Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam không thể mai một
Khi nước ta gia nhập WTO, nhiều người lo ngại rằng, tham gia “sân chơi” chung với thế giới bằng những hợp đồng, những giao kèo, những quy luật kinh tế sòng phẳng sẽ ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tà áo dài truyền thống - biểu tượng của văn hóa Việt Nam. |
1. Cách đây vài năm, có thời kì khán giả truyền hình Việt Nam rất chuộng phim Hàn Quốc. Trên đường phố chỗ nào cũng xuất hiện quần áo Yumi, phấn son Yumi, chăn ga gối đệm Yumi... rồi mốt “mắt thâm môi trầm”, “đầu sư tử”... Nhiều thanh niên Việt Nam bắt chước các mốt Hàn Quốc, nhưng hiện nay, không mấy ai còn chạy theo những “mốt” ấy nữa vì nó không phù hợp với lối sống của người Việt Nam.
Thanh niên rất nhanh nhạy khi tiếp xúc với những “cái mới”, nhưng khi “cái mới” ấy không được xã hội ủng hộ, chấp nhận thì nó sẽ tự động bị đào thải. Đó là quá trình giao lưu văn hóa. Khi tiếp xúc, giao lưu văn hóa bao giờ cũng có một giai đoạn kiên cưỡng, lắp ghép, nói như cố giáo sư Trần Quốc Vượng đó là “giai đoạn nhố nhăng”, giai đoạn thử thách “cái mới” thâm nhập. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện linh hồn, đạo đức, lối sống của người Việt, nó sẽ tiếp nhận những giá trị ưu tú của dân tộc khác và sàng lọc những cái không phù hợp.
2. Bản sắc văn hóa dân tộc là những vấn đề căn cốt nhất, nền tảng nhất để làm nên nét riêng của cộng đồng dân tộc này so với cộng đồng dân tộc khác. Nó có tính ổn định vì phải trải qua quá trình đúc kết, tích lũy và sàng lọc lâu dài. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tâm thức con người Việt Nam qua lẽ sống, lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường... bộc lộ được tính cách con người Việt Nam qua cách sống tương thân tương ái, tính cần cù, sáng tạo, giản dị, tế nhị trong ứng xử. Trong quá trình phát triển, văn hóa Việt Nam phải hội nhập để tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, làm giàu cho văn hóa dân tộc mình. Không một nền văn hóa nào có thể phát triển nếu không có sự giao lưu. Bởi vì sự sáng tạo của một cộng đồng là giới hạn nhưng sự sáng tạo của các cộng đồng trên thế giới là vô hạn. Chúng ta không thể “đóng cửa” mà giữ khư khư bản sắc văn hóa dân tộc mình. Niềm tin vào con người, vào sức mạnh Việt Nam và sự lãnh đạo có định hướng của Đảng và Nhà nước sẽ là điều cốt lõi nhất để giữ cho văn hóa Việt Nam “hòa nhập chứ không hòa tan”.
3. Trước khi bàn tới những ảnh hưởng về văn hóa thì phải thừa nhận chúng ta đang là một nước nghèo, nên muốn hay không thì nhiệm vụ trước mắt, cần thiết, đầu tiên là chúng ta phải vượt qua ra khỏi tình trạng đói nghèo. Muốn “vượt nghèo” phải dựa vào kinh tế. Nói đến kinh tế phải nói đến 3 yếu tố: Vốn, kĩ thuật và con người. Vốn không chỉ là tiền bạc và tài nguyên, ngày nay nó còn được xác định là chất xám của con người. Kĩ thuật là sự tích lũy của con người trong hàng nghìn năm. Cuối cùng, chính con người sử dụng vốn và kĩ thuật đó làm ra của cải vật chất. Nên nói là kinh tế nhưng xét cho cùng vẫn là con người. Và một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi là dù hội nhập thế nào thì người Việt Nam vẫn là người Việt Nam, mang dòng máu “con Lạc cháu Hồng” chảy trong huyết quản, không gì thay thế được.
4. WTO là một “sân chơi” lớn, là diễn đàn đối thoại về quyền lợi của các dân tộc, mà trước mắt là quyền lợi về kinh tế. Đó là quyền lợi thiết thực nhất, là một trong những nhân tố đảm bảo sự phát triển. Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về không gian, thời gian, diện mạo văn hóa của nhân loại. Cấu trúc không gian thế giới nhất định phải thay đổi. Đó là sự liên thông qua không gian, từ đất nước này sang đất nước khác, tạo thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa. Gia nhập WTO vừa là cơ hội vừa là thách thức với tất cả các dân tộc chứ không chỉ riêng dân tộc Việt. Trong quá trình phát triển kinh tế cùng nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ điều chỉnh dần dần để làm sao cho kinh tế Việt Nam phát triển vì con người. Hội nhập, chúng ta có thể học tập các nước để tự hoàn thiện mình, phát triển.
Ý kiến bạn đọc