Những ngày vắng nhau
Điểm trường Giàng Chu ở heo hắt tận chân núi Ba Sao. Nếu đi từ trường chính
Từ phố huyện vào trường chính Chu Phìn nếu đi bộ cũng mất khoảng thời gian như vậy. Nhưng thật may, vì cách đây hai năm huyện đã làm được con đường liên xã, nên việc đi lại từ huyện lỵ về trường chính đã có thể đi được xe máy. Con đường này được gọi là “Đường đại đoàn kết”, tiến hành theo thể thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước hỗ trợ thuốc mìn nổ đá, người dân các xã trong vùng đóng góp công lao động. Từ ngày có con đường này, các thầy cô giáo ở trường chính Chu Phìn và điểm trường Giàng Chu cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Nhưng việc đi lại vẫn là sự thử thách khốc liệt đối với ba cô giáo ở điểm trường Giàng Chu. Không chỉ ba cô giáo khổ, mà cả cái Gấm con cô giáo Hoa cũng bị khổ theo mỗi khi được mẹ cho ra ngoài trường chính hoặc phố huyện.
Gấm năm nay mới 5 tuổi. Tuy bố mẹ đều là người Kinh quê ở thị xã Tuyên Quang, nhưng nó lại đẻ tại Trạm y tế xã Chu Phìn. Tình yêu giữa một sĩ quan biên phòng trẻ với cô giáo Hoa xinh đẹp nơi miền đất biên cương vô vàn gian khó này đã sinh ra Gấm. Nó mang nét đẹp dịu dàng của mẹ cộng với tính cương trực của bố và pha chút hoang sơ của miềnải Bắc hùng vĩ, tạo nên một tính cách rất đặc biệt. Gấm nói sõi cả tiếng Mông và tiếng Kinh. Tiếng Kinh nó học từ mẹ và bố, tiếng Mông nó nói theo mọi người trong bản.
Trong số các bạn người Mông, Gấm thân nhất là thằng Phư và cái Vè. Hai đứa này nhà gần điểm trường, lại cùng tuổi với Gấm, cùng học một lớp mầm non do mẹ Gấm dạy. Đối với chúng cái gì cũng là của chung, từ đồ chơi đến quả cây, bánh kẹo. Hằng ngày, trừ giờ học ở lớp và ban đêm đi ngủ, còn hầu như lúc nào ba đứa cũng ở bên nhau. Nhưng có điều thật lạ, khi chơi với nhau ba đứa rất hay cãi cọ, xích mích, thậm chí ẩu đả chí choé. Chúng khóc chán lại cười. Vừa cười xong lại khóc. Hôm nào vắng một trong ba đứa, thì hai đứa kia cứ buồn như bị ốm. Đến khi gặp nhau, chỉ chơi được một lúc là chúng lại gây sự cãi lộn. Nhìn cảnh ấy mẹ Gấm chỉ còn biết lắc đầu cười mỉm. Và mẹ đã làm một bài thơ nhỏ, đọc cho cả lớp mầm non nghe:
Bạn thân quả bắp chia đôi
Cãi nhau đỏ mặt lại cười với nhau
Nửa ngày không gặp thấy lâu
Gặp nhau một lúc, giận nhau mấy lần
Nhưng mà vẫn cứ chơi thân...
Nghe mẹ đọc, Gấm biết thừa là mẹ viết về nhóm bạn ba đứa của mình. Nó thấy mẹ viết đúng quá. Gấm không hiểu tại sao cả ba đứa đều là bạn thân nhưng lại rất hay xích mích, cãi lộn nhau nhiều khi chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Mặc dù vậy, cứ hễ vắng nhau là đứa nào cũng buồn rũ rượi!
Gấm còn nhớ như in cái lần nó được về thăm ông bà nội ngoại ở Tuyên Quang trong dịp hè năm ngoái. Những năm trước về quê, Gấm còn bé quá nên chưa biết được nhiều, nhưng năm rồi trở lại Gấm thấy quê mình ở dưới Tuyên sướng thật. Hầu như cái gì cũng có, cũng đẹp và cũng lạ. Trẻ con được ăn ngon, mặc đẹp, được đi chơi công viên và chơi trò lái máy bay, đi tầu điện, được ăn kem sữa... Những lúc như vậy Gấm thấy nhớ cái Vè và thằng Phư quá. Nó bỗng ước sao hai đứa bạn thân ở bản Giàng Chu cũng được cưỡi máy bay, đi tầu điện và ăn kem như nó. Nỗi nhớ thương các bạn khiến Gấm chợt buồn. Đôi mắt nó hướng về phía Hà Giang xa xôi như tìm kiếm hình ảnh hai người bạn thân thiết. Bỗng dưng Gấm thấy các trò chơi ở công viên sao mà xa lạ và tẻ nhạt thế. Biết bao trẻ con cùng chơi xung quanh mà Gấm như chẳng thấy ai. Tiếng cười đùa rộn ràng của các bạn nhỏ trong công viên thị xã bỗng biến thành những tiếng chim rừng Giàng Chu thường hót mỗi chiều. Những chiếc máy bay và tầu điện đồ chơi bỗng biến thành các mỏm đá xám thân quen. Que kem sữa ngọt ngon Gấm đang cầm trên tay tự dưng biến thành chiếc bánh ngô nếp dẻo thơm, giống như thứ bánh mà Vè và Phư thường đem cho mỗi mùa ngô sớm. Trong khói sương nhạt nhoà, Gấm nhìn thấy các bạn ở bản Giàng Chu đang nô đùa trên nương đá đầy dẫy những ngóc ngách. Nó thấy thằng Phư và cái Vè đang đi xa dần, xa dần. Gấm nhào theo các bạn, miệng gọi to: “Phư ơi, Vè ơi!” Mồ hôi Gấm toát ra đẫm mặt...
- Em ơi! Hình như con mình bị cảm hay sao ấy! - Bố Gấm lo lắng gọi mẹ Gấm
- Người con nó lạnh toát hết đây này. Nó còn nói nhảm nữa. Mồ hôi ra nhiều lắm!
Đang trò chuyện với mấy chị bạn, mẹ Gấm vội vã chạy đến chỗ hai bố con đang ngồi. Mẹ hốt hoảng hỏi tới tấp:
- Con thấy trong người nó làm sao? Có đau ở đâu không? Con có chóng mặt không? Có rét không?
Rồi mẹ quay sang giục bố:
- Cho con về thôi anh, để em đi gọi bác sĩ!
Nhìn thấy mẹ chạy ra quầy điện thoại ở cổng công viên toan gọi bác sĩ, Gấm cười toe toét:
- Mẹ không phải lo đâu, con chẳng bị làm sao cả!
- Thật không con?
- Thật chứ. Con nhớ cái Vè, thằng Phư thì gọi thôi.
- Cha mày! Thế mà làm cho bố mẹ lo hết cả hồn! - Mẹ Gấm mắng yêu con.
Sau hôm ấy trong lòng Gấm cứ thấy nao nao nhớ Giàng Chu, nhớ các bạn đến lử khử, lừ khừ. Bác sĩ đến khám bảo nó chẳng bị bệnh gì. Ông ấy đoán là do thay đổi khí hậu từ vùng cao về vùng thấp đã làm ảnh hưởng đến thể trạng, sức khoẻ và tâm lý của nó.
Những ngày vắng Gấm, trên cao nguyên Giàng Chu thằng Phư và cái Vè cũng khật khà, khật khừ. Bác sĩ của đồn biên phòng và cán bộ y tế xã đến khám cũng bảo hai đứa chẳng bị bệnh gì. Họ đoán là do thay đổi thời tiết đã làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ con.
Hoá ra người lớn đoán sai hết. Bọn trẻ khật khừ chỉ vì nhớ nhau mà thôi. Bằng chứng là, khi Gấm trở lại Giàng Chu thì đứa nào cũng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và vui vẻ như thường. Chúng chơi với nhau suốt ngày và luôn mồm cãi lộn, xích mích, choành choẹ mà chẳng thấy đứa nào bị làm sao.
Ý kiến bạn đọc