Tôi đã hiểu ra...
(HGĐT)- Tình cờ tôi được nghe hai vợ chồng ông bà già cùng xóm nói chuyện về bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XII.
Ông nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp huyện nghỉ hưu; bà trước đây là nhân viên cửa hàng mậu dịch, đã nghỉ “một cục” từ hồi mới chuyển đổi cơ chế kinh doanh. Hai ông bà vốn được tiếng là những người hay quan tâm đến tình hình thời sự và là những công dân gương mẫu trong xóm, nên việc họ bàn luận về bầu cử quốc hội cũng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nội dung cuộc bàn luận giữa hai ông bà thật sự làm tôi có ấn tượng mạnh và xin mạn phép chép ra đây để bạn đọc tham khảo trước khi cầm lá phiếu bầu cử đại biểu quốc hội lần này.
Ông nói với bà:
- Bà đã ra trụ sở thôn đọc bản danh sách và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XII ở đơn vị bầu cử số 2 mình chưa?
- Tôi đọc ngay từ hôm người ta mới dán rồi. Hôm nọ tôi còn mượn báo tỉnh về đọc danh sách và tiểu sử những người ứng cử được phân bổ về hai đơn vị bầu cử ở tỉnh ta cơ ông ạ.
- Bà thấy các ứng cử viên Quốc hội ở tỉnh ta khoá này thế nào?
- ý ông hỏi về cái gì? Chất lượng hay cơ cấu? - Bà hỏi.
- Cả hai.
Nghĩ ngợi một lát, bà bảo:
- Đọc danh sách và tiểu sử các ứng cử viên tôi thấy lần này nhìn chung chất lượng cao hơn hẳn các lần trước, vì ai cũng có trình độ đại học, hầu hết là cán bộ, đảng viên đang giữ các chức vụ quan trọng. Đáng mừng nhất là những ứng cử viên người dân tộc thiểu số đều có trình độ cao, không còn mang tiếng là “đại biểu cơ cấu dân tộc” nữa.
Ông nhìn bà tủm tỉm cười, và hỏi:
- Thế bà định bầu cho những ai?
- Tôi thấy bầu cho ai cũng tốt cả, vì họ đều đáp ứng được 5 tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và mỗi người đều có những ưu thế riêng. Nói chung họ đều một chín, một mười, bầu cho ai cũng thế cả thôi.
- Bà nói thế chỉ đúng mà chưa đủ. Đã đành những người ứng cử đều đã được hiệp thương qua mấy vòng để lựa chọn, nhưng cử tri vẫn phải cân nhắc kỹ và chọn lấy những người tốt hơn để bầu vào Quốc hội. Tôi thử nói ý nghĩ của mình cho bà nghe nhá: Mấy ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về và ứng cử viên là cán bộ chủ chốt của tỉnh thì nên bầu, vì họ làm ở cấp cao, nắm bắt được kịp thời các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tiếng nói của họ khi phản ánh nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các bộ ngành T.Ư sẽ hiệu quả và có trọng lượng hơn. Các ứng cử viên khác, thì ngoài việc xem xét đến yếu tố cơ cấu về dân tộc, giới tính đã ghi rõ ở dưới các bản danh sách ứng cử viên, mình cần chọn những người mà công việc của họ gắn liền với số đông nhân dân, có tính chất bao quát, đa dạng, đa chiều ở mỗi địa phương, mỗi ngành, như thế họ sẽ phát huy được tốt hơn vai trò đại biểu của mình trên diễn đàn Quốc hội cũng như khi tiếp xúc với cử tri và nhân dân.
- Thế thứ tự trên lá phiếu là thế nào hả ông? Có phải người ở trên là hơn người ở dưới không? - Bà hỏi.
- Không phải đâu bà ạ. Tên các ứng cử viên ở trên lá phiếu là người ta xếp theo thứ tự của bảng chữ cái. Khi bỏ phiếu mình phải lựa chọn kỹ, như lúc nãy tôi vừa nói, chứ không phải là cứ gạch những ai ở dưới đâu.
- Nghe ông nói tôi đã hiểu ra nhiều điều.- Bà khen.
- Chứ lại không à.- Ông có vẻ tự hào.
Ý kiến bạn đọc