Cao Bằng: Phát hiện di tích người nguyên thủy
Các nhà khảo cổ Việt Nam vừa phát hiện một số di tích cư trú cách đây 10.000 năm của người nguyên thuỷ trên địa bàn tỉnh miền núi phía bắc Cao Bằng.
Tháng 7/2007, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Cao Bằng tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ học tại khu vực sơn khôi đá vôi huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và phát hiện một số di tích cư trú của người nguyên thủy tại hang đá Ngườm Bốc, thuộc địa phận xã Hồng Việt.
Đoàn khảo sát đào thám sát 4m2, thu được hàng chục công cụ lao động bằng đá cùng nhiều tàn tích thức ăn của người nguyên thuỷ.
Tất cả công cụ đều được chế tác từ đá cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, thô sơ. Bộ sưu tập Ngườm Bốc chứa những đặc trưng kỹ thuật văn hóa Hòa Bình sớm. Chưa có đồ đá mài và đồ gốm.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, các nhà khảo cổ cho rằng, Ngườm Bốc là một di tích cư trú của người nguyên thủy sống vào giai đoạn chuyển tiếp giữa thời đại đá cũ và đá mới, có tuổi địa chất cuối hậu kỳ Cánh Tân - đầu Toàn Tân, cách nay khoảng 10.000 năm.
Đây là di tích thuộc giai đoạn văn hóa Hòa Bình sớm tìm thấy trên đất Cao Bằng.
Ý kiến bạn đọc