Chung kết Sao Mai 2007: Lấp lánh Sao Mai ngày mới

07:24, 16/07/2007

Với sự biểu diễn điêu luyện và có những yếu tố sáng tạo, Lê Anh Dũng (Thanh Hóa), Đinh Thị Thành Lê (Hà Tĩnh) và Phạm Hà Linh (Hà Nội) là những người đứng lên bục chiến thắng.


Nhạc viện Hà Nội bội thu

3 ngôi sao mai vừa xuất hiện.

Chỉ có Trần Hoàng Nghiệp (đang ca hát tự do tại Cần Thơ) và Phạm Hà Linh hiện là sinh viên Học viện quan hệ quốc tế, 7 thí sinh còn lại đều đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Điều này cho thấy, càng ngày, Sao Mai càng đòi hỏi khắt khe hơn. Ngoài giọng hát bẩm sinh và niềm đam mê còn là sự học hành tại trường nhạc, hay ít nhất thì cũng “tầm sư học đạo” bên ngoài.

Lê Anh Dũng có lẽ là thí sinh hát tốt nhất, hoàn hảo nhất đem chung kết. Chọn một bài trữ tình bán cổ điển từng quen thuộc với khán giả qua tiếng hát Trọng Tấn, Dương cầm thu không em (An Thuyên) được Dũng hát “tình” hơn, nhiều cảm xúc hơn và sáng tạo hơn những ca sỹ trước đó. Ngoài giải nhất của ban giám khảo thì Lê Anh Dũng còn nhận được giải thưởng “Thí sinh được khán giả yêu thích nhất” do VietNamNet tổ chức bình chọn và trao giải.

Hiền Anh cũng chọn ca khúc mới, cũng dạng bán cổ điển của nhạc sỹ Đức Trịnh (Miền xa thẳm), tuy hơi rung nhưng phải công nhận rằng Hiền Anh đã hát khá tốt ca khúc này, phô diễn kỹ thuật điêu luyện và xử lý khá tinh tế. Nguyễn Phúc Tiệp cũng khá thành công với Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh).

Với những gì mà các thí sinh dòng thính phòng đem lại (nhất là Lê Anh Dũng và Hiền Anh), nhiều khán giả sẽ phải thay đổi cách thưởng thức những ca khúc mang âm hưởng thính phòng từ lâu đã trở nên “đóng khung” trong suy nghĩ.

4 thí sinh (cầm hoa) được đặc cách

4 thí sinh (cầm hoa) được nhận thẳng vào trường ĐH văn hóa NT quân đội: Lương Viết Quang (Sài Gòn), Nguyễn Đức Quang (Bình Phước), Xuân Hương (Quảng Ninh), Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ)


Dòng dân gian cũng có hai thí sinh chọn bài mới là Thu Hà và Thu Huyền. Hà hát một ca khúc âm hưởng Bắc Bộ (Trăng xuân – Vũ Duy Cương) khá nhuần nhị, duyên dáng. Thu Huyền cũng chọn trăng nhưng là Trăng vàng (Đức Trịnh) mang đậm phong cách dân gian Chăm từ trang phục đến lối hát. Huyền hát tinh tế và rất “tình”.

Thành Lê
Thành Lê

Tuy nhiên, Thành Lê mới lại là người thành công khi cô “làm mới” Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) – Một ca khúc rất quen thuộc. Lê hát rất có hồn, cảm xúc và tràn đầy tình yêu đối với mảnh đất mà cô đã sinh ra và lớn lên. Giải nhất thuộc về Lê là hoàn toàn xứng đáng.

Dòng nhạc nhẹ có vẻ đuối hơn hẳn khi mà Thu Phượng đã không thể hát tốt hơn đêm chung kết nhạc nhẹ cũng vẫn với Jazz, nghe Phượng hát Trăng khát (Lê Minh Sơn) mới thấy hát Jazz khó như thế nào. Trần Hoàng Nghiệp hát “sạch sẽ” và hơi nhạt nhòa. Phạm Hà Linh còn thua chính cô ở đêm chung kết phía Bắc khi hát Phật Bà nghìn mắt nghìn tay (An Thuyên), nhưng lại nổi trội hơn 2 thí sinh cùng bảng, chính vì vậy, giải nhất thuộc về Linh là hoàn toàn xứng đáng.

Thí sinh lê xuân Hảo (Quảng trị) được nhận giải Triển vọng.
 

Lê Anh Dũng
Lê Anh Dũng


Sau cuộc thi, 4 thí sinh được nhận thẳng vào trường ĐH văn hóa NT quân đội là: Lương Viết Quang (Sài Gòn), Nguyễn Đức Quang (Bình Phước), Xuân Hương (Quảng Ninh), Trần Hoàng Nghiệp (Cần Thơ).

Khép lại một Sao Mai khá “lặng lẽ”

Nhiều khán giả Nha Trang gọi vui cuộc thi hát danh giá nhất của VTV3 năm nay là “Sao Mai…biển lặng”. Quả vậy, cho dù vé “phát không” nhưng giá cáp treo (100.000 đồng cả đi và về) và giá tàu cao tốc 140.000 đồng (khứ hồi) không phải “dễ chịu” đối với bất kỳ người dân Nha Trang nào. Khách du lịch thì họ đến đảo Hòn Tre để vui chơi giải trí và rất ít du khách đến với trung tâm hội nghị Vinpearl để xem Sao Mai.

Đã vậy, Sao Mai năm nay tổ chức ở Nha Trang, khá xa hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn (nơi tập trung đông đảo nhất giới báo chí - bộ phận quan trọng tạo nên sự “sôi động” cho cuộc thi), nên có quá ít phóng viên tới tác nghiệp.

Hà Linh
Hà Linh

Sự quảng cáo cho Sao Mai ở thành phố Nha Trang cũng rất khiêm tốn khi có quá ít băng-rôn treo ngoài đường, dẫn đến việc nhiều người dân Nha Trang không hề biết có cuộc thi Sao Mai đang diễn ra ở đây, người khác thì muốn xem nhưng lại không biết phải liên hệ lấy vé ở đâu, do đó các đêm thi Sao Mai (trừ đêm chung kết xếp hạng) thường vẫn còn thừa khá nhiều ghế trống.

Các thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Sao Mai hôm nay cần phải hiểu rằng, giải thưởng này rất danh giá nhưng nó mới chỉ là chiếc chìa khóa để mở cửa bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, mà không phải ngay lập tức trở thành những ngôi sao ca nhạc. Do đó họ cần tỉnh táo để nhận biết vị trí của mình và có những hoạch định cụ thể cho sự nghiệp thời “hậu Sao Mai”.

Còn những thí sinh thất bại tại Sao Mai năm nay, chắc chắn họ đã rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình để tự tin hơn đến với các cuộc thi hát lần sau, hoặc ít nhất là bồi đắp thêm vốn sống của mình làm hành trang bước vào con đường nghệ thuật đầy vinh quang nhưng cũng không ít chông gai phía trước.


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày 1-6, cầu truyền hình trực tiếp chương trình “Bay cao những ước mơ”
Chương trình nghệ thuật mang tên: “Bay cao những ước mơ” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Làng trẻ em SOS sẽ được cầu truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 1-6 tới.
30/05/2007
Biểu diễn nghệ thuật biểu dương phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
(HGĐT)- Hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 2007) và chào mừng Hội nghị biểu dương những gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu của tỉnh, tối 25.6, UBND huyện Quản Bạ đã tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật.
27/06/2007
Đêm chung kết Giải Sao Mai sẽ diễn ra vào 15-7
Đêm chung kết liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, Giải Sao Mai, sẽ diễn ra vào tối 15-7 tới với sự so tài của chín thí sinh đại diện cho ba phong cách âm nhạc tại Hòn Ngọc Việt, Nha Trang, Khánh Hoà.
26/06/2007
Xuất bản bộ sách lớn nhất về văn hoá Thăng Long - Hà Nội
Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, bộ sách lớn nhất từ trước tới nay về lịch sử - văn hoá Thăng Long sẽ được ra mắt vào ngày 30-6 tại Nhà Hát lớn Hà Nội sau gần 5 năm chuẩn bị.
26/06/2007