhỏ trên mảnh đất gần trường mà bà dành dụm mua được từ những năm trước. Bánh ở quán bà vừa rẻ vừa ngon lại hay bán chịu nên học sinh đến ăn khá đông. San là một trong những đứa hay ra quán ăn bánh chịu của bà. Khi xong khoá học, nó không còn tiền để trả, đành trốn nợ.

Thông thường, đối với các quán khác, nếu học sinh trước khi ra trường mà nợ nần thì chủ quán thường đến Ban giám hiệu nhà trường nhờ thu nợ hộ, hoặc giữ lại một thứ giấy tờ nào đó làm vật “thế chấp”. Nhưng bà Mùa thì không làm như vậy. Bà chỉ nói với những đứa học sinh nợ tiền: “ Nếu có tiền thì các cháu phải trả cho bà, còn nếu thực sự hết tiền thì trả sau cũng được”. Mọi người doạ bà rằng, chúng nó ra trường đi dạy học khắp nơi làm gì có đứa nào quay lại trả nợ. Nhưng bà vẫn khăng khăng: “Thể nào cũng có đứa quay trở lại. Tôi tin là thế”.

Hôm nay thằng San quay trở lại làm bà Mùa vui lắm. Bà vui không phải vì đòi được nợ mà cái chính là vì lòng tin của bà đã thành hiện thực. Trong số bẩy đứa nợ tiền bà hồi ấy, ít ra đã có một đứa trở lại. Tự nhiên bà thấy thằng San giống như đứa con đẻ của mình. Bà nhìn nó chăm chăm. Trước mắt bà không phải San mà là gương mặt của thằng Páo - đứa con trai thương yêu đã mất. Bà nhào đến ôm lấy Páo, miệng bà méo xệch:

- Con trai mẹ đấy ư? Sao con đi mãi bây giờ mới về với mẹ? Mẹ nhớ con nhiều lắm, con có biết không?

Nước mắt bà Mùa thấm ướt vai áo San. Giọt nước mắt của người phụ nữ mất hết chồng con, sống trong sự cô đơn còm cõi, bỗng trở nên thiêng liêng, hoá thành nỗi xúc động dâng trào trong lòng người giáo viên trẻ. San ôm tấm lưng gầy guộc của bà Mùa mà cứ ngỡ đang ôm người mẹ ruột thịt. Như có điều gì xui khiến, San cất giọng nghẹn ngào:

- Vâng… Mẹ ơi, con đây!… Con của mẹ đã về với mẹ đây này!

Bà Mùa đưa đôi tay xương xẩu sờ nắn khắp người Páo. Mắt bà sáng lên lấp lánh, chiếc miệng móm mém cười rất tươi:

- Con trai mẹ đã lớn thế này rồi ư? Khoẻ mạnh thế này rồi ư? Con của mẹ sắp lấy vợ được rồi. Mẹ hỏi vợ cho con nhá!

Bà Mùa chợt buông San ra. Bà lùi lại nhìn San và lắc đầu:

- Không phải. Không phải con của mẹ. Thằng Páo còn bé chứ không lớn như thế này. Nhưng không, vẫn đúng là nó, là thằng Páo. Con phải lớn lên chứ, đúng không Páo?

Bà Mùa vừa khóc, vừa cười khiến San hoảng hồn. Cậu vội ômlấy bà Mùa để an ủi. Trong giây phút ấy San bỗng thấy có một thứ tình cảm gì đó rất đặc biệt, giống như tình mẹ con, đang dạt dào cuộn sóng nơi sâu thẳm cõi lòng. San nói trong nước mắt:

- Mẹ ơi, con không phải là Páo của mẹ đâu. Nhưng con vẫn là con của mẹ. Vẫn là con mà, mẹ hiểu không?

Bà Mùa sực tỉnh. Bà đẩy vai San ra, nhìn kỹ cậu ta một lần nữa, rồi ngỡ ngàng hỏi:

- Thật sao? Cậu nhận làm con trai ta thật sao?

- Thật mẹ ạ. Con xin được làm con của mẹ!

Bà Mùa quỳ xuống đất, rồi ngửa mặt lên trời vái lạy:

- Ông Trời ơi! Ông thật ác khi cướp chồng, cướp con tôi đi. Nhưng ông cũng thật tốt khi biết ân hận mang cho tôi đứa con trai mới này. Xin đa tạ Cao Xanh, đa tạ đất trời! - Lạy xong bà quay về phía San, nói như reo:

- Mẹ sung sướng quá con ơi! Tuy mẹ mất thằng Páo nhưng ông Trời lại đem cho mẹ đứa con trai này. Con có nhận mẹ thật không?

San cảm động không nói nên lời. Cậu ta chỉ biết gật gật và rụi mái đầu tươi xanh vào khuôn ngực lép kẹp, già nua của bà Mùa. San khóc như một đứa trẻ đang làm nũng mẹ.

Bà Mùa bảo San:

- Thôi nào con, nín đi! Nếu con không chê mẹ nghèo, nhận làm con mẹ thật thì hãy đứng lên cùng mẹ đến thắp hương trước bàn thờ tổ tiên để làm lễ nhận mẹ, nhận con.

Trong khói hương nghi ngút, hai mẹ con bà Mùa hứa trước tiên tổ sẽ coi nhau như ruột thịt đến trọn cuộc đời.

Lễ kết nghĩa mẹ con của bà Mùa và San chỉ đơn giản có vậy, nhưng đó là một sự kiện lớn trong đời của hai con người. Từ nay họ sẽ là mẹ con, sẽ yêu thương gắn bó với nhau, có trách nhiệm với nhau, vui buồn, sướng khổ cùng nhau, động viên nhau trong cuộc sống hàng ngày…

Đêm ấy San kể cho mẹ nuôi nghe quãng thời gian từ khi rời mái Trường Sư phạm rẻo cao 9+3 đến giờ. Bà Mùa ngồi nghe chăm chú như đang xem một cuốn phim chiếu nhanh trên ti vi. Khi ra trường, thoạt đầu San nhận được quyết định phân công của phòng giáo dục về dạy ở một trường tiểu học cách Pả Lý chỉ nửa ngày đi bộ. Nhưng vài ngày sau chẳng biết vì lý do gì San lại có quyết định đổi về dạy ở một trường tiểu học thuộc xã vùng sâu, xa và khó khăn nhất của huyện núi đá biên giới này. Suốt ba năm gắn bó với nơi gian khổ San chẳng hề kêu ca, cũng không có ý định xin chuyển vùng, bởi San rất ngại xin xỏ, chạy chọt! San nghĩ, tuy dạy ở nơi sâu xa có nhiều khó khăn vất vả, nhưng bù lại tiền lương và phụ cấp khá cao, nhờ vậy mình có thể dành dụm được chút tiền gửi về giúp đỡ gia đình nghèo ở quê; vả lại ở mãi rồi cũng quen, nếu mình rút ra thì người khác vào đây cũng lại khổ như mình lúc ban đầu. Nghĩ được như vậy, San bỗng thấy thanh thản và tự tin hơn. Thời gian rỗi San đem sách bổ túc cấp III ra tự học, hết chương trình xin thi tốt nghiệp dự thính. Có được tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT, San xin phòng giáo dục huyện cho thi tiếp đại học Sư phạm Thái Nguyên, hệ chuyên tu 3 năm. San đỗ và học một lèo đến khi ra trường và tìm về thăm bà Mùa.

Nghe xong chuyện của San, bà Mùa gật gù khen:

- Con trai mẹ khá lắm! Vất vả thế mà vẫn học hành được đến nơi đến chốn như vậy làm mẹ cũng mát lòng. Hèn gì con “tít” những bẩy năm trời mới thấy quay trở lại thăm bà già này.

Đêm ấy bà Mùa ngủ một giấc thật sâu và yên lành - điều mà từ khi gia đình gặp nạn bà không thể nào có được. Chẳng biết bà mơ thấy những gì mà trên gương mặt hằn đầy nếp nhăn khi ngủ luôn đọng một nét cười.

***

Thị trấn huyện lỵ được mở rộng, trong đó có một phần diện tích xã Pả Lý. Mảnh đất rộng trên năm trăm mét vuông của bà Mùa bỗng trở nên đắt giá, vì có tỉnh lộ mới mở chạy qua, lại thuộc đất nội ô. Từ khi đất ở đây lên giá, hàng ngày có không biết bao nhiêu lượt người đến gạ mua đất của bà Mùa. Dưới con mắt họ, mảnh đất của bà là vị trí lý tưởng để mở cửa hiệu kinh doanh trong tương lai. Họ vừa khuyên vừa doạ bà rằng, bà chỉ có một thân một mình thì giữ đất làm gì, bán đi mà ăn tiêu cho sướng cái thân già trước khi nhắm mắt; để lại nhỡ Nhà nước thu hồi mất thì trắng tay, hoặc bị những đứa liều mạng lấn chiếm sẽ khó mà đòi!…Nhưng bà Mùa không bán, vì bà còn có thằng San. Bà dự định sang tên cho nó một mảnh để sau này nó lấy vợ sẽ làm nhà. Phần còn lại bán đi để gửi tiết kiệm lấy lãi. Dự định là thế nhưng bà chưa bàn được với San, vì từ ngày học xong đại học San được huyện đề bạt làm phó phòng giáo dục, phụ trách mảng nội trú và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Anh dành phần lớn thời gian đi khảo sát tình hình phổ cập và các lớp bán trú dân nuôi ở các xã, các thôn bản trong huyện; tổ chức đi tham quan những mô hình tốt ở các huyện bạn. Việc mới, lại phải đi nhiều, họp hành lắm nên thời gian San dành cho mẹ nuôi không được nhiều. Bà Mùa cũng chẳng trách cứ. Nhưng bà thấy lo, vì mấy tháng nay San gầy quá. Chẳng biết bận công viẹc gì mà nhiều hôm nó làm việc thâu đêm. Ban ngày đi làm thì chớ, cứ về đến nhà là nó lại bần thần suy nghĩ, đến nỗi ăn uống cũng quáng quàng cho xong. Tối hôm ấy bà Mùa lựa lời hỏi San xem có chuyện gì. San bảo mẹ:

- Việc chung ấy mà mẹ. Nhưng con được giao phụ trách. Chẳng là vừa qua con đến thăm một số trường bán trú dân nuôi ở các xã trong huyện mình thấy thiếu thốn nhiều thứ quá. Trụ sở ủy ban xã điện sáng trưng, trong khi trường ngay bên cạnh thì vẫn tù mù đèn dầu. Hỏi ra được biết vì trường không có tiền lắp điện. Bàn ghế thì lôm côm đủ loại, cái có chân cái không. Nhìn mà lo cho vấn đề trường lớp của huyện mình quá!

- Thế muốn kéo điện cho các trường ấy thì cần nhiều tiền không? - Bà Mùa hỏi.

- Tính sơ sơ mỗi trường mười triệu, cả huyện hiện còn 9 trường chưa có điện, vị chi phải có ít nhất 90 triệu đồng. Số tiền kể ra không phải là quá lớn, nhưng kẹt một nỗi ngành giáo dục không có khoản tiền nào dành cho lắp điện ở trường bán trú dân nuôi, ngân sách huyện eo hẹp không thể hỗ trợ, người dân thì còn nghèo nên khó huy động đóng góp.

- Tưởng nhiều, chứ một trăm triệu thì có thể kiếm được. - Bà Mùa nói nhẹ như không.

- Mẹ không nói đùa đấy chứ? - San hỏi vẻ ngạc nhiên.

- Chuyện này đùa làm sao được. Con lại gần đây mẹ nói chonghe kế hoạch của mẹ…

Bà Mùa nói với San ý định về việc sử dụng số đất đai hiện có. Theo bà, ngoài số đất để dành sau này hai mẹ con làm nhà ở, số còn lại sẽ bán bớt đi vài lô để lấy tiền giúp các trường bán trú dân nuôi lắp điện. San ngồi nghe im lặng. Đến khi bà Mùa giục “ý con thế nào?”, anh mới cất nổi lời:

- Nếu được như vậy thì tốt quá. Nhưng con cứ băn khoăn, vì đó là số vốn dành dụm cả đời của mẹ!

Bà Mùa khoát tay nói với San:

- Anh chỉ giỏi lo bò trắng răng. Mẹ có mỗi một mình, để đất nhiều, tiền nhiều mà làm gì, trong khi các cháu đang cần tiền lắp điện để học hành. Thôi, không bàn thêm nữa. Mai mẹ sẽ gọi người bán đất. Con thì lo tìm người lắp điện cho các trường. Thế nhá!


Nguyễn Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuần phim kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ
(HGĐT)- Tối 25.7, tại rạp chiếu bóng Ngọc Đường, đội chiếu bóng lưu động rạp Ngọc Đường phối hợp với đội chiếu bóng lưu động thị xã tổ chức chiếu phim khai mạc tuần phim kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 2007).
27/07/2007
Biểu diễn nghệ thuật biểu dương phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
(HGĐT)- Hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 2007) và chào mừng Hội nghị biểu dương những gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu của tỉnh, tối 25.6, UBND huyện Quản Bạ đã tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật.
27/06/2007
Cao Bằng: Phát hiện di tích người nguyên thủy
Các nhà khảo cổ Việt Nam vừa phát hiện một số di tích cư trú cách đây 10.000 năm của người nguyên thuỷ trên địa bàn tỉnh miền núi phía bắc Cao Bằng.
26/07/2007
Cầu TH đặc biệt: Bản hùng ca bất diệt
"Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do", lời nhắc nhở của Bác về những hi sinh, mất mát của thế hệ đi trước – những hi sinh không thể bù đắp được cũng là lời nhắc nhở nhiều thế hệ sau phải sống và sống xứng đáng với những hi sinh đó.
26/07/2007