Đồng đội tôi - Khúc tráng ca về một thời hoa lửa

09:57, 19/07/2007

Như một lời tri ân, Chương trình "Đồng đội tôi" do Đài truyền hình KTS VTC phối hợp với Trung tâm Văn hoá Doanh nhân VN tổ chức tối 18/7, kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, đã cuốn người xem vào một thời hào hùng của dân tộc, cái thời "tuổi hai mươi đã thành sóng nước..."


        
      Với khẩu súng này anh hùng Lê Mã Lương đã tiêu diệt được 52 tên địch.

Những nụ cười sau bao nhiêu năm gặp lại vẫn tươi rói, những kỷ niệm chiến trường lại dội về. Trong khoảnh khắc đó đã có những khán giả trong trường quay chật kín người lấy vạt áo lau nước mắt...

15 phút trước chương trình truyền hình trực tiếp, trường quay S4 chật kín khán giả, trường quay có thêm hàng ghế dành cho thương binh đi bằng xe lăn, có thêm sắc xanh của màu áo lính. Hồi ức chiến tranh được tái hiện bởi những đêm trăng chiến trường, là những rừng cây rậm rạp và hàng quân đang đi vội vã sau chập trùng núi non... nơi sân khấu. "Đồng đội tôi" là những người đã sống và trở về với những kỷ niệm một thời hào hùng...

        
             Dù không đến tham dự được nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
                 cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng tới những người đồng đội.

Những người đồng đội gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, ký ức về một thời chiến đấu hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ…” lại sống dậy. Những năm tháng chiến tranh ác liệt nơi mà “vầng trăng ở Trường Sơn là vầng trăng quầng lửa, vầng trăng chia nửa một bên đông Trường Sơn một bên Tây Trường Sơn…" cứ vang mãi trong câu ca khúc hát.

Thiếu tướng không quân Phạm Ngọc Lan, nhớ về những ngày tháng hào hùng không chiến trên vùng trời Hàm Rồng (Thanh Hoá). Đội không quân xuất kích của ông chỉ có 4 người chiến đấu bằng Mig17 nhưng tấn công quyết liệt làm cho giặc lái chỉ còn nước rút chạy và bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên... Nhưng hai trong bốn người đã không may mắn được trở về.

Cầm trên tay khẩu AK 47số hiệu 1754, thiếu tướng Lê Mã Lương, người chiến sỹ với câu nói nổi tiếng "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" bồi hồi kể lại: "Cây súng này được đưa về từ chiến trường miền Nam vào tháng 3/1971. Đó là khẩu súng của tôi, đã cùng tôi từ năm 1968 đến 1971 trải qua các trận chiến đấu liên tục ở Nam Lào, Khe Sanh (Quảng Trị).

Cùng với khẩu súng này, tôi đã diệt 53 lính Mỹ, bắn cháy một trực thăng vũ trang. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với khẩu súng này là trận đánh ngày 28/7/1969, tại làng Vây, Khe Sanh. Giữa 12 giờ trưa, chúng tôi đụng độ với một đại đội thuỷ quân lục chiến Mỹ.

Tôi là người đi đầu đội hình đại đội, cách anh em phía sau chừng 50 m. Tôi sa vào ổ phục kích của đại đội này và bị một lính Mỹ bắt sống. Tôi với lính Mỹ này vật lộn với nhau khoảng 2 phút, đồng đội hỗ trợ bắn bị thương tên lính Mỹ này và tôi thoát được, tiếp tục chiến đấu. Trong trận này tôi đã tiêu diệt 15 lính Mỹ. Đây là trận đánh đáng nhớ nhất của tôi"...

        
                         Khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Trong một phút nhớ lại những đồng đội đã ngã xuống Thiếu Tướng Lê Mã Lương đã tâm niệm: Trong chiến đấu, có những lúc cận kề với cái chết, tôi chưa bao giờ có cảm giác sợ hãi. Đồng đội tôi thương bảo trong chiến tranh hy sinh là chuyện rất bình thường nhưng những người trở về mới thực sự là kỳ diệu. Vì vậy, hãy sống sao thật xứng đáng, sống có ích để không phụ lòng những đồng đội không còn nữa.

Còn những người thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh) thì không dấu nổi xúc động. Người cựu chiến binh tâm sự: "Qua chương trình tôi muốn gửi tới những người đồng đội tôi đang còn sống những tình cảm chân thành nhất, và gửi tới các anh - những người đồng đội đã ngã xuống rằng các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi sẽ sống tốt, sống có ích để không phụ công các anh...''.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh chia sẻ, đến với chương trình “Đồng đội tôi”, ông đã cảm nhận sự mất mát của những chiến sỹ ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, và rất xúc động với những người còn sống, những người thương binh không phó mặc cho số phận luôn cố gắng vươn lên để xứng đáng với câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Với những tình cảm chân thành ông Lĩnh cho biết, những năm qua công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, đã được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc và chắc chắn trong thời gian tới, công tác này sẽ được làm tốt hơn nữa để phần nào bù đắp những hy sinh to lớn cho Tổ quốc.

...Chương trình được kết lại bằng hình ảnh đầy sâu lắng về dòng sông Thạch Hãn: Dòng sông Thạch Hãn vào những ngày tháng 7 lấp lánh đèn hoa đăng và hoa, linh hồn các anh như đang hiện hữu trong vòng tay, trong ánh mắt của bao người dân, bao đồng đội đã từng một thời với những người "tuổi hai mươi đã thành sóng nước... Dòng sông Thạch Hãn giờ đã yên bình, nhưng còn đó một khúc tráng ca, khúc tráng ca của một dân tộc thời đại viết bằng chính máu và hoa của mình...


vtc.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Biểu diễn nghệ thuật biểu dương phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
(HGĐT)- Hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 2007) và chào mừng Hội nghị biểu dương những gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu của tỉnh, tối 25.6, UBND huyện Quản Bạ đã tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật.
27/06/2007
Đêm chung kết Giải Sao Mai sẽ diễn ra vào 15-7
Đêm chung kết liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, Giải Sao Mai, sẽ diễn ra vào tối 15-7 tới với sự so tài của chín thí sinh đại diện cho ba phong cách âm nhạc tại Hòn Ngọc Việt, Nha Trang, Khánh Hoà.
26/06/2007
Xuất bản bộ sách lớn nhất về văn hoá Thăng Long - Hà Nội
Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, bộ sách lớn nhất từ trước tới nay về lịch sử - văn hoá Thăng Long sẽ được ra mắt vào ngày 30-6 tại Nhà Hát lớn Hà Nội sau gần 5 năm chuẩn bị.
26/06/2007
Lần đầu tiên tổ chức thi Hoa hậu Thế giới người Việt
Chỉ sau chưa đầy một tuần công bố thể lệ tham dự, cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất (do Báo Tiền Phong, Báo Thanh Niên, Công ty cổ phần Vinpearl và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức) đã nhận được gần 1.000 lá đơn của các người đẹp trong và ngoài nước.
20/06/2007